Gà trống nuôi con - Kỳ 4: Người cha mù nuôi hai con

07/02/2009 09:45 GMT+7

“Tôi bây giờ chỉ biết làm tất cả để nuôi con mình khôn lớn. Ngày hay đêm đối với tôi đều như nhau cả thôi, vì mình có thấy đường thấy sá gì đâu”- ông Nguyễn Văn Hiền ở ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, người mà dân trong xóm thường gọi là Hiền “mù”, thổ lộ.

1. Chiếc đồng hồ dành cho người khiếm thị phát ra tiếng báo 22g đêm. Trong góc nhà tối om, Hiền “mù” vẫn tỉ mẩn vót từng chiếc cần câu cắm để ngày mai kịp giao cho khách. “Hồi sáng tui đi giậm cá (giậm dấu chân dưới lòng kênh để mò cá) bên Vàm Cá Lóc (xã Long Phú), tình cờ gặp Út Nhắt là bạn cũ, kêu lại hỏi thăm rồi đặt làm gấp 100 câu cắm để ổng vô đồng trong bắt cá. Tui lật đật quay về làm miết từ xế trưa đến giờ. Tại ổng dặn trễ quá, chứ bình thường mỗi ngày tui vót 150 cần khỏe ru” - ông vừa làm vừa nói.

Ông hàng xóm Sáu Diệp sang chơi, góp thêm: “Tui sống ở xứ này hồi cha sanh mẹ đẻ tới lúc đầu bạc chưa thấy ai siêng năng như cha mù này. Gạn lưới, bao chà, đốn cây, dựng nhà, nuôi heo, nuôi vịt..., chuyện gì chả cũng làm tất tần tật. Độc đáo nhất là nghề đan lọp, chuốt cần câu, làm đăng. Thứ nào chả làm ra cũng “sát” cá kinh khủng”.

Ngư dân trong vùng rủ nhau đến đặt hàng ngày càng đông. Nhiều hôm ông phải làm việc đến 1-2 giờ sáng mới ngả lưng 2-3 tiếng, lại trở dậy cặm cụi làm tiếp. Nếu mua tre người ta đốn sẵn thì không “có ăn”, ông lấy công làm lời là chính. Nghe ở đâu có bán tre bụi là ông tìm đến.

Khoảng chừng hai ngày một mình ông có thể đốn hạ xong cả bụi tre, rồi vác về ngâm dưới lòng kênh Xẻo Trâm trước cửa nhà để làm dần. Bình quân mỗi bụi tre làm ra được 50 cái lọp lớn, đường kính hom 0,4m, dài 0,9-1m và vài trăm câu cắm. Bỏ công ròng rã từ ngày sang đêm suốt cả tháng, trừ tiền mua tre, dây bện, niền hom, ông kiếm lời được hơn triệu đồng để lo cho hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học.

2. Nhà ông Hiền “mù” nằm giữa vùng bưng biền, cách trung tâm huyện Long Mỹ hơn 20km. Ruộng đất của dòng họ bên nội ông khẩn hoang được chia dần cho con cháu. Đến thế hệ của ông còn được 1,2 công/hộ. Ở vùng thuần nông mà chỉ có bấy nhiêu ruộng nên thảy tám anh em ông đều sống trong cảnh ăn bữa trước chạy bữa sau.

Năm 4 tuổi ông bị phát ban đỏ khắp người. Sau gần tuần mê man, ông đã được mấy thầy lang miệt vườn giành lại mạng sống. Nhưng khi tỉnh hồn tỉnh vía ông mới hay con mắt trái đã không còn nhìn được nữa. Đến chừng lên 9 tuổi, không biết trời xui đất khiến thế nào mà con mắt còn lại cũng “nổ đom đóm” luôn. Biệt danh Hiền “mù” ra đời từ đó. Sau ngày giải phóng miền Nam, sự đi lại đã dễ dàng, thương đứa con trai hiền lành phải sống trong bóng tối, cha ông đã cầm cố ruộng vườn được hơn 2 lượng vàng đưa con lên Bệnh viện Chợ Rẫy chạy chữa. Nhưng các y bác sĩ ở đây đã lắc đầu bảo không còn cách gì cứu vãn.

 
Ông Hiền làm việc bất kể ngày đêm-Ảnh: Tấn Đức

Không còn đôi mắt, nhưng bù lại trời phú cho ông đôi bàn tay khéo léo không ai bằng. Từ việc đồng áng, đan lờ lọp, bắt cá dưới sông cho tới bếp núc ông đều làm không thua gì người sáng mắt. Một cô thôn nữ mến cái tính hay làm lại hiền như đất của ông nên đã chọn ông làm chồng. Ba năm sau ngày cưới, vợ ông sinh hai đứa con kháu khỉnh, có nếp có tẻ. Hồi ấy dòng họ Hiền “mù” thuộc loại nghèo nhất xóm, còn gia đình ông thuộc diện nghèo nhất họ. Cả nhà bốn miệng ăn chỉ cậy vào đôi tay của người cha, người chồng khiếm thị.

