Yêu nhau phải hi sinh cho nhau
Trường mẫu giáo Sơn Linh nằm trên dốc núi chỉ là một phòng học mượn tạm của Trường tiểu học Sơn Linh, còn lớp học được phân bố rải rác tại các điểm trường lẻ khắp các buôn làng: Ka La, Bồ Nung, Làng Ghè, Gò Da và Làng Xinh thuộc xã Sơn Linh, huyện miền núi Sơn Hà.
Lặng nhìn những đứa trẻ mắt tròn xoe, cắm cúi tập viết tại điểm trường lẻ Làng Xinh, cô Nga tâm sự: “Thương nhất là những ngày tháng mùa đông, học trò đến lớp lấm lem bùn đất đỏ, mảnh áo mỏng manh, môi tím tái run lật bật vì lạnh, lòng mình không cầm nổi”.
Ra trường năm 2004 Nga được bố trí công tác về vùng cao Sơn Linh dạy mầm non cho trẻ nghèo con em đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, cách nhà gần 80km. Rời xa mái ấm gia đình ở đồng bằng, tình nguyện về với vùng sâu, vùng xa, ngày đêm các cô giáo trẻ lặng thầm góp sức mình trước lời gọi thiết tha con chữ của những đứa trẻ vùng cao Quảng Ngãi. Ngày ấy, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Nga thường xuyên băng suối vượt rừng để mang con chữ đến những học sinh của Trường mẫu giáo Song Linh.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Sơn Hà, khoảng 100 giáo viên ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đang công tác trên năm năm qua tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện này có hoàn cảnh sống xa vợ chồng. |
Rồi tình cờ qua những lần đi chơi với bạn bè, cô giáo trẻ và anh công nhân kỹ thuật xây dựng Nguyễn Văn Tuấn ở cùng quê Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành) mến nhau và họ quyết định đi đến hôn nhân vào năm 2006.
Cô Nga kể: “Trước lúc cưới tụi mình cũng đã chuẩn bị tâm lý sẽ xa nhau thường xuyên vì công việc mỗi người một nơi, song yêu nhau phải chấp nhận, biết hi sinh cho nhau. Lòng hai đứa dặn dò nhau rằng đã nên vợ nên chồng thì dù xa cũng phải cố quan tâm, chăm sóc như ở bên cạnh”. Hủ hỉ mới chưa được một tuần đã xa nhau, hai vợ chồng trẻ nước mắt đầm đìa. Và họ chia xa, Nga lên Sơn Hà, Tuấn ra Tuyên Quang. Nơi nào cũng là vùng sâu, vùng xa.
Cô Nga xem những tấm ảnh kỷ niệm để vơi đi nỗi nhớ - Ảnh: Minh Thu |
Chỉ mong ngày đoàn viên đến sớm
Làm nghề xây dựng công trình nên Tuấn lúc ở Bình Phước, khi Tuyên Quang và cả những tỉnh Tây nguyên. Thương vợ một mình ở nơi núi cao rừng sâu, anh thường xuyên gọi điện để nhắc nhở vợ tự chăm sóc bản thân lúc không có bàn tay người chồng. Để bù đắp nỗi nhớ nhung của vợ, anh tự tay viết những lá thư đong đầy yêu thương, ra bưu điện gửi về vừa để vợ đỡ nhớ, vừa là kỷ vật yêu thương anh muốn gửi đến người vợ trẻ.
Ngày nhận tin vợ có thai, Tuấn mừng khôn xiết và chia sẻ niềm vui với anh em, đồng nghiệp ở chỗ làm. Buổi sáng, ngày vợ trở dạ, anh đang ở công trường, nhận được tin báo anh tức tốc xin nghỉ việc chạy một mạch ra đường để đón xe về đến nhà thì đứa con kháu khỉnh đã chào đời trong niềm vui khó tả. “Đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Tuy vợ chồng có xa cách nhưng đứa con ra đời như sợi dây liên kết vô hình kết nối hai nửa vợ chồng khăng khít với nhau”, Tuấn kể.
Ở nhà được một tuần thì anh trở lại công trường thủy điện Sê San 4. Con trai được bốn tháng tuổi, cô Nga ôm con lên vùng cao Sơn Linh vừa chăm sóc con vừa dạy học. Khí hậu vùng cao khắc nghiệt, con trai hết sốt lại ho, cô một mình chạy đôn chạy đáo. Trong khoảng thời gian ấy, mỗi cánh thư, mỗi cuộc điện thoại của chồng từ phương xa liên lạc về như tiếp thêm nghị lực, trở thành điểm tựa vững chắc cho cô vượt qua mỗi khi đuối lòng.
Đến lớp giữa bản làng trong buổi sớm tiết trời se lạnh, cô Nga tâm sự: “Trời lạnh thế này đâu thể sánh được với cái giá lạnh xa chồng. Song thời gian rồi cũng quen, chúng tôi gửi thư và điện thoại cho nhau mỗi tuần vài lần cũng vơi bớt nỗi nhớ. Mỗi năm ảnh chỉ về thăm tôi trong những ngày nghỉ tết, vào dịp nghỉ hè tôi ôm con lên công trường ở Gia Lai thăm ảnh. Vì công việc nên chúng tôi động viên nhau cố gắng vượt qua thôi”. Cô lấy tấm ảnh từ cuốn sổ trong túi xách ra, đôi mắt rạng ngời hạnh phúc: “Đó là con trai của vợ chồng, tên cháu là Nguyễn Tuấn Anh Kiệt, được 18 tháng. Xa nhau cũng lâu, chỉ mong ngày đoàn viên đến sớm”.
Với Nga, nỗi buồn lớn nhất trong cô là những khi đến lớp thiếu vắng học trò. Mỗi lúc có học sinh nghỉ học là cô lại lặng lẽ đến tận nhà các gia đình vận động, thuyết phục học sinh ra lớp. Cô nói: “Xa gia đình, học sinh là niềm vui chính của mình, mỗi lần đến lớp trống vắng học trò, nỗi buồn trong lòng dâng lên gấp bội”. Nhiều khi hạnh phúc với Nga thật đời thường, giản dị: đó là những lúc người chồng thân yêu từ Tây nguyên về phép thăm nhà bất ngờ. Sau chuỗi ngày tháng dài xa cách, chồng vào bếp chế biến những món ăn thật ngon, sẻ chia, níu lòng nhau xích gần lại trong bầu không khí ấm áp gia đình.
“Những ngày cuối tuần, ngày lễ, đặc biệt là dịp lễ tình nhân 14-2, thấy vợ chồng người khác hạnh phúc bên nhau tôi chỉ biết khóc thầm. Cũng có điện thoại nhưng sao bù được nỗi nhớ mong, ước ao được trong vòng tay chồng như bạn bè. Hai vợ chồng từng dự định một người sẽ tìm nghề khác để được gần nhau, quan tâm và chăm sóc con tốt hơn. Nhưng đâu thể được, cái nghề đã theo cuộc đời mình rồi” - cô Nga tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Đồng - phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Linh - nhận xét: “Mặc dù công tác trong hoàn cảnh xa cách chồng con nhưng lúc nào cô Nga cũng hết lòng với học trò. Chúng tôi vô cùng cảm phục nghị lực của cô Nga trong suốt nhiều năm vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn bám trụ trường lớp, góp phần đáng kể cho công tác giáo dục mầm non tại vùng cao Sơn Linh”.
> Kỳ 1: Chuyện tình “xuất khẩu”
Theo Minh Thu - Phi Long / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)