Những nỗ lực tìm kiếm
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND H.Quảng Trạch Đậu Minh Ngọc cho biết: "Sáng 25.1 (tức 30 Tết Kỷ Sửu), tôi nhận được tin báo vụ chìm đò khiến rất nhiều người chìm xuống sông. Ngay lập tức, tôi huy động tất cả các lực lượng, ban ngành trong huyện triển khai phương án cứu nạn, trong đó có thông báo cầu cứu đến lực lượng cứu nạn chuyên trách như bộ đội, biên phòng. Tuy nhiên chủ yếu là tập trung kêu gọi thuyền của người dân địa phương ra tìm kiếm".
Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng (người thứ 2 từ phải qua) kiểm tra tiến độ thi công cầu Quảng Hải |
Theo ông Ngọc, với 15 đò nhỏ và 99 người, cuộc tìm kiếm thi thể nạn nhân bắt đầu từ 8 giờ 30 cho đến 17 giờ cùng ngày thì vớt được 40 thi thể và phải kết thúc vì trời tối và lạnh, các thuyền đã rà rất kỹ nhưng vẫn không tìm thấy 2 nạn nhân còn lại. Ngày mùng 1 Tết, huyện tiếp tục huy động 3 đò tìm kiếm. Ngày mùng 2 Tết, có 7 đò với 25 người tham gia tìm kiếm và tìm được 1 thi thể. Cứ tìm như thế cho đến mùng 4 Tết mới vớt được thi thể nạn nhân cuối cùng. Đến 10 giờ 30 cùng ngày tiến hành mai táng xong.
Không nên gắn vấn đề kia với việc này. Việc chậm tiến độ là do địa chất và nguồn vốn.
|
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng |
Trong thảm họa chìm đò này, có hơn 30 người được cứu thoát nhờ sự dũng cảm của 5 người gồm: Hoàng Út, Trần Quốc Hoàn, Mai Thanh Phong, Trần Quang Thắng, Mai Văn Luyện. Anh Hoàn kể: "Sáng đó, chúng em đang xuôi thuyền chở hàng trên sông Gianh. Khi gần đến xã Quảng Thanh thì bỗng nghe liên hồi những tiếng kêu thất thanh, nhìn tới đoạn bến đò ngang em thấy một chiếc đò chở rất nhiều người đang chìm xuống. Lúc đó thuyền chúng em chở hàng nhưng vẫn quyết định vứt hàng, tăng tốc tới cứu người. Tới nơi thấy mọi người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đang tuyệt vọng kêu cứu trong nước". Lúc ấy Hoàn và Thắng, hai người trẻ nhất và bơi được đã cùng nhảy xuống sông dìu từng người đến thuyền để những người lớn tuổi hơn kéo lên. "Nước sông cực lạnh nhưng em nghĩ phải gắng hết sức, cứu được người nào tốt người đó", Hoàn nhớ lại.
Chìm đò chỉ là rủi ro?
Hôm qua 30.1, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã đến thăm, động viên và trao quà hỗ trợ các gia đình nạn nhân, tặng thưởng 5 người đã dũng cảm cứu người tại xã Quảng Hải.
Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên, ông Hùng nói: "Đây là một vụ việc hết sức đáng tiếc và đau xót. Việc xảy ra tai nạn chỉ là rủi ro. Trước đó con thuyền này đã được đăng kiểm, theo đó nó chỉ được chở 12 người".
Cầu Quảng Hải đang ngổn ngang sắt thép - Ảnh: Quang Nam |
Nói về công tác kiểm tra và trách nhiệm sau vụ việc, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho rằng: "Chúng tôi đã có nhiều công văn chỉ đạo, triển khai từ trên xuống dưới. Theo tôi, đồng chí Chủ tịch huyện và Chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm vấn đề này, sau đó, tỉnh và Ban ATGT tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Sắp tới, khi cơ quan điều tra kết luận và tỉnh sẽ có cuộc họp thì mới xác định trách nhiệm cụ thể".
Giá mà có cây cầu, giá như cầu Quảng Hải hoàn thành đúng tiến độ thì dân chúng tôi đâu phải khổ thế này.
|
|
Một người dân xã Quảng Hải |
Có một điều khiến dư luận, đặc biệt là người dân địa phương, hết sức bất bình là tiến độ xây cầu Quảng Hải. Vì là địa bàn cách trở, như một ốc đảo giữa sông Gianh nên cuối năm 2004, cầu Quảng Hải được đầu tư xây dựng (do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư) với số vốn là
82 tỉ đồng, dự kiến sau 2 năm sẽ hoàn thành. Cầu được xây cách nơi xảy ra tai nạn chỉ chừng 1km, nối Quảng Hải với "bên ngoài". Thấy tiến độ quá ì ạch, nhiều lần lãnh đạo tỉnh Quảng Bình về kiểm tra, đốc thúc, cử tri địa phương liên tục kiến nghị trong các kỳ họp HĐND... và chủ đầu tư, đơn vị thi công không ít lần hứa hẹn thời gian hoàn thành, nhưng đến nay đã quá hạn hơn 2 năm mà cầu vẫn chỉ là những trụ cầu ngổn ngang sắt thép, trong khi số vốn đã đội lên thành 170 tỉ (hiện còn thiếu 50 tỉ).
Ngày 30.1, khi về Quảng Hải, rất nhiều người dân đã chặn chúng tôi lại để nói lên những yêu cầu khẩn thiết về cây cầu này. Anh Cao Xuân Hà không kìm được nước mắt, nghẹn ngào nói: "Bây giờ dân chúng tôi không dám đi đò nữa, mà không đi thì biết lấy gì ăn. Ra bến đò ai cũng thấy lạnh lẽo, nước mắt cứ chảy xuống. Giá mà có cây cầu, giá như cầu Quảng Hải hoàn thành đúng tiến độ thì dân chúng tôi đâu phải khổ thế này".
Nhưng ngược lại với ý kiến của người dân, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nói: "Không nên gắn vấn đề kia với việc này. Việc chậm tiến độ là do địa chất và nguồn vốn".
Trương Quang Nam
Bình luận (0)