Nhà thơ nghiệp dư và nỗi đau Hàn Mặc Tử - Kỳ 2: Người tù không án

05/02/2009 00:52 GMT+7

Cuối năm 1959, bệnh tình của Phương phát tác mạnh, không còn giấu được ai. Hai chân anh giống như người bệnh phù thũng lâu năm, nhức nhối suốt ngày đêm. Từ đây thân anh như chiếc xe đứt thắng lao nhanh xuống vực, và anh dứt khoát đi Bệnh viện Chợ Quán. Đó là vào cuối năm 1960. Nghe đọc bài

Bắt đầu hồn thơ thương đau

Bệnh viện Chợ Quán nằm trên đường Hàm Tử thuộc quận 5 của Sài Gòn thời đó. Trong bệnh viện, Trại 10 là nơi dành riêng cho bệnh nhân phong. Thuở ấy, người phong thường gọi nơi này bằng một cái tên châm biếm là “địa ngục trần gian”. Theo Phương, gọi như vậy thật cũng không ngoa, bởi chỉ một khoảnh đất nho nhỏ mà chứa trên 300 bệnh nhân, phương tiện vệ sinh rất tồi. Ngày anh mới đặt chân tới Trại 10, không biết ai đó đã viết lên tường hai câu thơ gây nản lòng người bệnh như thế này: Bệnh cùi không bao giờ chữa hết/Người cùi như xác chết chưa chôn!

Có đến đây Phương mới rõ hình thể người bệnh phong như thế nào. Đó là một thế giới dị dạng, mỗi người một vẻ. So với nhiều người thì bệnh Phương đã quá nặng. Anh được đưa vô phòng liệt. Khám cho anh là một nữ bác sĩ, tuổi khoảng 40, tên Trịnh Thị Mộng Đơn. Bà nói một câu như có ý than phiền: “Còn quá trẻ sao để cho bệnh trở nặng mới vào đây?”. Phương hối hận nhưng đã muộn.

Tệ hơn nữa, theo Phương, người đến thăm bệnh chỉ được đứng bên ngoài song cửa sắt nhìn vào, điều đó gây cho người bệnh phong cảm giác mình là một “người tù không bản án”. Khi người thân ra về, từ bên trong song cửa sắt Trại 10 nhìn theo, Phương thấy anh trai mình (vừa về từ Campuchia) bật khóc. Phương lại liên tưởng đến hình ảnh giờ phút ra đi, em gái anh cũng đã khóc rất nhiều, gần như đang tiễn đưa người đi vào cõi chết! Mà thật vậy, mặc cảm cộng thêm thành kiến thâm sâu của người đời ít nhất là trong giai đoạn này đã đẩy bệnh nhân phong vào cảnh “một xác chết chưa chôn”, mặc nhiên tách họ ra khỏi xã hội.

 
Một góc trại phong Bến Sắn - Ảnh: Lê Anh Đủ
Khoảng tháng 4.1961, tức hơn ba tháng sau ngày Phương nhập viện, không rõ làm thế nào mà ban điều hành Trại 10 lại liệt anh vào danh sách cùng nhóm 12 người trẻ khác được đưa lên điều trị tận trại phong Bến Sắn ở Thủ Dầu Một.

...Mơ ơi ! Em là sương đục/Tôi là sao rơi/Sáng mai, bình minh đến/Ta dắt nhau về trời!... Nhiều bài thơ hay như vậy của Đơn Phương đã ra đời ở Bến Sắn. Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên 70, cuộc đời của Đơn Phương bước sang bi kịch mới: làm hành khất để nuôi thân và... làm thơ.

Gặp người con gái Song Thu

Trong một buổi tối cuối thu 1975, khi Phương đang ở hè phố thì Ngọc - bạn gái của một người bạn - dẫn đến một cô gái, tuổi độ 20, tên Liên, trên mặt có vài vết bầm vì bị dân “bụi đời” ức hiếp. Ngọc nhờ Phương đưa Liên đi trốn vì cô đang bị bọn du đãng Cầu Ông Lãnh tìm bắt vì cô không chịu đi theo làm chuyện phi pháp với chúng. Phương thấy cô gái cũng hiền lành và có chút dáng ngây thơ, nếu để bọn lưu manh ức hiếp quả là không nỡ, nên đồng ý mà không cần biết nhà cô ở đâu, cô đang làm gì...

Sau khi đưa Liên về gửi bạn ở Tây Ninh, Phương trở xuống Sài Gòn tiếp tục nghề hành khất và lang thang sống bụi đời. Độ nửa tháng sau, Phương dò biết nhà Liên hiện ở Gò Vấp, khuyên cô nên về nhà nhưng cô không nghe mà quyết ở lại cùng anh. Qua Ngọc, Phương biết được Liên rất có cảm tình và thích phong cảnh êm mát ở Tây Ninh nên mong được sống ở đây, không muốn rời xa. Thế là Phương và Liên sống với nhau cho đến ngày nay, có với nhau hai người con, một gái, một trai. Để kỷ niệm ngày đưa Liên bỏ trốn khỏi bọn du đãng Cầu Ông Lãnh trong những ngày cuối thu, Phương đặt cho Liên tên là Song Thu. Vì vậy mà ngày nay, người xung quanh thường gọi vợ Phương là Thu.

Đầu mùa thu 1981, Phương đưa hết vợ con về TP.HCM, nhập vào sống ở trại phong Thanh Bình. Địa thế Thanh Bình như một cù lao nhỏ, vây chung quanh là sông, bao bọc ven bờ toàn cây dừa nước. Đó là một thắng cảnh nho nhỏ dễ thu hút những ai có tâm hồn yêu thích thiên nhiên. Căn chòi do người bạn tên Hường nhường lại cho Phương cạnh bờ sông, phần phía trước, Phương lót thêm một gian sàn nhô ra bờ sông, vừa đủ năm, bảy người tụ họp uống trà, ngắm sông, đón gió... Có được căn chòi, Phương từ từ rút chân ra khỏi nghiệp hành khất, bắt đầu sống bằng nghề cào bịch nilon trên sông và bán vé số dạo quanh phố.

Phương đặt cho căn chòi của mình là Lều gió ven sông. Từ căn lều này, Phương đã viết tiếp kịch thơ Quần Tiên Hội của Hàn Mạc Tử, từ 41 câu còn sót lại thành 700 câu hoàn chỉnh. Quần Tiên Hội – kịch thơ gồm 5 hồi của Hàn Mạc Tử – Đơn Phương được Nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM xuất bản năm 1991 và được dư luận đặc biệt quan tâm.

 Kỳ 1: Vị đắng tuổi xuân 

Lê Anh Đủ (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.