Vụ cúc pha lê cho Tết này, ông Bảy Thơ “đánh” trên 500 chậu. Chỉ thuộc hàng nhà vườn trung bình ở Phú Yên, nên với ông đây là “canh bạc” lớn. Mọi năm, nhà ông chỉ “chơi” khoảng 200 chậu cúc và 100 chậu thược dược nhưng “Ế tàn ế mạt, tới gần giao thừa, tôi tức quá đập một mớ chậu, vợ con cản nên mới trút bỏ hoa, thu hồi về ít chậu. Chớ chú thấy vầy sao không tức: đầu tư bình quân phải gần 30.000 đồng mới trồng được chậu hoa, vậy mà khách hàng chỉ trả giá từ 20.000 đồng/chậu trở xuống!”.
Riêng vụ hoa Tết Kỷ Sửu, tính đổ đồng 60.000 đồng/chậu, gia đình ông Bảy Thơ bỏ túi ít nhất 30 triệu đồng, số tiền thật sự ý nghĩa đối với một gia đình nông dân ở Phú Yên!
Thế nhưng, tiền thu Tết của ông Bảy Thơ chẳng thấm tháp gì so với ông Đặng Phong Dinh (45 tuổi, ở Ninh Tịnh, Tuy Hòa) chuyên nghề trồng mai xuân. Những ngày giáp Tết này, chưa bao giờ thương lái với hàng đoàn xe tải từ các tỉnh, thành Tây Nguyên, miền Nam, miền Bắc… về Phú Yên săn lùng hoa nhiều đến thế. Vườn mai trên 5 năm tuổi của ông Dinh bỗng dưng quá... đã! Không còn cảnh bị “áp đặt” giá cả như mọi năm, vợ chồng anh Dinh đã có quyền định giá bán mai.
Gia chủ cứ thế ngồi tại vườn ra giá: 800.000-2.000.000 đồng/chậu mai (cao hơn năm 2008 từ 200.000-500.000 đồng/chậu), bỏ túi “khoẻ re” trên 100 triệu đồng!
Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch Hội Làm vườn Phú Yên thì rung đùi phân tích: “Có thể nói vụ hoa Tết Kỷ Sửu ở Phú Yên là một thắng lợi toàn diện! Thời tiết bất lợi hơn hẳn mọi năm nhưng tay nghề, sự đầu tư của nhà vườn đã được nâng cao nên chẳng hề gì. Năm nay, nhà vườn cũng chủ động bắt tay thương lái để “luân chuyển” một lượng lớn hoa - cây cảnh ra các tỉnh, thành khác nên ít còn cảnh đọng, ế hàng như năm rồi. Thế nên nhà vườn, nhà buôn và người bán lẻ cùng thắng!”.
|
Với gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (56 tuổi, ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, H.Phú Hòa, Phú Yên), một vụ lúa đông - xuân mưa ngập kéo dài phải sạ đi sạ lại 3 lần, tưởng như ngã quỵ, thế nhưng Tết này nhà có đến 2 thùng bia lon! Ấy là nhờ gia đình bà còn có nghề phụ là làm đậu miếng; giáp Tết lại còn “bắt được độ” gói bánh tét, bánh chưng để cung ứng cho các tỉnh Tây Nguyên. Thế là… hết buồn, sắm Tết xong lại còn dằn túi trên 3 triệu đồng!
Hiệu tạp hóa Vĩnh Khương, hiệu quần áo may sẵn Phúc Thịnh, hiệu sách Thời Đại, cửa hàng điện thoại di động Anh Phương,… trên đường Phan Đình Phùng, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đều cho biết: tưởng thua mọi năm nhưng đến lúc này “dòm lại” đều kinh doanh đạt khá hơn dịp Tết Mậu Tý qua. Theo bà chủ cửa hiệu Phúc Thịnh, thời tiết giáp Tết năm nay bỗng dưng quá lạnh, thế là bên cạnh các loại quần áo khác, đồ ấm bán chạy.
Ông chủ hiệu Vĩnh Khương thì cho hay: thấy thời khí mưa gió liên miên, ngỡ nông - ngư dân không đi mua sắm Tết, thế nhưng kết sổ vẫn thấy hàng thực phẩm - giải khát lại bán mạnh hơn năm trước...
Trước giờ giao thừa, PV Thanh Niên dẫu theo dõi từng biến động trên địa bàn trong năm nhưng vẫn thật sự bất ngờ trước tâm sự hài lòng của những người dân lao động mùa Tết Kỷ sửu. Sự năng động, ý chí quyết tâm vượt qua bất lợi để có một cái Tết no đủ của người dân Phú Yên thật đáng khâm phục!
Hùng Phiên
Bình luận (0)