Khi đứa con thứ hai chưa đầy năm, vợ ông đã lẳng lặng rời xa cha con ông để đi tìm hạnh phúc khác. Ông như rơi xuống vực thẳm, cả tháng trời mất ăn mất ngủ, người gầy rạc như cây sậy ngoài đồng. Có đêm người ta thấy ông lang thang khắp làng, miệng lẩm bẩm gọi tên người vợ thương yêu.

“Lúc ấy tôi vừa tủi thân vừa đau khổ, muốn đâm đầu xuống kinh Xáng chết quách cho xong. Nhưng rồi tiếng khóc vì đói sữa của đứa con trai chưa thôi bú, tiếng đòi ăn ngọng nghịu của đứa con gái lên 3 đã níu chân tôi lại với đời. Ngày ngày tôi lại dò dẫm từng bước chân, ôm đứa con đói sữa đi khắp đầu trên xóm dưới để xin cho con “bú thép”. Lo cho đứa nhỏ xong, tôi lại quay ra bắt vài con cóc, con cua giã nhỏ nấu cháo cho đứa lớn. Từ ngày mẹ nó bỏ đi, con bé nhớ mẹ cứ hay khóc, lại biếng ăn, thịt da nó mềm nhũn”, ông nhớ lại.

Rời con, ông lại cắp giỏ xuống kênh giậm dấu mò cá, thụt hang cua, bắt ốc hay bao lưới, dỡ chà thuê cho người khác. Ban đêm ông ở nhà vừa vỗ giấc cho con vừa đan lờ, lọp, dớn, vót cần câu cho mấy người quen đã dặn trước, thừa thì mang ra chợ bỏ mối. Trong bóng đêm ông làm việc rón rén, khẽ khàng như một con mèo vì sợ hai đứa con giật mình mất giấc ngủ.

Ngày này qua tháng khác, đôi tay người cha mù đã sần những vết sẹo do vỏ tre cắt, ngạnh cá đâm, và cả những lần đào hang bắt chuột bị rắn hổ đớp suýt mất mạng thay bàn tay của người mẹ, chăm sóc, dỗ dành từng miếng ăn, giấc ngủ cho hai đứa con thơ.

3. “Nhiều đêm hai đứa nhỏ đang ngủ ngon lành thì bị nước mưa trên tấm nilông lợp nhà xối xuống ướt mèm. Rồi những hôm mò được vài ba con tôm, con cá bằng cổ tay, nhớ tới hai đứa con muốn đem về ngay để bồi dưỡng cho chúng. Mình khổ thì được chứ không thể để tụi nó khổ được. Nhưng về tới nhà, thọc tay vô thùng gạo thấy trống trơn lại phải bấm bụng mang ra chợ Trà Lồng để bán. Món hàng chỉ chừng chục ngàn đồng mà sao tâm tư mình giằng xé ghê gớm. Chân bước đi mà lòng cứ rối bời, rảo tới rảo lui mấy bận mới đành lòng bán đi".

"Không có cá thì ăn cơm không, chứ thiếu gạo lấy gì sống”, ông Hiền “mù” nhớ lại thời điểm mà ông nói là “khổ quyết liệt nhứt trong cuộc đời anh mù làm thân gà trống nuôi con thơ”.

Bây giờ cuộc sống của ông đã có phần thư thả hơn. Đứa con trai 17 tuổi đang học lớp 10, còn cô chị 21 tuổi đã đi làm công nhân ở Bình Dương để dành mỗi tháng được 500.000 đồng gửi về phụ cha nuôi em học hành đến nơi đến chốn. Hội người mù địa phương cũng hỗ trợ ông sửa lại căn nhà xập xệ ngày trước. Và hằng đêm trong chái bếp cạnh cái chõng tre, ông đã an tâm đan lọp, vót câu. Việc bếp núc hay ra chợ giao hàng đã có cậu con trai phụ giúp một tay sau buổi đến trường.

Con là mắt, cha là tay trong những công việc hằng ngày. Gương mặt khắc khổ của người đàn ông vừa bước qua tuổi 49 thoáng ánh lên niềm lạc quan khi nói về người vợ cũ: “Tôi đã nghe bà ấy đánh tiếng sẽ quay về ở hẳn với cha con tôi. Thật lòng tôi đã chờ đợi điều đó suốt 18 năm rồi. Tôi sẽ không hờn trách bà ấy một chữ nào nữa”. Cái tình, cái nghĩa của ông quả thật bao la...

Theo Tấn Đức/ Tuổi Trẻ

>> Kỳ 1: Người cha bại liệt và đàn con thơ 
>> Kỳ 2: Quét rác nuôi con vào đại học
>> Kỳ 3: Cha con nhà 3 điểm 10 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.