Ngón đàn khác người
Nghe giới thiệu Đoàn Dự sẽ dùng răng "cắn" từng sợi dây đàn để ngân lên tiếng nhạc, hết thảy thực khách có mặt ở tiệc cưới đầu năm tại nhà hàng Hòn Ngọc Phương Nam (TP.HCM) hôm 6.2 đều hướng mắt về sân khấu. Đoàn Dự bước đến micro bằng đôi chân bị tật, đưa đàn lên... môi đánh bài Đón xuân của Phạm Đình Chương khá điêu luyện.
Khách mời hai họ nồng nhiệt tán thưởng, song vài người chưa tin đã đứng dậy tới sát bên Đoàn Dự để xem có thực anh chơi guitar bằng răng hay không, rồi tiếng vỗ tay xác nhận vang lên càng lúc càng lớn hơn. Một trong số họ cầm micro nói to: "Cám ơn Đoàn Dự, anh có cách đàn độc nhất vô nhị ở Việt Nam hiện nay!".
Đoàn Dự rời chỗ đánh đàn để bước xuống bên dưới bằng đôi chân bị tật do bệnh sốt bại liệt dẫn đến teo cơ từ năm lên 6 tuổi. Lúc nhỏ anh phải đi nạng hoặc ngồi xe lăn, thường được người chị ruột cõng dạo quanh khu phố. Cha anh làm thợ may, phải dính chặt vào đường kim mũi chỉ từ sáng sớm đến khuya mới nuôi nổi 9 người con mà anh là con thứ sáu.
Nhà nghèo, kiếm ăn chật vật, lên 12 tuổi anh mới bắt đầu học lớp 1 ở trường Trương Vĩnh Ký - Sài Gòn. Bạn học cùng lớp có lúc vô tình vô ý đem đôi chân bại liệt của anh ra chỉ trỏ, trêu chọc khiến anh mặc cảm từ đó. Sau những lần bị chọc ghẹo như thế, anh tự nghĩ mình phải làm một điều gì hay ho để người khác đừng xem thường, chế giễu mình mãi và thế là anh chọn học đánh đàn sao cho hay hơn chúng bạn.
Cũng may, nhờ có người anh ruột cùng ở một nhà kèm cặp, lại chuyên chú tập suốt ngày, không đi chơi đâu, nên anh đánh guitar thành thạo khá nhanh. Chỉ hai năm sau, lúc mới 14 tuổi, anh chống nạng lên sân khấu để biểu diễn lần đầu tiên ở rạp Quốc Thanh. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời anh kiếm được những đồng tiền để phụ giúp gia đình bằng đôi tay niên thiếu. Những năm tiếp theo, dần dà anh đệm đàn cho ca sĩ hát, hoặc tự mình độc tấu tại các phòng trà Sài Gòn...
Qua tuổi 20, khi quen biết nhiều trong giới sân khấu, anh được mời lưu diễn các tỉnh và dự các đại nhạc hội ở Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang... Nhưng từ tuổi 30 trở đi, đôi chân bị liệt không cho phép anh "chạy sô" kịp với các đồng nghiệp trẻ đang lên. Khó khăn lại đến. Một lần nữa, anh phải tìm cách đứng dậy đi tiếp đường đời của mình bằng cách tìm tòi và khổ luyện ngón đàn khác người, độc đáo. Đó là ngón đàn guitar đánh bằng... răng, phải bỏ công khổ luyện, phải chịu những ngày sưng môi và chảy máu miệng vì dây đàn đứt bắn vào.
Để thành thạo ngón đàn guitar đánh bằng răng, Đoàn Dự phải bỏ công khổ luyện, phải chịu những ngày sưng môi và chảy máu miệng vì dây đàn đứt bắn vào. |
Một trong những bài đầu tiên anh đàn bằng răng thành thục là Mẹ ơi hãy yên lòng. Đàn bài đó anh muốn thầm cảm ơn mẹ anh, người thương anh nhất trên đời. Hồi nhỏ, có lúc ngủ nửa chừng thức giấc, anh nghe tiếng mẹ thở dài bên cạnh và thấy mẹ đang đăm chiêu nhìn mình, anh cảm nhận nỗi lo của bà đối với tương lai của đứa con tật nguyền như anh. Nên đến nay, mở đầu các buổi đàn "mở hàng" năm mới, anh vẫn đàn bài ấy cho mọi người nghe. Trong bữa tiệc cưới nói trên, bài Mẹ ơi hãy yên lòng cũng được anh thể hiện vào cuối buổi, đánh dấu 28 năm mưu sinh qua ngón đàn bằng răng và kỷ niệm năm anh tròn 60 tuổi.
