Chơi thú... độc! - Kỳ cuối: Hiểm họa từ “thú độc”

16/02/2009 10:52 GMT+7

Tuy thú chơi “thú độc” mới xuất hiện tại VN trong vòng 1-2 năm nhưng hiện đang phát triển khá rầm rộ, thu hút rất nhiều người chơi, đặc biệt là các bạn trẻ.

Người chơi “thú độc” rất cưng thú, quấn quýt bên chúng suốt ngày nhưng không ai biết rõ liệu những con vật này có độc hại gì không… Còn những người bán, tất nhiên luôn khuyến khích: yên tâm, chúng không độc hại gì cả!

Chơi là... ghiền!

Bạn Huỳnh Mai Sơn - nhà ở đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM, đang là sinh viên năm 4 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - được mệnh danh là một tay “lão làng” trong giới chơi “thú độc”. Dân chơi đặt cho Sơn cái tên Mr. Chameleon - tên một loài tắc kè bông - để xác nhận “đẳng cấp”.

Hiện Sơn đang sở hữu hai con Chameleon lớn trong giới chơi “thú độc” VN. Hai con vật này được Sơn “rước” về từ tháng 3-2008, lúc đó chúng chỉ mới hai tháng tuổi, chiều dài chưa tới 10cm. Còn bây giờ chúng đã lớn đến hơn 50cm và đẻ được hai lứa trứng.

Phần lớn thời gian rảnh rỗi Sơn dành cho việc chăm sóc, ngắm nghía những con vật cưng của mình. Vừa cho con Chameleon bò leo trên người mình, Sơn nói: “Nuôi mấy con này cũng kỳ công lắm, hằng ngày mình phải làm các công việc như tưới nước bằng bình phun sương, sưởi ấm bằng đèn chuyên dụng (UVB, UVA), mang chúng ra phơi nắng 15-20 phút. Ban đầu mình để nó trong nhà nhưng bị bố mẹ phản ứng kịch liệt nên đành phải mang ra ngoài hiên”.

Còn hai anh em Nguyễn Hoài Nam (học sinh lớp 11), khóc lên khóc xuống vì mấy con “thú cưng” bị bệnh và chết. “Ban đầu lên anh Bi xem thấy con Cham đẹp quá, với lại thằng em trai cũng khoái nên mua về nuôi. Em sợ bò sát không dám sờ nhưng khi mua về thấy nó cũng hiền, lấy can đảm bắt thử, vừa sờ vừa nổi da gà. Bắt được vài lần, làm quen với “bé” được vài phút, kết quả là lên cơn nghiện chơi với nó. Bắt được một lần bắt hoài luôn” - Nam khoe. Nhưng mấy ngày hôm sau cậu ta lại khóc lóc than vãn vì con Cham đã chết mặc dù Nam và em trai đã chăm sóc rất kỹ lưỡng.

Người chơi “thú độc” phần lớn là những người có điều kiện về kinh tế, bởi giá của một con “thú độc” dao động từ 700.000-6 triệu đồng, tùy độ hiếm. Còn bộ đồ nuôi chúng từ khay uống nước đến đèn sưởi, thức ăn, đá sưởi… đều có giá vài trăm ngàn đồng trở lên. Người chơi “thú độc” thường tập hợp thành từng nhóm rồi quy định một ngày trong tháng lại offline (gặp gỡ trực tiếp) tại một địa điểm cụ thể để trao đổi kinh nghiệm nuôi.

Mỗi người tham gia đều mang những con vật của mình theo để mọi người chiêm ngưỡng. Như nhóm chơi Pet của Bi thường offline vào ngày 17 hằng tháng ở nhà riêng hoặc đâu đó…

 
Một người chơi và con “thú độc” của mình

 “Thú độc” tấn công người chơi

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm nuôi bò sát nhưng Sơn “lão làng” cũng không tránh khỏi việc những con Cham làm anh bị thương: “Con này không cắn nhưng móng vuốt của nó sắc lắm. Mình thường bị cào rách tay, chảy máu mỗi khi bắt nó ra phơi nắng, giờ trên tay còn để lại nhiều vết sẹo” - Sơn chỉ vào mấy vết xước chưa khô máu do “thú độc” để lại trên tay và nói.

