Từ đầu năm 2009 đến nay, liên tiếp xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại Thái Nguyên, Thanh Hóa, Cà Mau khiến 16.000 con gia cầm bị tiêu hủy; các ổ dịch LMLM tại Sơn La, Long An,Kon Tum làm 324 trâu bò mắc bệnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cảnh báo: “Dịch cúm gia cầm tại Cà Mau đang diễn biến rất phức tạp. Dịch xảy ra từ ngày 15.1 trên đàn vịt chạy đồng nhưng đến ngày 30.1 các cơ quan chức năng địa phương mới tiến hành tiêu hủy. Tại đây đã xuất hiện tình trạng người dân vứt xác vịt chết xuống kênh rạch làm phát tán mầm bệnh, trong khi ĐBSCL đang trong thời vụ thu hoạch lúa nên nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm này lan rộng là rất cao”.
Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), các ổ dịch LMLM ở Long An và Sơn La đã tạm thời được khống chế. Tuy nhiên, tại Kon Tum dịch đang có chiều hướng lan rộng và lây lan sang các tỉnh thuộc Tây Nguyên. Hiện 20 ngàn liều vắc-xin đang được chuyển đến Kon Tum theo yêu cầu của địa phương này.
Tại cuộc họp, nhiều thành viên Ban chỉ đạo bày tỏ sự quan ngại trước thông tin các ổ dịch LMLM tại Long An, Kon Tum và Sơn La đều phát ra do các dự án phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo mua trâu bò từ các nơi về cung cấp cho người dân. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần thừa nhận thực trạng: “Các dự án phát triển chăn nuôi làm phát dịch và lan rộng không còn là chuyện cá biệt”.
Chiều 3.2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm. Trong đó, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng, tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh. Các tỉnh có dịch LMLM phải tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc toàn bộ số gia súc mắc bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát triệt để việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, tiêm phòng bao vây dịch theo quy định.
Q.D
Bình luận (0)