Ông Nguyễn Kim Tới, Giám đốc Ban điều hành dự án xây dựng thủy điện Sơn La đã xác nhận thông tin về các vết nứt trên thân đập và nói phía tư vấn giải thích nguyên nhân nứt có thể do sốc nhiệt (ví dụ khối bê tông đang phát triển cường độ, đang nóng, bất ngờ có trận mưa thì bề mặt lạnh đột ngột có thể gây nứt).
Ông Tới giải thích thêm: "Vết nứt sâu 6m so với khối bê tông bình thường là lớn nhưng nếu so với khối bê tông ở thủy điện Sơn La (thân đập khoảng 80m) thì lại không lớn. Chúng tôi đã đặt một lớp thép phi 20 trên bề mặt để cô lập vết nứt". Ông Tới nói dạng vết nứt này không nguy hiểm, thường xảy ra ở một số đập thủy điện khác trên thế giới, và khẳng định "theo đánh giá của đơn vị thiết kế, các vết nứt như ở Sơn La không có vấn đề gì. Về nguy cơ gây thấm nước, các vết nứt đều nằm ở phía hạ lưu nên cũng không đáng lo". Trao đổi với PV Thanh Niên, một vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết bộ đang yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo, ngoài ra cũng giao các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu và đánh giá tác động từ các vết nứt đối với an toàn của đập.
Đập chính thủy điện Sơn La dài hơn 1 km, chỗ rộng nhất hơn 90m, chỗ cao nhất khoảng 130m so với chân đập, càng lên cao càng thu hẹp. Phần lớn thân đập sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn, nguyên liệu gồm đá, xi măng, cát nghiền từ đá, tro bay... Tổng vốn đầu tư công trình này hơn 42.000 tỉ đồng; sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động cả 6 tổ máy, sản lượng điện hằng năm khoảng 9,4 tỉ kwh.
Káp Long - Thành Trung
Bình luận (0)