Giản dị giữa đời thường
"Vậy anh sinh năm Sửu à?". Anh đáp: "Đúng, tôi sinh năm Kỷ Sửu (1949) vào một chiều tháng 5, mấy ông thầy coi tử vi nói đường hôn nhân, gia đạo, vợ con và hậu vận của tôi đỏ lắm... Nếu được như thế thì quá quý, tới nay tôi cùng các con vẫn đi chung một con đường nghệ thuật". Con trai anh Minh Quang (34 tuổi) và Minh Điền (29 tuổi) chơi trống, con út Minh Lập (23 tuổi) đàn organ, cha con thường đi diễn chung với nhau.
Nghệ sĩ Đoàn Dự (trái) với con trai Minh Điền (29 tuổi) -Ảnh: Giao Hưởng |
Sau Tết, hiện Đoàn Dự đang tập đánh các bài mới như Cầu vồng tuyết, Cạm bẫy, Đời. Anh có mặt thường xuyên ở nhà hàng Cây Sung (đường Bạch Đằng, gần Tân Sơn Nhất) và góp vui văn nghệ cho các tiệc sinh nhật, tiệc cưới, các hội nghị, các đợt lưu diễn theo yêu cầu qua điện thoại (số 0902.956.407). Nhân năm mới, chúng tôi hỏi anh về một chuyện nào đó đáng nhớ đã xảy ra trong đời nhưng "không bao giờ cũ". Anh nói ngay đó là kỷ niệm về sự ra đời của tên anh (Đoàn Dự): "Thiệt ra tên thật của tôi là Lưu Văn Dự.
Tôi vẫn dùng tên ấy cho tới năm 20 - 21 tuổi thì các anh Duy Ngọc, Duy Khánh - những nhà tổ chức đại nhạc hội và là ca sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn - bảo tôi hãy đổi tên thành Đoàn Dự để gợi nhớ đến một nhân vật lãng mạn bậc nhất trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Nhân vật này là một vương tử đa tình, đã từ bỏ ngôi vị, xa nơi nhung lụa để lặn lội đi tìm người mình yêu khắp chốn giang hồ. Nghe vậy tôi nói rằng tôi đâu dám sánh với vị vương tử có võ công tuyệt kỹ và trái tim tuyệt vời như thế được, đâu dám lấy tên ấy đặt cho mình.
Nhưng các anh bảo cậu bảnh trai, hiền lành và xem ra cũng đa tình nữa, thôi thì lấy đại đi! Tưởng nói chơi, ai ngờ một bữa các anh viết quảng cáo tên Đoàn Dự to đùng trên băng-rôn giăng trước rạp Quốc Thanh. Nghe tên "nghệ sĩ Đoàn Dự" khoái quá, ông chủ tiệm uốn tóc Hoàng Hoa ở đường Trịnh Minh Thế (cũ) bên Q.4 đã mời tôi đến dạy đàn cho ông ta và con cái trong nhà. Ở đó tôi có dịp làm quen với một cô gái tên Thanh làm nghề uốn tóc mới 20 tuổi. Chúng tôi thường thuê chiếc xích lô đạp cùng ngồi lên dạo một vòng trên bờ sông Sài Gòn vào mỗi chiều trước giờ tôi đi diễn. Cô ấy là vợ tôi hiện nay, kém hơn tôi 3 tuổi, hai vợ chồng tôi cùng các con và người thân gồm 6 người vẫn đang sống ở ngôi nhà rộng khoảng 20 thước vuông này...".
Đó là căn nhà trệt khiêm tốn, nằm trên đường Pasteur đoạn chạy qua Q.1, TP.HCM, trong con hẻm số 102 khá hẹp. Chính ở căn nhà trên chúng tôi có dịp ghi lại câu chuyện thú vị này và được gặp vợ chồng nghệ sĩ Đoàn Dự với pho tượng Phật Di Lặc mà họ vừa thỉnh về trước Tết. Pho tượng có nụ cười vĩnh cửu và hạnh phúc kia sẽ an vị trong nhà lão nghệ sĩ Đoàn Dự vào hôm nay, rằm tháng giêng năm Kỷ Sửu.
Giao Hưởng
Bình luận (0)