Vụ việc bắt nguồn từ một câu chuyện tưởng rất bình thường. Một con tinh tinh tên Travis, rất nổi tiếng do từng xuất hiện trong một đoạn phim quảng cáo của Công ty Coca-Cola, đã bị cảnh sát bắn chết tại bang Connecticut hôm 16.2 sau khi nó tấn công và cắn nát mặt một người bạn của chủ. Sự việc được một số tờ báo và đài truyền hình Mỹ đưa tin theo kiểu "chuyện giật gân" và nhanh chóng trở thành chủ đề tán gẫu trong ngày.
Tuy nhiên, tờ New York Post, một tờ báo cánh hữu nổi tiếng "lá cải" của tỉ phú truyền thông Rupert Murdoch lại đẩy sự việc đi theo một hướng khác. Trong số báo ra sáng 18.2, tờ báo này đã cho đăng ở trang 12 một bức biếm họa của họa sĩ Sean Delonas vẽ hai cảnh sát đứng cạnh xác một con tinh tinh nằm trên vũng máu, một người giương khẩu súng còn bốc khói, người kia nói: "Họ sẽ phải tìm người khác để soạn dự luật kích thích kinh tế mới". Trong khi trang 11 đăng bức ảnh cỡ lớn Tổng thống Barack Obama đang ký ban hành luật về gói kích thích kinh tế. Bức biếm họa đã khiến nhiều người nổi giận vì cho rằng có ý ám chỉ Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ là con tinh tinh bị giết.
Ngay từ sáng 18.2, một số người, dẫn đầu là thượng nghị sĩ bang New York Eric Adams, đã kéo đến trước trụ sở tòa soạn Báo New York Post tại quận Manhattan để phản đối và đòi tờ báo này phải công khai xin lỗi. Nhiều nhân vật nổi tiếng tại Mỹ cũng công khai chỉ trích và gọi đó là một hành động mang tính phân biệt chủng tộc rõ ràng. Cả Thống đốc bang New York David Paterson, một người Mỹ gốc Phi, cũng lên tiếng yêu cầu tờ New York Post giải thích vụ việc. Tuy nhiên, Tổng biên tập của tờ báo Col Allan trong một thông cáo báo chí sau đó vẫn bảo vệ bức biếm họa, cho rằng nó chỉ châm chọc vụ con tinh tinh bị bắn ở Connecticut và châm biếm nỗ lực khôi phục kinh tế của chính phủ.
Phát biểu của lãnh đạo tờ báo khiến làn sóng bất bình tiếp tục dâng cao. Một cuộc biểu tình đông đảo người tham dự, trong đó có cả người Mỹ gốc Phi, gốc Á và gốc u, dưới sự lãnh đạo của một số chức sắc tôn giáo và đại diện các tổ chức, nghiệp đoàn ở New York như giáo sĩ Al Sharpton, Ủy viên Hội đồng thành phố Charles Barron... đã diễn ra trước trụ sở tờ New York Post lúc 12 giờ trưa 19.2 (giờ địa phương). Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ phản đối phân biệt chủng tộc, ủng hộ Tổng thống Obama và kêu gọi đóng cửa tờ báo. Trong suốt 1 giờ đồng hồ biểu tình, họ liên tục hô vang những khẩu hiệu như: "Đả đảo phân biệt chủng tộc", "Đóng cửa tờ Post", "Chúng tôi không phải tinh tinh, không phải khỉ, chúng tôi là con người", "Hãy tôn trọng tổng thống"... trước sự chứng kiến của đông đảo cảnh sát, phóng viên báo chí và cả những nhân viên đang làm việc tại tờ New York Post.
Mark Louis, giáo viên toán người Mỹ gốc Á sống tại Manhattan, nói với người viết bài rằng anh cảm thấy sốc khi xem bức ảnh. "Tôi nghĩ nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ đã bị đẩy lùi khi Tổng thống Obama đắc cử. Vậy mà bây giờ chính ông ấy lại là nạn nhân".
Còn bà Viola Plummer, lãnh đạo Phong trào ngày 12 tháng 12 của người da đen ở New York, thành viên ban tổ chức cuộc biểu tình, cho biết mặc dù thời gian chuẩn bị rất gấp, chỉ 24 tiếng đồng hồ, nhưng cuộc biểu tình vẫn thu hút được nhiều người tham gia, bởi "mọi người đều thấy hành động của tờ báo này là nỗi hổ thẹn của nước Mỹ. Họ như thể đang sống trong thập kỷ 60, khi người da đen bị đối xử tàn tệ, bị sát hại và bị ví như khỉ".
Trước sức ép của công luận, lúc 8 giờ tối 19.2 (giờ địa phương), tờ New York Post đã phải đăng trên trang web của mình một bản thông cáo ngắn gọn, trong đó gửi lời xin lỗi đến những người bị xúc phạm bởi bức biếm họa. Tuy nhiên, tờ báo này cũng thẳng thừng tuyên bố không xin lỗi đối với giới báo chí và những người đã chỉ trích họ vì cho rằng số này lợi dụng bức biếm họa để trả đũa cá nhân. Báo chí Mỹ đã gọi đây là lời-xin-lỗi-một-nửa.
|
Lê Quang (Từ New York, Mỹ)
Bình luận (0)