Ngày 10-2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có chỉ đạo các cơ sở được phép sử dụng vắc-xin để tiêm chủng có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ vắc-xin sởi và các vắc-xin không thuộc dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng phòng, chống các dịch bệnh trên của người dân đang gia tăng hiện nay.
Hà Nội: Chích ngừa sởi vì tin đồn
Lo lắng trước nguy cơ dịch sởi lan rộng, từ sáng 6-2, chị Hoàng Lan, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, đã đưa cháu Hoàng An (5 tuổi) đi tiêm vắc-xin phòng sởi tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Hai mẹ con xếp hàng gần 15 phút song đến lượt thì nhận được thông báo “hết vắc-xin” phòng sởi. Chị tiếp tục đưa cháu đến phòng y tế dự phòng của phường Yên Hòa để tiêm nhưng cũng phải lắc đầu đi ra vì tại đây cũng không có.
Không chỉ chị Lan, từ ngày 6-2, các trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã chứng kiến hàng trăm người lớn đến với tiêm vắc-xin phòng sởi. “Thông tin dịch sởi người lớn lan rộng nên hôm nay tôi đưa cả nhà đi tiêm phòng vì chưa ai bị sởi trước đó!”, anh Đức Giang, trú tại Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội, cho biết. Anh Giang tỏ ra lo lắng vì hàng xóm của anh đã có người lớn bị sởi và đang điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Anh đã đưa cả nhà ra Trung tâm Y tế dự phòng tại 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội để tiêm vắc-xin.
Đề phòng thiếu vắc-xin Ngày 10-2, Cục Quản lý dược đã yêu cầu Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế khẩn trương kiểm định các lô vắc-xin phòng bệnh sởi hiện đang được tiến hành tại viện để sớm có vắc-xin đưa ra sử dụng. Ưu tiên kiểm định các lô vắc-xin phòng bệnh sởi sản xuất và nhập khẩu để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm phòng của nhân dân. N.Quyết |
TPHCM: Chưa thiếu nhưng có nguy cơ
Còn tại TPHCM, ghi nhận của Sở Y tế trong tháng 1-2009 cho thấy chưa có trường hợp nào mắc sởi liên quan đến người lớn như ở Hà Nội mà chỉ có 2 trường hợp sốt phát ban. Tại Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM hiện nay vẫn còn vắc-xin dịch vụ ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella nhưng ở một số nơi khác, như Viện Pasteur, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM loại vắc-xin này bắt đầu trở nên khan hiếm. Đây là tình trạng khan hiếm vắc-xin hằng năm do một số công ty dược còn kẹt thủ tục nhập khẩu vắc-xin đầu năm. Tuy nhiên, thực tế tại TPHCM không xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella. Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết do hiện nay bệnh sởi đang tăng tại các tỉnh miền Bắc nên làm người dân TPHCM lo ngại, chính tâm lý này dễ gây ra hiện tượng tiêm vắc-xin ồ ạt và dẫn đến tình trạng TPHCM có thể thiếu vắc-xin dịch vụ nếu người dân không bình tĩnh.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TPHCM, cho biết do chủng ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em tại TP đã được thực hiện rất lâu nên nhóm người trưởng thành dưới 20 tuổi cũng ít có nguy cơ mắc bệnh này. Ngoài yếu tố thời tiết thì đây cũng là điểm khác biệt làm cho bệnh sởi tại TPHCM không bùng phát ở người lớn như các tỉnh miền Bắc. Đối với người lớn, nếu đã từng tiêm ngừa 2 mũi sởi trước đó thì sẽ không có nguy cơ mắc bệnh này. Do đó, nguy cơ mắc bệnh sởi cao chỉ tập trung vào nhóm người lớn chưa từng chích vắc-xin chủng ngừa.
Còn vắc-xin ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại TPHCM chỉ ngừa được một bệnh sởi dành cho trẻ từ 9-11 tháng tuổi và trẻ 6 tháng tuổi hiện nay vẫn bảo đảm đầy đủ. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ chủng ngừa bệnh sởi mà chưa đưa vào chủng ngừa bệnh quai bị và rubella cho trẻ. Do đó, cũng có nhiều phụ huynh muốn đưa con đi tiêm dịch vụ vắc-xin ngừa cả 3 bệnh sởi-quai bị-rubella cũng có thể gây nên tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ. Trong khi đó, do thời tiết tại TPHCM năm nay diễn biến phức tạp, mức độ lạnh nhiều và kéo dài sau Tết là điều kiện thuận lợi làm phát triển các loại virus, không riêng gì sởi mà bao gồm rubella, thủy đậu, quai bị.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường giám sát Trước tình hình dịch sởi lan rộng trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ..., ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các cấp, các bộ, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo thực hiện kiên quyết các nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn dịch bệnh. N.Quyết |
Theo Nhất Phương – Nguyễn Quyết / Người Lao Động
Bình luận (0)