Thời điểm này có một loài nhện rất được người chơi chuộng là nhện độc Tarantula. Loài nhện này có kích thước lớn nhất thế giới với sải chân hơn 12cm, sống ở vùng nhiệt đới. Nhện Tarantula có nhiều dòng, được bán từ 500.000-4 triệu đồng/con. Có rất nhiều người chơi đã bị loài nhện này tấn công.

Em Trần Hương Giang (học sinh lớp 9) có nuôi một con nhện độc Tarantula dòng đầu gối đỏ. Em cho biết đến mùa sinh sản con nhện rất hung dữ. Có lần em còn bị nhện bắn lông ngứa vào người khiến em bị sốt nhẹ suốt ba ngày. Dù vậy nhưng Giang vẫn tỏ ra thích thú với con nhện này. Cũng như những người chơi khác, em không biết con nhện đó độc hại như thế nào. Chỉ thấy con vật mắc tiền lại có hình thù rất lạ, có thể đem “lòe” bạn bè mỗi lúc lên mạng là vui rồi.

Coi chừng... sát thủ!

Chuyện chủ bị chính “thú độc” của mình tấn công khá phổ biến. Tại cửa hàng Bi aquapet, Boss biểu diễn cho chúng tôi thấy sự nguy hiểm của những con rùa nước gốc Nam Mỹ: khi anh bắt một chú rùa lên, nhanh như cắt chú rùa nhỏ thó, trông có vẻ chậm chạp, hiền lành quay đầu cắn nát khúc gỗ nhỏ được đưa ra làm mồi.

Boss và cô gái phụ bán hàng cho biết loài rùa này rất dữ, nếu không biết cách chăm sóc có thể bị nó cắn đứt tay chảy máu.

Theo Sơn “lão làng”: “Trong thiên nhiên, nhện Tarantula là một loài nhện có độc tố rất cao, nó có thể cắn chết người. Nhưng những con nhện đưa về nuôi đã được thuần chủng nên lượng độc tố không còn nhiều như nhện hoang dã(?!). Những người bị nhện này tấn công sẽ bị ngứa, sốt nhẹ 2-3 ngày, người có sức đề kháng yếu có thể bị sốt trong nhiều ngày”.

Thu hút sự chú ý của người chơi nhiều nhất vẫn là con lươn điện, được trưng bày ngay cửa ra vào tại cửa hàng Bi aquapet. Theo lời cô gái bán hàng thì “con lươn điện này có thể phóng ra dòng điện 150V đủ để giết chết cả con voi chứ nói gì đến người”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lươn điện là một loài cá sống ở Nam Mỹ. Hiệu điện thế loài cá này khi trưởng thành phát ra đến 500-600V  với cường độ 1 ampe, tức đủ năng lượng làm sáng năm bóng đèn 100W. Chúng có thể sản xuất năng lượng mới trong vòng tích tắc và bắn ra liên tục trong vòng một giờ mà không có dấu hiệu mệt mỏi. Chúng có thể điều khiển cường độ dòng điện tùy khoảng cách, độ lớn của mục tiêu và mục đích việc sử dụng vũ khí này. Con vật đáng sợ này đã lọt vào “mắt xanh” của hai em nữ sinh lớp 8. Hai cô bé cho biết sẽ “rước” nó với giá 5,9 triệu đồng!

Hiện nay, những người chơi có nhiều kinh nghiệm về “thú độc” không chỉ đơn thuần nuôi mà còn phát triển việc nhân giống các loài động vật lạ này trong nước. Tại nhà mình, Sơn “lão làng” đang cho ấp hơn 40 quả trứng Cham chờ ngày nở… Nhìn những quả trứng Cham nhỏ bằng ngón tay nằm trong lồng giữ nhiệt, rồi cảnh người chơi mò mẫm bên những con vật lạ nhập lậu vào VN, chúng tôi lo ngại: liệu chúng có phải là những động vật an toàn?...

