Câu chuyện của Tổng thống Đông Timor

21/01/2009 23:27 GMT+7

Tổng thống Đông Timor José Ramos-Horta đã kể lại câu chuyện khi ông bị ám sát hồi tháng 2.2008 và nói ông không điểm mặt kẻ đã bắn ông vào buổi sáng định mệnh ấy.

Sáng hôm 11.1.2009, Tổng thống đất nước nhỏ bé Đông Timor (hay Timor Leste) đã có buổi nói chuyện với báo chí tại Bangkok trong chuyến thăm 3 ngày đến Thái Lan. Khán phòng không còn một chỗ trống và thỉnh thoảng mọi người lại cười rộ lên bởi cách kể chuyện dí dỏm của ông.

Đối mặt với họng súng

“Cho phép tôi bắt đầu câu chuyện bằng những gì xảy ra tại đất nước tôi sau âm mưu ám sát”, ông Ramos-Horta nói. “Điều mà đến tận hôm nay nhiều người vẫn khó giải thích tại sao nó lại xảy ra”. Gần một năm sau vụ ám sát tưởng chừng như khó qua khỏi, Tổng thống Đông Timor và cũng là người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1996 xuất hiện trông khỏe khoắn và luôn nở nụ cười.

Sáng sớm ngày 11.2.2008, một nhóm quân ly khai đã tiến vào khu dinh thự của Tổng thống José Ramos-Horta ở thủ đô Dili và bắt đầu xả súng. Lúc này, ông Ramos-Horta vừa trở về nhà sau cuộc đi bộ lúc sáng sớm trên bãi biển. Ông đã từ chối sự hộ tống của 2 vệ sĩ được trang bị súng ngắn. “Quả thật rất may khi ấy tôi nhìn thấy kẻ tấn công tại nơi xảy ra vụ ám sát với khẩu súng trên tay. Đó là khẩu AK-47. Anh ta đứng rất gần tôi, cách chừng 20m”, ông Ramos-Horta kể.

Khi bị tấn công, ông liền nhanh chóng xoay người lại và vì thế đã tránh được viên đạn bắn thẳng vào ngực. “Tôi đã sống sót sau khi mất 4 lít máu”, ông nói. Sau vụ ám sát, ông được đưa đi điều trị tại một bệnh viện ở Darwin, Úc, trong tình trạng nguy kịch nhưng đã phục hồi sau đó chừng 10 ngày. Tổng thống Đông Timor kể rằng khi cô ý tá đến bên ông và nói tình trạng sức khỏe của ông tiến triển tốt, ông đã không tin vào điều đó. 

Bắt tay kẻ bắn mình

Với tư cách cá nhân, tôi không căm ghét người đã bắn tôi. Tôi tha thứ cho anh ta. Nhưng với tư cách là người đứng đầu đất nước, theo tôi, anh ta phải đối mặt với tòa án
Tổng thống José Ramos-Horta

Rồi ông Ramos-Horta đã có dịp gặp lại những tay súng từng tấn công mình.
Ông kể tiếp: “Tôi đã gặp họ, kể cả anh chàng bắn tôi. Tôi đã bắt tay anh ta vào ngày 26.12 vừa qua, cũng là ngày sinh nhật tôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến sinh nhật mình, tôi lại đến nhà tù và dành thời gian cho những người ở đó”. Khi vị tổng thống bị bắn, ông đã nhìn thấy mặt kẻ tấn công mình.

Giờ đây khi gặp tay súng đó trong tù, ông vẫn nhận ra. “Anh ta vẫn không có đủ can đảm để nói với các công tố viên rằng mình là thủ phạm. Tôi cũng không nói tên anh ta bởi tôi hy vọng anh ta sẽ nói với các công tố viên tại tòa”, ông giải thích. “Tôi chỉ hy vọng anh ta bước lên phía trước và nói rằng: Vâng, chính tôi đã bắn ông ấy; và giải thích tại sao anh ta lại làm như vậy”.

Không lâu sau vụ ám sát, ngày 29.4.2008, những tay súng ly khai đã ra đầu thú chính phủ Đông Timor ở thủ đô Dili. Ông Ramos-Horta khi ấy nói: "Với tư cách cá nhân, tôi không căm ghét người đã bắn tôi. Tôi tha thứ cho anh ta. Nhưng với tư cách là người đứng đầu đất nước, theo tôi, anh ta phải đối mặt với tòa án".

Hiện những người này vẫn đang trong giai đoạn bị xét xử. Ông Ramos-Horta cũng chính là người khởi xướng việc mở các cuộc đàm phán với quân phiến loạn. Có lẽ trong quyết định không điểm mặt kẻ bắn mình, bản thân Tổng thống Đông Timor cũng muốn dẹp bỏ mọi xung đột trong quá khứ để đem lại hòa bình cho đất nước còn quá non trẻ này.

Ông José Ramos-Horta sinh ngày 26.12.1949 tại Dili, Đông Timor, trong một gia đình có 17 anh chị em. Mẹ ông là người Timor còn cha ông là một người Bồ Đào Nha. Vợ ông là bà Ana Pessoa Pinto, từng giữ nhiều chức vụ trong chính phủ, nhưng hai người hiện đã ly dị. Họ có một người con trai là Loro.

Ông Ramos-Horta là vị tổng thống thứ 2 của Đông Timor kể từ khi nước này độc lập. Trước đó, ông là ngoại trưởng đầu tiên của nước này, bắt đầu từ năm 2002. Từ tháng 6.2006 đến tháng 5.2007, ông giữ chức thủ tướng. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1996.

Việt Phương
(Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.