Đừng làm thui chột môn Văn

16/02/2009 00:16 GMT+7

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có công văn gửi sở giáo dục các tỉnh thành yêu cầu tổ chức hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân trong nhà trường, trước ngày 28.2.

Bài viết nhỏ này như một lời góp ý về những đổi mới mà ngành giáo dục đã áp dụng đối với môn Ngữ văn nhiều năm qua, cụ thể là về phương pháp dạy văn bằng sự trợ giúp của công nghệ thông tin.

Nhiều thế hệ sinh viên văn khoa Hà Nội, cả trường Tổng hợp lẫn Sư phạm, chắc khó quên những giờ giảng của các thầy Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh (văn học Việt Nam hiện đại), Đỗ Hồng Chung (văn học Nga), Đinh Gia Khánh (văn học dân gian), cô Lê Hồng Sâm (văn học phương Tây)… Lại nhớ hồi còn học cấp 2, cấp 3 ở Hải Phòng thời chiến tranh, lứa trò chúng tôi có các thầy dạy văn phải nói là tuyệt vời như thầy Trới, thầy Tòng. Trên khắp đất nước mình, tôi tin rằng những thầy cô như thế nhiều lắm. Chẳng cần phương tiện trợ giảng (trước kia làm gì có vi tính), các thầy cô rót vào tâm hồn trò bao cái hay cái đẹp của văn chương, từ đó nuôi dưỡng những nghĩ suy, tình cảm chân thật, cao quý với đất nước, nhân dân mình, với cha mẹ, anh em, với cây cỏ, hoa lá, cuộc đời… Mỗi tác phẩm văn chương, qua sự truyền thụ của thầy cô, từng tầng giá trị ẩn chứa dưới lớp vỏ ngôn ngữ cứ lóe sáng lên, lấp lánh kỳ diệu. Nói như thời ấy, thầy giảng văn, trò nuốt lấy từng lời. Mỗi tiết văn dường như trôi qua rất nhanh trong sự tiếc nuối, thòm thèm. Chắc chắn trong hành trang hàng triệu người lính lên đường ra trận, những người lính như anh Nguyễn Văn Thạc học sinh trường cấp 3 Yên Hòa B (Hà Nội), giải nhất văn miền Bắc 1970, có cả lòng say mê yêu mến văn chương, yêu mến cuộc sống, biết hy sinh cho lẽ sống trên đời mà thầy cô đã khắc ghi vào tâm hồn học sinh.

Tác phẩm văn học luôn phản ánh cuộc sống thông qua tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của nhà văn, được chứa đựng bằng ngôn ngữ văn học. Thực tế cho thấy những nhà văn tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc chính là những bậc thầy về ngôn ngữ. Thế mới có câu “ý tại ngôn ngoại”, “thi trung hữu họa”. Thi sĩ V.Maiakovski (Nga) chả từng tâm sự, để có mỗi chữ cho thơ, ông đã phải luyện từ hàng tấn quặng ngôn từ. Thầy dạy văn giỏi phải biết bóc ra, hết lớp này đến lớp khác, vỡ òa ngôn từ, làm hiện lên cuộc sống sinh động mà văn chương đã miêu tả, khám phá.

Không ai có thể phủ nhận những thành tựu vĩ đại mà công nghệ thông tin (dân ta quen gọi nôm na là tin học, vi tính) đem lại cho con người và sự phát triển xã hội. Chỉ vài chục năm trở lại đây, với động lực công nghệ thông tin, nhân loại tiến lên như vũ bão, mọi ngóc ngách xã hội đều chịu sự tác động của nó. Rất nhiều môn học trong nhà trường, có sự trợ giúp của công nghệ thông tin, đã tạo được sự say mê của cả thầy lẫn trò, hiệu quả hơn hẳn so với cách dạy cũ. Nhưng theo tôi, với môn văn thì không hẳn thế. Tôi biết có không ít thầy cô, để chuẩn bị cho bài giảng theo cách dạy hiện đại này đã đầu tư biết bao thời gian, công sức, nào học vi tính (power point), sưu tầm tài liệu liên quan (hình ảnh, âm thanh, chứng cứ), nào học cách sử dụng máy chiếu máy quét, dàn dựng chương trình… Mỗi tiết văn cứ như món lẩu thập cẩm, có cả phim ảnh, âm nhạc, băng ghi âm, rộn rã cả lên, vui ra phết, nhưng tác phẩm văn chương thì bị chìm lấp, giá trị ngôn ngữ không được khai thác đúng mức, rốt cục chả đọng lại bao nhiêu hồn vía trong lòng học sinh. Một tác phẩm, bài thơ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây của thi sĩ Phạm Tiến Duật chẳng hạn, chương trình quy định giảng chỉ chưa đầy 2 tiết, có thầy chiếu phim hình ảnh những đoàn quân ra trận, núi non Trường Sơn hùng vĩ, mở cho nghe ca khúc do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, xem một vài hình ảnh tư liệu về tác giả… thế là mất bay hơn nửa thời giờ. Tác phẩm sao cứ mờ mờ nhạt nhạt, có lẽ bởi cả thầy lẫn trò đều bị công nghệ nghe nhìn chi phối mất rồi. Nói không quá đáng, dạy văn như thế bằng mười hại văn. Xin thầy Hoàng Như Mai đáng kính thứ lỗi, sẽ không thể tưởng tượng được nếu lúc nào đó thầy dạy Tây Tiến, Nhớ, Đất nước… bằng máy vi tính mà không phải bằng giọng truyền cảm khó quên, bằng sự khai thác ngôn ngữ tuyệt vời mà bao lứa học sinh, sinh viên đã từng thụ hưởng.

Ngành giáo dục VN đang có những nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Trong quá trình đổi mới, xin đề nghị những người coi sóc sự học của cả nước không ép các thầy cô dạy văn bằng công nghệ thông tin, chỉ để giữ hồn giữ cốt môn văn.

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.