Việc hôn nhân trước kia của người Mường Bi là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Trai gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà chưa có chỗ (để dạm hỏi) thì bố mẹ phải nhờ một người có vai vế trong họ làm ông mối đến nhà trai hoặc nhà gái để đặt vấn đề muốn làm thông gia. Nếu được sự đồng ý của gia đình, họ hàng (nhà gái chẳng hạn), lúc này ông mối hẹn một thời gian nhất định nào đó, gia đình nhà trai đến đặt lễ trầu, cau.
Lễ hỏi vợ gồm có: một con lợn khoảng 15 - 20kg, cùng trầu, cau, rượu và gạo. Người Mường Bi thường tổ chức đám cưới vào các tháng trong năm, riêng tháng 4 âm lịch (tháng 7 Mường Bi) và tháng 10 âm lịch (tháng chạp) thì họ kiêng không làm nhà, cưới hỏi. Vì họ cho rằng hai tháng đó là tháng xấu nhất trong năm.
Ông Đinh Công Nhỏ 65 tuổi ở xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình đang bận rộn trong ngày cưới của con trai tâm sự: “ Phong tục cưới của người Mường Bi bây giờ cũng thay đổi nhiều rồi, cưới theo nếp sống mới nên thủ tục không còn rườm rà như trước; trai gái tìm hiểu, yêu đương nên vợ nên chồng là tự nguyện, không còn thách cưới. Nhưng cái gì thuộc bản sắc riêng thì người Mường Bi vẫn còn gìn giữ...”.
Như cách gia đình nhà trai đi xin gạo, tiền để tổ chức cưới cho con, đến mỗi nhà, họ biếu một gói chè. Không phải vì gia đình nghèo mà đi xin, cách làm đó thể hiện tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau. Lễ vật mang sang nhà gái trước ngày cưới là 2 tạ gạo, 2 con lợn (một con 70kg và một con 25kg), cùng 20 lít rượu đưa sang nhà gái để ngày mai đón khách.
Ngày cưới là ngày lành tháng tốt, ngày hạnh phúc của đôi trai gái. Họ hàng nội ngoại nhà gái tổ chức đón tiếp họ hàng nhà trai và bà con trong xóm đến ăn cỗ. Trong đám cưới không thể không có rượu và mỗi dân tộc có cách uống rượu khác nhau. Với người Mường Bi thì uống rượu là một nét văn hóa riêng của họ.
Khi đã có mặt đầy đủ bốn bên nội ngoại của hai gia đình, cùng với anh em bạn bè, trước tiên là uống rượu cần (người Mường Bi gọi là Hạo cận). Nhà gái mang ra 2 vò rượu cần đặt giữa nhà (thẳng cửa ngang vào), trưởng đoàn mời những người có vai vế trong gia đình nhà trai và nhà gái vào làm thủ tục chào rượu. Tất cả phải đứng hai tay chắp trước bụng. Sau đó họ ngồi xuống bắt đầu uống rượu. Trong tiệc rượu có hai phe (nhà trai và nhà gái) có số người bằng nhau. Mỗi phe cử một người làm trưởng. Lúc này trưởng đoàn làm trọng tài đưa ra luật: Mỗi phe vào uống ba lần thay phiên nhau (trong khoảng một thời gian nhất định). Ví dụ: phe nhà gái có mười người luân phiên nhau uống hết một gáo rượu (một gáo chứa khoảng 1/3 lít) trong 5 phút. Cũng khoảng thời gian quy định đó, nhà trai không uống hết, tức là nhà trai bị thua.
Theo luật rượu của người Mường Bi: “phép quân không bằng tuần rượu”, bên thua bị phạt một gáo rượu to cho người trong đoàn, nếu người đó không uống hết thì phạt vào trưởng đoàn bên thua (10 người thì phạt 10 gáo). Cứ như thế cuộc vui được diễn ra cho tới bữa cơm. Lúc này, nhà gái lấy ra một vò rượu cần thứ 3 đặt phía trước, không cần nói thì mọi người cũng biết, đấy là vò rượu kết thúc thủ tục uống rượu để bắt đầu dùng cơm trưa... Mâm cơm nghi lễ của gia đình được đặt trước 3 bình rượu, chủ nhà phía trong (trái), khách phía ngoài (phải). Thủ tục chào cơm cũng giống thủ tục chào rượu, phải đủ nội ngoại của hai bên gia đình. Tan cuộc, gia đình nhà trai ra về, riêng chú rể và một số anh em (khoảng 3 người) ở lại nhà gái 3 ngày, 3 đêm. Đêm cuối cùng, gia đình nhà gái thịt một con lợn để tiễn con gái và con rể về nhà chồng. Khi người con gái về nhà chồng, nếu bên nhà chồng còn đủ ông bà nội ngoại, bố mẹ thì phải làm bấy nhiêu chiếc chăn, đệm và gối...
Thời điểm này, các đôi trai thanh, nữ tú trên đất Mường Bi đang tất bật chuẩn bị cho ngày vui, ngày hạnh phúc của mình. Và chính họ sẽ là những người tiếp nối, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc trong đám cưới của người Mường tỉnh Hòa Bình.
Theo TTXVN
Bình luận (0)