Ý kiến của những người quản lý

* Ông Nguyễn Đình Cương (chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM):

Chưa cấp phép kinh doanh cho nơi nào

Các cơ sở kinh doanh động vật lạ nhập khẩu vào VN một cách hợp pháp phải có giấy phép kinh doanh của sở kế hoạch - đầu tư. Chi cục Kiểm lâm TP sẽ đi kiểm tra chuồng trại, độ an toàn của chuồng trại. Khi động vật được mang vào nước phải thông qua cơ quan kiểm dịch thú y tại các cảng, sân bay hay cửa khẩu. Sau đó chi cục kiểm lâm sẽ kiểm tra và tiến hành kiểm tra định kỳ sáu tháng một lần.

Hiện trong địa bàn TP.HCM Chi cục kiểm lâm TP chỉ cấp phép kinh doanh động vật nhập khẩu cho ba địa điểm Suối Tiên, Đầm Sen và Thảo cầm viên mà thôi.

Còn các loài vật lạ này chúng tôi chưa từng thấy, cũng như chưa hề cấp giấy phép cho bất cứ một cơ sở nào kinh doanh. Nếu các cơ sở nuôi, kinh doanh các loài vật lạ này không có đầy đủ những điều kiện trên thì đích thị là cơ sở kinh doanh trái phép, những con vật lạ đó thuộc dạng hàng lậu.

* Ông Thái Truyền (phó giám đốc Cơ quan kiểm lâm vùng III - cơ quan đại diện Cites VN khu vực phía Nam):

Hiểm họa khó lường

Những loài động vật này tôi chưa từng được nghe qua, thực tế cơ quan Cites phía Nam mới hoạt động từ tháng 10-2008 và chỉ mới được cấp phép các loại động vật thông thường thôi. Còn những loài vật lạ, việc cấp phép là toàn quyền ở Cites VN ngoài Hà Nội.

Cites tiến hành cấp phép cho các loài vật nhập khẩu vào trong nước, sau khi được một trong bốn cơ quan khoa học đánh giá về các nguy cơ như có độc hại gì tới con người, môi trường không; có đe dọa sự đa dạng sinh học của VN không… và cho ý kiến về việc nhập vào trong nước thì lúc đó Cites mới cấp phép cho nhập hay không. Đến khi loài vật đó về tới VN phải thông qua cơ quan kiểm dịch một lần nữa.

Với vai trò là nhà quản lý, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân không mua bán, trưng nuôi các loài vật lạ chưa qua kiểm duyệt. Có những loài có thể phát tán ra tự nhiên gây ra những hậu quả rất nguy hiểm. Hai ví dụ điển hình ở nước ta trong thời điểm này là ốc bươu vàng và cây mai dương (cây mắc cỡ). Hai loài này theo đường nhập lậu vào VN đã gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng và rất khó khắc phục.

* Ông Đỗ Quang Tùng (chánh văn phòng Cites VN tại Hà Nội):

Nhất thiết phải có giấy phép nuôi

Trong những loài mô tả kể trên chỉ có một số loài có tên trong các phụ lục Cites. Các loài có tên trong danh mục Cites nhất thiết phải xin giấy phép Cites. Đối với loài đầu tiên nhập khẩu vào VN phải có ý kiến của cơ quan khoa học Cites rằng việc nhập khẩu đó không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài trong tự nhiên và không gây tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra người nuôi phải có cơ sở nuôi nhốt phù hợp và được chi cục kiểm lâm xác nhận

Theo Đình Dân - Thuận Thắng / Tuổi Trẻ 

>> Kỳ 1: Đường dây buôn "thú độc" 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.