Sự sống rải khắp Ngân hà

07/02/2009 22:31 GMT+7

Sinh vật ngoài hành tinh nhiều khả năng đang tồn tại trên khoảng 40.000 thế giới khác trong dải Ngân hà và rất có thể, hầu hết đều thông minh hơn con người chúng ta.

Đó chính là tuyên bố gây sốc của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Edinburg (Anh) đăng trên chuyên san Vật lý học thiên thể quốc tế do báo Telegraph dẫn lại. Theo tính toán của các nhà khoa học người Anh, có đến 37.964 hành tinh trong dải Ngân hà hội đủ điều kiện cho phép hình thành sự sống và thậm chí hỗ trợ cho những loài sinh vật thông minh như trên trái đất hiện nay.

Nhóm khoa học gia do nhà vật lý học thiên thể Duncan Forgan dẫn đầu đã xây dựng một chương trình vi tính mô phỏng dải Ngân hà và nhập toàn bộ dữ liệu từ trước đến nay mà con người đã thu thập được khi nghiên cứu ít nhất 330 hành tinh ngoài trái đất, như các yếu tố về khoảng cách của hành tinh với mặt trời của nó, khả năng tồn tại nước và các khoáng chất hỗ trợ cho sự sống phát triển. Chương trình này được cho là có độ chính xác cao hơn hẳn phương trình Drake, tồn tại từ năm 1961, vốn được giới khoa học sử dụng lâu nay để tính xác suất các nền văn minh ngoài trái đất trong phạm vi dải Ngân hà. Theo tiến sĩ Forgan, độ chính xác của phương trình Drake bị giới hạn do nó dựa vào những giá trị trung bình để làm tham số, như là các nền văn minh có khả năng giao tiếp với Trái đất.

Với cách tính toán mới, các nhà khoa học tại Đại học Edinburg phân tích 3 kịch bản về cách sự sống được tạo ra trên những hành tinh xa xôi. Thứ nhất, nhóm nghiên cứu cho rằng sự sống rất khó được hình thành nhưng dần dần chúng có thể tiến hóa và có thể có đến 361 nền văn minh thông minh trong dải Ngân hà. Viễn cảnh thứ hai, cuộc sống dễ dàng được hình thành nhưng rất vất vả để phát triển thành nền văn minh cao cấp. Theo hướng này thì có đến 31.513 hình thái của sự sống đang tồn tại đâu đó. Giả thuyết cuối cùng là sự sống tồn tại dưới dạng vi khuẩn, đơn bào có thể đã được truyền từ hành tinh này sang hành tinh khác trong những vụ va chạm thiên thạch, và kết quả là có thể có đến 37.964 nền văn minh ngoài trái đất.

Báo Telegraph dẫn giả thuyết của nhà khoa học Forgan cho rằng các hình thức sự sống không phải là thể đơn bào amip mà là những chủng loại có độ tiến hóa ít nhất như con người chúng ta. Và không loại trừ những nền văn minh này tiến hóa hơn con người trên trái đất vì hầu hết các hành tinh khác mà giới khoa học đang nghiên cứu đều xuất hiện trước quả địa cầu. Ông tin rằng con người phải mất từ 300 đến 400 năm để liên lạc được với những người láng giềng trong dải Ngân hà, và có thể mất đến 30.000 năm mới đến được những hành tinh trên. Sắp tới, vào tháng 3 năm nay, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ phóng lên không gian kính viễn vọng Kepler trị giá 550 triệu USD được thiết kế đặc biệt để phát hiện những hành tinh giống Trái đất bên ngoài hệ Mặt trời.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.