Bệnh sởi

13/02/2009 17:10 GMT+7

Thường bệnh sởi xuất hiện ở trẻ em, nhưng những ngày qua, bệnh xảy ra rất nhiều ở người lớn tại phía Bắc.

Lây lan mạnh

Theo bác sĩ Nguyễn Nhật Cảm (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội): sởi là bệnh sốt phát ban cấp tính do vi-rút sởi Morbilli gây nên. Bệnh lây truyền rất cao và phổ biến ở trẻ em. Các triệu chứng ban đầu gồm sốt cao, viêm long đường hô hấp trên, viêm niêm mạc miệng 2-3 ngày.

Có thể viêm thanh quản, phế quản, ho khó thở... Nốt ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 trên bề mặt da. Các nốt này thường xuất hiện đầu tiên trên mặt, sau đó lan ra đến vai, gáy, lưng, bụng rồi toàn thân. Ban nổi trong vòng 4-7 ngày thì "bay" mất. Tại chỗ có ban sởi mọc nặng, có thể bị tróc vảy. Nốt ban sởi sờ vào mịn, các vùng da không có ban sởi vẫn bình thường. Trong các nốt ban chính là nguồn vi-rút.. Các nốt ban này nếu "mọc" trong phổi gây viêm phổi, tại ruột gây tiêu chảy, hay "mọc" tại miệng gây viêm nhiễm niêm mạc miệng, lợi (nướu) với tốc độ rất nhanh chóng, nguy hiểm.

Thời kỳ ủ bệnh trong vòng 7-18 ngày, trung bình 10 ngày kể từ khi phơi nhiễm đến khi bắt đầu sốt. Nguồn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, do tiếp xúc với các chất tiết của dịch mũi họng. Nguồn vi-rút này phát tán bởi nước bọt bị bắn ra khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Người lành cũng có thể bị lây nhiễm vi-rút sởi qua những đồ vật bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Mắc một lần là có miễn dịch

Thời kỳ lây truyền bệnh là trong vòng từ 1 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng bệnh đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban. Như vậy, với bệnh nhân mắc sởi, để phòng lây lan, chỉ nên đi học, đi làm trở lại sau khi đã hết nổi ban khoảng 4 ngày.

Tiến sĩ Đỗ Sỹ Hiển (Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia) cho biết: một người chưa tiêm ngừa nhưng nếu mắc bệnh sởi, thì có khả năng miễn dịch suốt đời, rất ít trường hợp bị mắc lại. Với các bệnh nhân người lớn mắc sởi tăng như vừa qua, chủ yếu là các trường hợp chưa từng mắc sởi, chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Sau khi tiêm, khả năng sinh kháng thể miễn dịch sẽ giảm dần theo thời gian.

Vì vậy, nếu không được tiêm đầy đủ, sởi vẫn xuất hiện ở người lớn, khi khả năng sinh kháng thể đã giảm đi. Tình trạng sởi ở người lớn vẫn xảy ra ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Ngay ở nước ta, vào năm 2005-2006 đã có hàng ngàn ca mắc sởi là người lớn tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm: "Trẻ được sinh từ người mẹ đã bị bệnh sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động nhờ kháng thể từ mẹ truyền cho con trong khoảng từ 6-9 tháng tuổi sau sinh. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động này cũng có thể được lâu hơn, tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.

Còn trẻ được sinh ra từ mẹ đã được tiêm vắc-xin sởi thì trẻ đó cũng có kháng thể thụ động của mẹ truyền cho, nhưng mức độ thấp, cần được tiêm miễn dịch sớm". Hiện tại chỉ định tiêm sởi mũi một cho trẻ theo Chương trình tiêm chủng là 9-11 tháng tuổi.

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.