Tìm việc cho người lao động

01/02/2009 23:31 GMT+7

Theo dự báo của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Đồng Nai, năm 2009 trên địa bàn sẽ có khoảng 10-15 ngàn lao động bị cắt giảm do khó khăn kinh tế.

Không để công nhân thất nghiệp

Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai cho biết, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 55 doanh nghiệp (DN) cắt giảm hơn 8.400 lao động, chủ yếu ở ngành điện tử, giày da, chế biến gỗ... do không có đơn đặt hàng. Như Công ty SanyoDi (sản xuất hàng điện tử, KCN Biên Hòa 2) giảm khoảng 1.000 lao động, Công ty Muto (sản xuất linh kiện xe, KCN Biên Hòa 2) giảm 893, Công ty Choong Nam (dệt, KCN Nhơn Trạch 2) giảm 550, Công ty Huada (gỗ, KCN Tam Phước) giảm 300, Công ty Heera Vina (may mặc, KCN Tam Phước) giảm 285... "Ngoài những trường hợp bỏ về quê trước Tết, hầu hết số lao động bị cắt giảm này đều đã được tạo việc làm mới. Số lượng cắt giảm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thực tế trên địa bàn (khoảng 15 ngàn người - PV). Có DN khi nghe nơi khác cắt giảm công nhân, họ cho người đến tận nơi phát cả tờ rơi đăng thông tin tuyển dụng, nhưng vẫn chưa tuyển đủ người", ông Hoàng nói.

 
Người lao động xem nhu cầu tuyển dụng mới ở các công ty - Ảnh: H.Tuấn
Ngoài sự chủ động tuyển dụng của DN, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) cũng là một "cầu nối" hiệu quả để giúp người lao động có việc làm. Tại huyện Trảng Bom, trong năm 2008, ngoài việc một số DN cắt giảm lao động do không có đơn hàng, còn có khoảng hơn 800 công nhân kéo nhau nghỉ việc bởi lương thấp và... sợ sang năm 2009 có Luật Bảo hiểm thất nghiệp không được hưởng trợ cấp thôi việc. Ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch LĐLĐ huyện Trảng Bom cho biết hầu hết những người nghỉ việc đều đã được Công ty Shing Mark (KCN Bàu Xéo) nhận vào làm việc nên tình hình lao động nơi đây nói chung vẫn bình ổn. Tương tự, ở huyện Nhơn Trạch, 550 lao động Công ty dệt Choong Nam mất việc cũng đã được "bắc cầu" chuyển sang làm việc ở Công ty Hwa Sung, Hyosung và những doanh nghiệp lân cận...

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Phó chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai khẳng định vẫn đang theo dõi sát sao biến động lao động để kịp thời điều tiết từ nơi thừa đến nơi thiếu, vừa giúp người lao động có việc làm, vừa giúp DN ổn định sản xuất.

Người lao động chia sẻ cùng doanh nghiệp

Bên cạnh những DN phải cắt giảm lao động, hiện trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn rất nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn, như Công ty Hwa Seung Vina (Nhơn Trạch) thông báo cần 2.000 lao động; Công ty Pousung (Trảng Bom) tuyển gấp 1.000 lao động; các DN thuộc Tập đoàn Phong Thái có nhu cầu tuyển 1.500 lao động; Công ty Scavi (KCN Biên Hòa 2) cũng tuyển 300 lao động và khoảng 5.000 lao động cho các chi nhánh ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), Huế và Lào; Công ty Texma Vina (KCN Biên Hòa 2) cũng treo bảng tuyển dụng 300 công nhân; Công ty may Pie Rich tuyển 500 lao động...

Mặc dù số lượng công nhân bị cắt giảm trên địa bàn cũng khá cao, nhưng bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai cho biết: "Phần lớn các DN có số lượng lao động lớn vẫn hoạt động bình thường. Đáng kể nhất là 10 DN trong ngành giày da, đối tác trong hệ thống Nike, đang sử dụng 120.000 lao động đều cam kết sẽ giữ nguyên, không cắt giảm lao động". Tương tự, ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pou Chen, doanh nghiệp có khoảng 20.000 lao động, cho biết tình hình sản xuất của doanh nghiệp hiện vẫn ổn định và sẽ không có chuyện cho công nhân thôi việc. Đại diện Công ty Fujitsu VN (KCN Biên Hòa 2) cũng nhìn nhận: "Tình hình kinh tế trong năm 2009 đang gặp phải khó khăn như những tháng cuối năm 2008, nhưng công ty xác định sẽ cố gắng giữ công nhân (khoảng 3.600 người)".

Điểm đáng ghi nhận, cùng với những nỗ lực của DN, người lao động tại nhiều công ty cũng sẵn sàng chia sẻ để có việc làm ổn định. Theo bà Lê Thị Mỹ Phượng, đối phó với khó khăn, nhiều DN đã thỏa thuận với công nhân giảm giờ làm việc trong tuần, không tăng lương... và được công nhân đồng ý. "Chúng tôi đánh giá cao sự đồng cảm của người lao động trước khó khăn của DN. Như mới đây, một công ty điện tử đóng tại KCN Biên Hòa 2 có ý định cắt giảm 800 công nhân, nhưng sau khi làm việc lại với Công đoàn cơ sở, người lao động chấp thuận không tăng lương theo các quy định trong hợp đồng để ổn định việc làm", bà Phượng ví dụ và lạc quan: "Theo dự báo, năm 2009 sẽ có từ 10-15 ngàn lao động bị cắt giảm, nhưng nhu cầu tuyển dụng mới của các DN trên địa bàn cũng khoảng 15 ngàn người, nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH cũng đang kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai cần có sự hỗ trợ cho người lao động khi bị cắt giảm để bảo đảm cuộc sống trong thời gian tìm việc".

Theo Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai, trong năm 2008, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 88.000 lao động, đạt 103,5% kế hoạch, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị xuống còn 2,8%. Trong đó, tại 9 phiên của sàn giao dịch việc làm đã thu hút 217 DN tham gia tuyển dụng trực tiếp, 180 DN tuyển dụng qua mạng và có gần 4.000 lao động được tuyển dụng. Kế hoạch trong năm 2009 là tỉnh sẽ tạo việc làm mới cho 85.000 lao động, trong đó tuyển dụng đưa vào DN 49.500 lao động, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 2,7%. Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm lần thứ 10 vào ngày 10.2 để các DN trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động.

Hoàng Tuấn - Thanh Thúy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.