Họa sĩ thiết kế sân khấu đang ở đâu?

05/02/2009 23:16 GMT+7

Họa sĩ - NSND Phan Phan vẫn kể, vào thập niên 1960, lúc ông mới vào nghề thiết kế sân khấu, có những vở màn vừa kéo lên là khán giả đã ồ lên thích thú với những cảnh trí do ông dàn dựng.

Chính vì sự sáng tạo và khác biệt hẳn của ông so với những họa sĩ thiết kế sân khấu đương thời mà bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga lúc đó đã ký hẳn một hợp đồng độc quyền với họa sĩ Phan Phan. Theo hợp đồng, ông có thể thiết kế sân khấu các vở hương xa cho các gánh cải lương khác, nhưng với các vở tâm lý xã hội thì ông phải dành sự độc quyền chỉ cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.

Nếu đặt câu hỏi, thiết kế sân khấu có ảnh hưởng đến sự hào hứng của khán giả đối với nội dung vở diễn hay không thì câu trả lời sẽ là: Chắc chắn có! Sân khấu là loại hình nghệ thuật tổng hợp, ngoài ý tưởng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, sự hỗ trợ của âm nhạc, ánh sáng..., thì phần thiết kế mỹ thuật cũng đóng góp một hiệu ứng vô cùng quan trọng. Bất kỳ vở diễn nào, khi màn mở ra, chỉ nhìn phần mỹ thuật sân khấu khán giả đã có thể hiểu vở diễn mang phong cách cổ điển hay hiện đại, có chất lượng nghệ thuật đáng trân trọng hay chỉ là một vở bông phèng mua vui thông thường.

Khán giả trung thành với sân khấu kịch có thể nhớ đến cố họa sĩ Nhã Bình. Vào những năm từ 1987 - 1990, với nghệ danh Kim b, anh cùng vợ là nữ họa sĩ Kim Lan tham gia vào những vở thể nghiệm có tính đột phá của Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần lúc bấy giờ (tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ hiện nay). Nhưng khi phong trào xã hội hóa sân khấu kịch ở TP.HCM mạnh lên, mảnh đất thể nghiệm dần bị lấn sân, giành chỗ cho những xu hướng dễ dãi hơn, có sân khấu sa vào sự nhếch nhác đáng xấu hổ... Lúc đương thời, họa sĩ Nhã Bình đã tâm sự rằng anh bị đứt mất cảm hứng sáng tạo từ đó. Không bị ràng buộc bởi cơm áo gạo tiền, Nhã Bình sau đó đã rút chân khỏi sân khấu, như một lựa chọn quyết liệt.

Có thể nói, hiện nay trên sân khấu phần mỹ thuật mang tính sáng tạo đã trở nên quá hiếm hoi, thay vào đó là những ý đồ thường chỉ nặng tính kỹ thuật như xoay vòng đạo cụ, tận dụng cảnh trí từ vở này sang vở khác, thực hiện tối đa mục đích đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh... của các ông bà bầu. Những quy tắc tối thiểu trong nghệ thuật thường bị bỏ qua, nhường chỗ cho những quan niệm không thể dễ dãi hơn, tạo nên những vở diễn ăn xổi ở thì, sinh non chết yểu.

Có những tên tuổi họa sĩ thiết kế đã trở thành thương hiệu nghệ thuật như Lê Văn Định, Kim b. Còn nữ đạo diễn Ái Như, người nổi tiếng kỹ tính trong chọn diễn viên, âm nhạc, thiết kế... trong từng vở diễn của mình từng nói rằng: "Đã làm nghệ thuật thì phải như thế". Xét ra quan điểm ấy có lẽ chỉ đại diện cho Ái Như và những nghệ sĩ có cùng tâm huyết, chứ nó chưa thể trở thành xu thế chủ đạo trong môi trường sân khấu TP.HCM hiện nay.

Tết này, xem vở Nếu như yêu (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) sẽ thấy phần thiết kế của Kim b (họa sĩ Kim Lan) là khá ấn tượng. Chỉ vài mảnh ghép nhỏ, đơn giản nhưng giàu tính ước lệ, chuyển hóa, lúc là căn phòng trọ nghèo, lúc lại sang trọng, rực rỡ như một biệt thự lộng lẫy... Sau vở Trong hào quang bóng tối (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) tạo tiếng vang tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm toàn quốc, cũng là vở diễn thứ 100 mà họa sĩ Kim b thiết kế, bước sang vở Nếu như yêu kỳ này, họa sĩ Kim b tiết lộ rằng giờ đây chị chỉ hướng đến và nhấn mạnh sự đơn giản, khai thác yếu tố ánh sáng sân khấu trong thiết kế.

Vở Cánh đồng bất tận (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) với phần thiết kế của Phạm Hoàng Nam theo ý đồ của đạo diễn Minh Nguyệt cũng có những đột phá, táo bạo, lung linh những vẻ đẹp thị giác... 

Với những vở diễn được họa sĩ chăm chút như vậy, có thể nói riêng phần mỹ thuật sân khấu cũng đã đáng xem.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.