Theo báo Times of India, loại mực nói trên có thể đổi màu tùy vào mức glucose dưới da. Loại mực nano này một ngày nào đó có thể giải phóng bệnh nhân tiểu đường khỏi các cuộc thử glucose trong máu vốn rất đau đớn. Heather Clark, một thành viên của nhóm nghiên cứu, khẳng định: “Không cần tạo một hình xăm lớn trên vai. Hình này (bằng mực nano) có kích cỡ chỉ vài mi-li-mét và không cần ấn kim sâu như khi xăm thông thường”.
Clark tiết lộ rằng bà và các đồng nghiệp lúc đầu chỉ định chế tạo một loại mực nhạy cảm với natri nhằm theo dõi sức khỏe tim, tăng cường hiểu biết cơ bản về chất điện phân, hoặc nhằm bảo đảm vận động viên được cung cấp đủ nước. Nhưng sau một cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, bà Clark mới quyết định thử nghiệm việc thăm dò glucose bằng cách điều chỉnh hệ thống gồm 3 phần.
Những hạt mực nano là những quả cầu cực nhỏ có đường kính khoảng 120 na-nô-mét (1 na-nô-mét = 1 phần tỉ mét), có 3 phần bên trong gồm: phân tử dò glucose, chất nhuộm đổi màu và phân tử “nhái” glucose. Clark cho biết các hạt này trông giống chất tạo màu thực phẩm khi được hòa tan trong nước. Theo Clark, 3 phần nói trên chuyển động liên tục bên trong “quả cầu” mực có tính kỵ nước. Khi tiếp cận bề mặt, phân tử dò bám vào một phân tử glucose hoặc phân tử “nhái” glucose. Nếu phân tử dò bám vào glucose, mực chuyển thành màu vàng. Nếu mức glucose thấp, phân tử dò bám vào phân tử “nhái” glucose, và mực chuyển thành màu tím. Mức glucose lành mạnh được biểu thị bằng màu cam. Quy trình này được lặp đi lặp lại cách nhau chỉ vài phần nghìn giây. Vẫn còn những nghi ngờ về tính chính xác của mực. Màu của nó có thể thay đổi chậm hơn 20 phút so với mức glucose thực sự. Tuy nhiên, theo Clark, dù chậm nhưng mực vẫn phản ánh được sự lên xuống của mức glucose.
Các cuộc thử nghiệm ban đầu về hiệu quả của mực dò natri trên chuột đã cho kết quả tích cực. Việc thử nghiệm mực dò glucose trên chuột có thể bắt đầu vào cuối tháng này. Quá trình thử nghiệm trên người dự kiến sẽ được tiến hành sau 2 năm nữa.
Trùng Quang
Bình luận (0)