Năm nay ăn Tết hoa Đào hoa Mai...

28/01/2009 20:49 GMT+7

Tôi nhớ ngày xưa, có hai loại người rất háo hức đón Tết. Trẻ con và người già. Người già háo hức sớm hơn, heo may đã háo hức rồi, háo hức ngóng ra cổng làng, bến đò chờ con cháu lũ lượt kéo về quê những ngày trước cúng ông Táo.

Trẻ con háo hức muộn hơn một tí, thấy mẹ chúng ngắm con lợn ủn ỉn ở trong chuồng đã háo hức, thấy con gà trống đi ngộc nghệch ngoài sân đã háo hức. Thấy chị nhuộm nâu những vuông vải nhỏ đã háo hức và đặc biệt háo hức nhất là khi thấy bác thợ hớt tóc rong xách cái thùng gỗ đựng dao, kéo, tông-đơ to gần bằng thùng mì gói bây giờ đi dọc đường làng, trẻ con lũ lượt chạy theo, nắng hoe hoe, gió bấc thổi, trời hanh hao, hoa dong, hoa ngái nở đỏ trắng, bọn trẻ con chầu hẫu đợi đến lượt mình được bác phó cắt tóc mới ăn Tết... 
 
Năm ấy tôi lên mười (1957), cùng bọn trẻ chạy lăng xăng hết xem hàng xóm đánh đụng lợn, về nhà xem luộc bánh chưng, lại ra đình xem làng trồng cây nêu chưa… Nhưng đáng kể nhất là chạy lên Miễu, ngóng xem những người đi làm ăn xa đã về ăn Tết chưa. Hồi ấy cánh đàn ông làng tôi phần lớn là thợ đóng giày ở Hà Nội - trong đó có bố tôi...

Thấy người đầu tiên xuất hiện là lũ trẻ lao bắn lên đón bố, đón chú bác, anh em..., long trọng hơn đón thiên sứ. Mắt những người trở về ánh lên niềm vui sum họp, lũ nhóc chỉ nhăm nhăm ngóng những chiếc tay nải đeo trên vai các ông bố xem có gì.

Người nào khá thì có phong pháo tép, vài hộp chè hương, mươi gói kẹo sìu, và dăm ba bức tranh Tết Đông Hồ hay Hàng Trống... Nhưng tôi không sao quên được Tết năm ấy, bố tôi đeo một cái tay nải bẹp dúm, trên vai lại ngất nghểu một cành đào. Quê tôi cũng có đào, nhưng trẻ con chỉ để mắt đến pháo, bánh kẹo và quần áo mới chứ thiết gì hoa hoét. Thấy bố chỉ mang mỗi một cành đào về, tôi thất vọng lắm. Bố tôi biết, chỉ cười cười...

Đêm ấy bố tôi gói bánh chưng. Tôi mặt buồn rười rượi, hậm hực ngồi bên. Bố tôi bảo: Đào Nhật Tân đấy con ạ. Tôi không biết Nhật Tân là đâu, vẫn hậm hực nghe bố nói: “Năm nay trên Hà Nội ăn mừng đại thắng Ngọc Hồi Đống Đa to lắm con ạ”. Thằng nhóc hào hứng sao nổi với một cái Tết đại thắng mà không có phong pháo, gói kẹo và quần áo mới?

 

Ảnh: Minh Điền

Bố tôi kể tiếp: Dẹp giặc Mãn Thanh xong, vua Quang Trung sai người mang cành đào về tận Phú Xuân báo tin chiến thắng. Con biết Bắc Cung Hoàng hậu là ai không? Là Ngọc Hân Công chúa con ạ, là vợ vua Quang Trung đấy”. Ngay cả khi bố tôi cung kính nhắc đến tên tuổi vị vua lừng lẫy cũng không làm tôi phấn chấn hơn. Quá xa xôi với tôi. Bố tôi hỏi thầy giáo con có dạy con hai câu này không: “Mà nay áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước biết bao công trình...”.

Dù đang hậm hực, tính ưa khoe khoang hãnh diện của thằng lỏi vẫn khiến tôi bật lên: Có, còn bắt học thuộc lòng nữa. Mắt sáng lên, ông đặt tay lên vai tôi một cách mạnh mẽ. Đúng đấy con ạ, thơ của Ngọc Hân viết về Quang Trung hoàng đế đấy. Chính vì thế Tết này bố cậy cục mãi mới sắm được cành đào này mang về cho con. Pháo đốt rồi sẽ hết, bánh kẹo ăn rồi sẽ hết, quần áo mới mặc rồi sẽ cũ. Nhưng cành đào này thì con sẽ không bao giờ quên.

Đúng nửa thế kỷ sau, bố tôi đã khuất núi, tôi cũng đã tóc bạc phơ, răng hàm dưới đã rụng gần hết, leo lên từng bậc thang đã thở phì phò, vậy mà Tết này sao tôi háo hức lạ thường. Háo hức nhất là khi được ông giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội bảo:” Xin mời anh viết kịch bản cho lễ hội mừng 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 1789-2009" - Thế là đã quá háo hức - Tôi mường tượng khi viết những dòng đầu tiên cho phác thảo kịch bản mà tai nghe tiếng quân ta reo hò, tiếng hỏa hổ nổ trong đêm, tiếng ngựa hí, tiếng chân voi rậm rịch và tiếng loa báo tin đại thắng. Nhất là nghe văng vẳng lời của Quang Trung đại đế: Đánh cho biết nước Nam anh hùng có chủ.

Nhưng trên hết mắt tôi ngợp cả một biển màu hoa đào, tôi như trông thấy mồn một, hình ảnh chàng kỵ sĩ kiêu hùng trên lưng ngựa, người đẫm mồ hôi, mang theo một cành đào Thăng Long còn tươi nhựa xuân ròng ròng... Trong kia Ngọc Hân Công chúa lưng tựa vào cả rừng mai vàng xứ Huế, ngóng chờ một cánh đào báo tiệp từ phương Bắc.

Tôi càng nhớ giọng kể ngày ấy đều đều nhưng tràn ngập sự hãnh diện của bố tôi - một bác thợ giày.

Mà nay áo vải cờ đào…

Vâng, bố tôi đã đoán đúng, cánh đào báo tiệp mãi còn tươi rói trong hồn tôi dù bao nhiêu cái Tết đã qua.

Năm nay tôi ăn Tết hoa đào hoa mai là vậy...

Theo Nhà văn Nguyễn Khắc Phục / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.