Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nơi tiếp nhận các bệnh nhân mắc sởi cho biết hơn 10 năm trước bệnh viện từng ghi nhận một vụ dịch sởi với nhiều người mắc, nhưng lúc đó là ở lứa tuổi thiếu niên. Còn hiện nay, các bệnh nhân nhập viện khá dồn dập với 340 ca chỉ trong vòng hơn một tháng và đa phần ở lứa tuổi thanh niên. Hầu hết các bệnh nhân cư trú trên địa bàn Hà Nội, một số ít ca bệnh đến từ một số tỉnh lân cận Hòa Bình, Hưng Yên...
Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định bệnh nhân sởi gia tăng ở người lớn như hiện tại là do lứa tuổi này chưa được tiêm sởi nhắc lại mũi hai. "Những năm trước đây, chúng ta mới có điều kiện tiêm phòng mũi một cho trẻ 9-11 tháng tuổi, mà không tiêm nhắc lại mũi hai khi 6 tuổi. Hà Nội hiện là nơi có bệnh nhân người lớn mắc sởi nhập viện cao nhất, bởi có thể là do tập trung cư dân từ nhiều địa phương đến học tập, làm việc. Người bệnh sốt phát ban, mắc sởi đều cần được cách ly tại gia đình, cơ sở y tế để tránh lây lan", tiến sĩ Hiển nói. |
Bác sĩ Hà cho biết thêm: "Thông thường, sởi xuất hiện ở trẻ em. Ở đối tượng này, các biến chứng chủ yếu là viêm phế quản phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm loét miệng. Nhưng trên những bệnh nhân người lớn nhập viện hiện nay, chúng tôi ghi nhận các ca biến chứng nặng chủ yếu gây viêm não, màng não. Số bệnh nhân biến chứng nặng được ghi nhận là 7 ca, chiếm khoảng 2% trong số bệnh nhân nhập viện. Tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ chung theo y văn là 1/1.000 ca mắc sởi".
Đến chiều 3.2, ngoài các ca bệnh sởi nhẹ hơn được điều trị tại khu vực cách ly, vẫn còn 5 bệnh nhân nặng phải nằm điều trị tại khu vực đặc biệt. Đáng lưu ý, trong 7 bệnh nhân biến chứng nặng, có một bác sĩ công tác tại Hòa Bình và một sinh viên ĐH Y Hà Nội. Hơn một tháng trước, vị bác sĩ này nhập viện trong tình trạng nặng, hôn mê sâu và nay đã may mắn bình phục, ra viện. Còn bệnh nhân là sinh viên ĐH Y, sau hơn một tháng điều trị nay cũng đã cải thiện tình trạng sức khỏe, nhưng tri giác vẫn chưa thể trở lại bình thường.
Bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo: "Bệnh sởi do vi-rút gây nên, rất dễ lây lan. Vi-rút này tồn tại trong không khí, môi trường, lây qua đường hô hấp. Bệnh nhân mắc sởi có triệu chứng ban đầu: sốt, đau đầu, đau người. Sau sốt vài ba ngày, bắt đầu nổi ban đỏ ở mặt, cổ, thân mình, chân tay. Sau đó có thể hết sốt, bệnh nhân có thể khỏi. Tuy nhiên, cũng có thể lâm vào tình trạng nặng hơn: mệt, li bì, rối loạn tri giác. Tại thời điểm này, khi bệnh nhân có sốt phát ban nên đến khám tại các cơ sở y tế".
Nam Sơn
Bình luận (0)