Thời tiết bất thường, dịch bệnh gia tăng

14/02/2009 00:21 GMT+7

Tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp tại Hà Nội và TP.HCM, trong khi vắc-xin phòng ngừa một số bệnh có nguy cơ bùng phát lại trở nên khan hiếm....

Sốt xuất huyết hoành hành

Sau khi tăng cao đột biến vào năm 2008, qua đầu năm 2009, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn không có chiều hướng chững lại ở TP.HCM, thậm chí còn tăng hơn cả năm ngoái.

Thống kê từ các bệnh viện trên địa bàn, từ đầu năm đến nay tại TP.HCM đã có gần 1.400 trường hợp mắc SXH, cao hơn cùng thời điểm năm trước khoảng hơn 200 ca. Hiện bình quân mỗi tuần có 200 ca mới được phát hiện. Theo các bác sĩ dự phòng, thời tiết bất thường, mưa rải rác từ đầu năm đến nay đã tạo điều kiện cho muỗi phát sinh, khiến bệnh tăng cao. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cho rằng nguyên nhân khiến đầu năm SXH hoành hành là do ảnh hưởng của đuôi dịch năm 2008.

Tại buổi làm việc với 24 đơn vị y tế quận, huyện trên địa bàn hôm 11.2, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cảnh báo so với cùng kỳ năm 2008, năm nay hầu hết các quận, huyện đều có số ca mắc bệnh SXH tăng hơn, trong đó có những quận tăng từ 100% - 300%. Những địa phương đang “nóng” về SXH gồm Q.Thủ Đức (với 169 ca mắc), Q.8 (101 ca), Q.Tân Bình (98 ca), Q.Tân Phú (97 ca)...

"Sở Y tế vừa chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương có biện pháp phòng chống bệnh; đồng thời cũng khuyến cáo người dân ý thức phòng bệnh nếu không bệnh sẽ gia tăng thành dịch trong thời gian tới", bác sĩ Thọ nói.

Sởi, thủy đậu... gây lo ngại

Trong khi đó, diễn biến bệnh thủy đậu, sởi, quai bị... tại TP.HCM những tháng đầu năm cũng đáng lo ngại.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Hòa Bình, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2, thời điểm đông-xuân là “mùa” của các bệnh thủy đậu, quai bị, sởi...

Tương tự, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cảnh báo: “Sởi, quai bị, thủy đậu, rubella là những bệnh nhiễm theo mùa, xảy ra nhiều vào thời điểm sau Tết. Tại khoa hôm nay (13.2) có 4 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu nặng có biến chứng – nhiễm trùng da, viêm phổi. Từ tháng 1 đến nay bệnh viện tiếp nhận hơn 300 trường hợp mắc bệnh thủy đậu”.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết: “Cục đã đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chuẩn bị nguồn cung cấp vắc - xin cho phòng dịch sốt phát ban dạng sởi. Trường hợp thiếu vắc - xin phòng bệnh sởi do nhu cầu tiêm chủng tăng đột biến, cần báo cáo về Cục Quản lý dược, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, và Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia để phối hợp giải quyết".

Tại một số tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, số bệnh nhân mắc sốt phát ban dạng sởi ở người lớn vẫn tiếp tục bùng phát, với gần 600 trường hợp mắc bệnh (chỉ tính riêng ở Hà Nội). Trong ngày hôm qua (13.2) có thêm 15 trường hợp nhập viện. Đáng lo ngại, thông tin từ khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ươngcho biết những ngày gần đây bắt đầu xuất hiện các bệnh nhi nghi mắc sởi vào viện khám, với số lượng khoảng 7-10 ca/ngày. Một số cháu đã phải nhập viện điều trị do biến chứng viêm phế quản, phổi.

Tại Bệnh viện Da liễu (Hà Nội), số bệnh nhi mắc thủy đậu cũng có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 7-10 ca đến khám mỗi ngày. Đại diện khoa Khám bệnh của bệnh viện này cho biết: “Bệnh nhân mắc thủy đậu ở người lớn thường vào viện với bệnh cảnh nặng hơn ở trẻ em: mụn nước mọc dày, mệt mỏi nhiều và có những trường hợp các mụn đã bị bội nhiễm. Tình trạng này có thể do người lớn chủ quan, không khám điều trị sớm”.

Khan hiếm vắc-xin

Trước tình trạng bệnh sởi gia tăng ở các tỉnh phía Bắc, trong đó một số ca biến chứng nặng, những ngày qua số người đi tiêm vắc-xin phòng bệnh này đã tăng cao cả ở Hà Nội lẫn TP.HCM, dẫn đến khan hiếm loại vắc-xin này.

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, bác sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết: “Trong khi các loại vắc-xin khác không thiếu thì vắc-xin phòng bệnh sởi lại đang khan hiếm. Vì đây là vắc-xin tiêm dịch vụ nên Viện chỉ mua về với số lượng từng đợt nhất định, khi người dân đến tiêm nhiều do lo ngại bệnh sởi thì không đủ vắc-xin cung ứng”.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ cũng xác nhận: "Vắc-xin ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi thì vẫn được bảo đảm, nhưng vắc-xin sởi dịch vụ (ngừa 3 bệnh sởi, quai bị, rubella) thì hiện đang khan hiếm do số lượng người đi tiêm khá đông".

Tiến sĩ Đỗ Sỹ Hiển, cán bộ của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thông tin: “Theo phản ánh của một số điểm tiêm dịch vụ, vắc-xin phòng 3 bệnh (sởi - quai bị - rubella) đang tạm hết và có thể sẽ có trở lại trong 7-10 ngày tới”. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vi, Giám đốc Bộ phận vắc-xin của Văn phòng đại diện hãng dược phẩm GlaxoSmithKline tại TP.HCM, cũng cho biết do nhu cầu tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh sởi tăng đột biến ngoài dự kiến, nên xảy ra thiếu hụt loại vắc-xin này. Mặc dù không cung cấp con số bán ra cụ thể, nhưng bác sĩ Vi khẳng định lượng vắc-xin sởi mà GlaxoSmithKline bán ra tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. "Dự kiến vào đầu tuần tới công ty sẽ có vắc-xin sởi nhập về tiếp tục cung cấp cho các cơ sở y tế", bác sĩ Vi nói.

Trước mắt, nhằm khắc phục nhanh tình trạng khan hiếm vắc -xin, Cục Quản lý dược Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế khẩn trương kiểm định các lô vắc-xin phòng bệnh sởi để sớm có vắc-xin đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm phòng của nhân dân. Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng đã yêu cầu các công ty nhập khẩu vắc-xin khẩn trương thống kê số lượng hiện có của các loại vắc-xin phòng, chống các loại bệnh nói trên, lên kế hoạch điều chuyển phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu của Bộ Y tế.

Cục này cũng khẳng định sẽ giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu vắc-xin khi có đề nghị nhập khẩu của các công ty theo đúng quy định.

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.