Hậu kiểm tất cả các mặt hàng thực phẩm
Trước thông tin Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN (TCVBVNTD) đã gửi kết quả báo cáo về khảo sát chất lượng sữa tại TP.HCM đến Bộ Y tế, nhưng sau 5 tháng vẫn chưa nhận được phản hồi, hôm qua 5.2, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: Ngay từ đầu tháng 10.2008, khi nhận được thông tin về một số sản phẩm sữa trên thị trường kém chất lượng từ Hội TCVBVNTD, Cục đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tiến hành kiểm tra ngay và xử phạt một số doanh nghiệp có mặt hàng sữa kém chất lượng đó. Cục đã yêu cầu, ngay trong hôm nay (5.2) Sở phải có báo cáo về việc này. Cục cũng đã đề nghị Hội TCVBVNTD tiến hành điều tra, khảo sát chất lượng sữa ở diện rộng hơn trên thị trường cả nước. Trong dịp Tết vừa rồi, Cục đã chỉ đạo đến tất cả các sở y tế trong cả nước tổ chức kiểm tra các mặt hàng thực phẩm; đặc biệt, với mặt hàng sữa, phải kiểm tra các chỉ tiêu về melamine, đạm, đường... Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa báo cáo kết quả về Bộ. Ông Khẩn thừa nhận: "Không phải lúc nào các sản phẩm được lưu hành có chất lượng đúng như công bố với cơ quan quản lý". Do vậy, theo ông Khẩn, việc tăng cường hậu kiểm là rất quan trọng. "Chúng tôi đang xây dựng đề án về hậu kiểm tất cả các mặt hàng thực phẩm", ông Khẩn cho biết.
Cũng trong chiều hôm qua, Sở Y tế (TP.HCM) đã có văn bản báo cáo gửi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Bộ Y tế về kết quả thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột trên địa bàn TP.HCM. Theo báo cáo, sau khi nhận được công văn của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP.HCM) đề nghị thanh tra Công ty TNHH chế biến sữa Hùng Lâm và Công ty TNHH Lâm Hằng (TP.HCM), Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành thanh tra tổng cộng 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa bột, lấy 15 mẫu để kiểm nghiệm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kết quả có nhiều mẫu sữa có hàm lượng protid không đạt, hoặc không đúng với hàm lượng mà cơ sở đã công bố trên nhãn sản phẩm. Trong đó, riêng Công ty TNHH Hùng Lâm (Q.Bình Tân, TP.HCM) có đến 5 loại sữa bột FOOD MILK không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng protid gồm: sữa bột dinh dưỡng can-xi, sữa bột dinh dưỡng phát triển trí não, sữa bột Mama, sữa bột dinh dưỡng tăng trưởng chiều cao, sữa bột dinh dưỡng dành cho người gầy. Thanh tra đã đình chỉ hoạt động đối với Công ty TNHH Hùng Lâm. Theo Sở Y tế, Công ty TNHH Hùng Lâm và Công ty TNHH Lâm Hằng là do một chủ đầu tư, trong đó Hùng Lâm là nơi sản xuất, còn Lâm Hằng là nơi trưng bày, giao dịch sản phẩm.
Danh sách các mẫu sữa có hàm lượng đạm thấp và không đạt tiêu chuẩn như công bố trên nhãn |
||
Tên sản phẩm |
Thành phần đạm ghi trên nhãn (%) |
Hàm lượng thử nghiệm |
1. Sữa bột béo Hòa Lan 2. Sữa bột béo Hà Lan 3. Holland (Gold) 4. MiMiMam 5. Maylac 6. Gold 7. Bobolac 8. Sepalac 9. Calyx 10. Mikamax |
không ghi
>24 |
1,6
0,5 1,2 |
Điểm mặt sữa kém chất lượng
Các sản phẩm sữa của 4 cơ sở, công ty khác có hàm lượng protid qua kiểm tra không đúng với hàm lượng đã ghi trên bao bì gồm: sữa bột Maylac (của cơ sở Như Trang, Q.Tân Bình, TP.HCM), cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng vệ sinh dụng cụ hoàn toàn không đạt. Thanh tra đã phạt cơ sở Như Trang gần 18 triệu đồng và buộc tái chế hoặc tiêu hủy đối với sản phẩm nói trên; sữa Fitalac (của Công ty TNHH CBTPTM Hoàng Khang, H.Bình Chánh, TP.HCM), bị phạt 3 triệu đồng, đình chỉ lưu thông, khắc phục đối với hàng hóa có nhãn vi phạm; sữa bột dinh dưỡng Milk power, sữa bổ sung can-xi và chất sắt Holland Gold, sữa bột dinh dưỡng New Zealand (cùng của Công ty TNHH SX TM DV Tuấn Cường Phát, Q.Bình Tân, TP.HCM) bị phạt 4 triệu đồng, và yêu cầu tái chế hoặc tiêu hủy các sản phẩm trên; sữa bột Mikamax, sữa bột Sepalac, sữa bột Calyx can-xi (cùng của Công ty CP TP dinh dưỡng Đài Hoa, Q.6, TP.HCM), công ty này bị phạt 4 triệu đồng, buộc thu hồi tái chế các loại sữa không đúng hàm lượng protid nói trên.
Thanh Tùng - Nam Sơn
Bình luận (0)