20 chú lạc đà đã phải chầu chực ở biên giới giữa Nga và Ukraine từ ngày 31.1.2009, một chú trong số đó đã chết nhưng cả cái chết này cũng chưa làm thay đổi được quyết định của các nhà chức trách Ukraine. Cơ quan kiểm dịch thú y của Ukraine cho rằng những con lạc đà này mang theo vi-rút gây một loại dịch bệnh đối với lợn ở châu Phi vốn đang hoành hành ở Nga. Phía Nga quả quyết là tất cả những chú lạc đà quá cảnh Ukraine sang Bulgaria đều đã được kiểm dịch và không mắc bệnh truyền nhiễm gì.
Thật ra, muốn làm rõ trắng đen thì chỉ cần phía Ukraine hoặc một cơ quan thú y trung gian tiến hành kiểm dịch số lạc đà này và chi phí do phía Nga chịu. Làm như vậy vừa giải quyết được vụ việc, vừa phù hợp với thông lệ chung. Nhưng việc đó chỉ có thể dễ dàng một khi giữa Nga và Ukraine có quan hệ hữu hảo, khi cuộc chiến khí đốt đã không xảy ra trong quá khứ và không có nguy cơ rồi sẽ lại xảy ra trong tương lai, cũng như khi Ukraine không có nhu cầu trả đũa Nga như hiện tại.
Trong cuộc chiến khí đốt, Ukraine chịu “áp lực kép” là vừa cần khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng riêng, lại vừa có phần trách nhiệm cho khí đốt quá cảnh sang EU. Còn trong cuộc chiến lạc đà này, cả Nga lẫn Bulgaria đều cần đến Ukraine. Rõ ràng là phía Ukraine muốn chỉ cho phía Nga thấy không phải Nga cứ muốn làm gì Ukraine cũng được và câu chuyện về khí đốt có thể ảnh hưởng tới những phương diện quan hệ khác giữa hai nước. Ý nghĩa của cuộc chiến lạc đà này chính ở chỗ đó.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)