Hỗ trợ thanh niên tìm việc

09/02/2009 17:03 GMT+7

Từ đầu năm 2009 đến nay, số thanh niên, công nhân thất nghiệp và mất việc làm trên cả nước ngày càng tăng. Ngày 7.2, T.Ư Đoàn đã tổ chức hội nghị khối trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên (TTDN và GTVL) toàn quốc để đưa ra những biện pháp kịp thời hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm.

Tìm hướng đi mới

Thị trường lao động còn nhiều biến động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) có chiều hướng giảm do tác động tình hình kinh tế suy thoái toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn đó, T.Ư Đoàn quyết định chọn chủ đề năm 2009 là: "Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm". Hơn ai hết, các TTDN và GTVL của thanh niên sẽ phải tiên phong đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ thanh niên tìm kiếm cơ hội việc làm.

Theo giám đốc TTDN và GTVL thanh niên Hà Nội Dương Văn Tịnh, chưa năm nào việc tìm kiếm thị trường lao động lại khó khăn như năm 2009. Trong quý I/2009, số hợp đồng tuyển dụng với các DN giảm khoảng 20%, chủ yếu tập trung vào những DN tuyển dụng lao động phổ thông. Những năm trước, có DN tuyển mỗi đợt tới vài trăm công nhân, còn hiện giờ DN tuyển đông nhất khoảng 150 lao động. Thời điểm này, chưa có thêm DN đặt hàng. Trung tâm đang tiến hành điều tra nắm bắt nhu cầu DN, điều chỉnh cơ cấu dạy nghề cho phù hợp, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Không chỉ đào tạo tin học, ngoại ngữ, từ năm 2009 nhiều TTDN và GTVL thanh niên bổ sung thêm một số ngành nghề mới bắt kịp xu thế phát triển như: sửa chữa điện thoại, hàn tiện, điện tử, đồ họa...

Ngoài tổ chức các sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm cho thanh niên, các trung tâm còn tự tìm hướng đi mới. Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc TTDN và GTVL thanh niên Thừa Thiên-Huế cho biết: "Các DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt với DN xuất khẩu lao động đang hết sức khó khăn. Trung tâm đã đi trước một bước, tìm đến các DN cùng ngồi với nhau tìm biện pháp tháo gỡ. Thực tế là có những DN đang gặp khó khăn phải tạm ngưng sản xuất. Để giữ chân lao động vượt qua khủng hoảng, DN phối hợp với Trung tâm đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. DN sẽ hỗ trợ 50% lương, người lao động chỉ phải bỏ 50% chi phí đào tạo".

Cơ hội việc làm tại quê nhà

Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư T.Ư Đoàn, tình hình khó khăn của năm 2009 sẽ là cơ hội để các trung tâm việc làm thanh niên khẳng định vị thế của mình. Với sự quyết tâm cao, Đoàn thanh niên phấn đấu 100% TTDN và GTVL thanh niên triển khai các hoạt động về nghề nghiệp, việc làm của thanh niên tại địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm"; phấn đấu tư vấn hướng nghiệp cho 300.000 lượt người; dạy nghề cho 90.000 thanh niên, lao động trẻ; phấn đấu giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 200.000 người.

Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai... ngày càng có nhiều công nhân bị sa thải, mất việc thì tại các tỉnh, thành phố khác vẫn còn nhiều cơ hội làm việc đang chờ đón họ. Tại tỉnh Quảng Nam - trung tâm phát triển kinh tế chiến lược của miền Trung, nơi có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp đang hy vọng thu hút được nhiều lao động có tay nghề cao về làm việc, ông Hồ Quang Lĩnh, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề thanh niên bày tỏ: "Trong khó khăn chung, đây lại là cơ hội may mắn cho Quảng Nam. Trước đây, phần đông thanh niên nông thôn rời bỏ quê vào Nam lập nghiệp, bây giờ Quảng Nam rất cần lao động, thanh niên mất việc ở các khu công nghiệp phía Nam có thể tìm kiếm việc làm ngay tại quê hương mình". Với những thanh niên muốn chuyển đổi nghề nghiệp, trung tâm dạy nghề đưa ra giải pháp đào tạo một số ngành nghề mới phù hợp với địa phương như: trồng rừng, chăn nuôi, thú y, điện, cơ khí, gò hàn... Ông Lĩnh khẳng định có khoảng 70% lao động thất nghiệp sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của tỉnh.

Tại Cần Thơ, sau Tết Nguyên đán, số lượng các hợp đồng tuyển dụng tại TTDN và GTVL thanh niên Cần Thơ vẫn tiếp tục giữ ổn định, không hề suy giảm. Chỉ trong các ngày từ 2 - 6.2, đã có 43 hợp đồng tuyển dụng được ký kết với gần 6.000 chỗ làm việc. Theo ông Nguyễn Quốc Vững, điểm khác ở chỗ là trước đây việc làm tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn bây giờ công việc tập trung ở các DN nhỏ và vừa. Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề, ông Vững đưa ra những lời khuyên: "Rất nhiều bạn trẻ muốn lên thành phố làm việc tại các công ty nước ngoài, lương cao, nhàn nhã hơn làm nông; chính vì quá kén chọn, đòi hỏi cao nhưng lại không thể hiện được năng lực nên họ đã mất đi cơ hội việc làm. Trong điều kiện kinh tế suy thoái, nhà tuyển dụng càng khắt khe hơn, phải năng động hơn, chịu khó hơn mới tìm được việc. Tìm việc không khó, việc không ở đâu xa mà ngay tại quê hương mình".

Thị trường lao động khắt khe hơn, buộc người lao động nhìn nhận thực tế, bớt "viển vông" hơn. Anh Võ Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Dương nói: "Rất nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên, nhiều DN đóng cửa, song cũng có nhiều DN mới đi vào hoạt động rất cần những thợ giỏi, có tay nghề cao. Để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đây là thời điểm thích hợp. Đây là cơ hội để các bạn trẻ nhìn nhận lại mình, học hỏi trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề".

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.