Mở cửa vào đời cho trẻ đường phố

22/02/2009 00:28 GMT+7

Đường vào đời luôn là con đường khó đi nhất, đặc biệt với trẻ đường phố. Vậy mà có hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ đường phố ở TP Cần Thơ đang vững bước vào đời nhờ dự án Hội nhập xã hội, nghề nghiệp cho trẻ em đường phố.

Những “cô chủ” của dự án 

“Dự án đã hỗ trợ kinh phí cho em được học nghề mình yêu thích để sau này có thể nuôi sống được bản thân và phụ giúp gia đình. Mơ ước của em giờ đã trở thành hiện thực, em mở được một tiệm uốn tóc riêng do mình làm chủ... Em được tham gia dự án Bình Minh là một niềm hạnh phúc lớn, được gặp các cô chú và giao lưu với các bạn ở dự án khác. Lúc nào chúng em cũng cố gắng học để trở thành người công dân tốt...”. Đây là những dòng tâm sự chân tình của em Huỳnh Thị Thanh Thúy - một trẻ trong dự án, được đăng trên trang tin số 4 của Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM. Thúy năm nay 18 tuổi, tham gia dự án từ năm 2006. Hoàn cảnh gia đình em hết sức khó khăn. Cha bị mất sức lao động, cả nhà phải sống nhờ gánh hàng rong của mẹ. Vậy mà mẹ em cũng thường xuyên đau ốm. Bản thân Thúy không được đến trường. Từ khi tham gia dự án, ban ngày em được giới thiệu đi học nghề uốn tóc theo sở thích; buổi tối tham gia lớp học bổ túc văn hóa của dự án. Hơn một năm sau thì thành nghề và được dự án hỗ trợ mở tiệm tại nhà. Cái tiệm tuy nhỏ này cũng giúp em mỗi ngày kiếm được chừng 40 ngàn đồng. Không chỉ thế, em còn đang truyền nghề cho một em nhỏ khác của dự án.  

Tương tự là trường hợp em Nguyễn Thanh Thúy. Cha mất, mẹ lấy chồng khác, Thúy về ở với dì. Nhưng một mình dì sống bằng nghề may, lại nuôi đến 7 đứa cháu nên việc học hành của em cũng chẳng đi được tới đâu. Không đi học, không có việc làm, vậy là Thúy lang thang theo những đứa trẻ đường phố khác. Nhờ tham gia dự án, giờ Thúy đã thành một thợ uốn tóc giỏi, có thu nhập ổn định. Hiện tại Thúy cũng đang truyền nghề cho 2 em khác trong dự án. “Chúng em được giúp học một cái nghề, sau đó lại được giúp mở tiệm. Bên cạnh đó, chúng em còn được hỗ trợ tiền học Anh văn... Chúng em hứa, dù khó khăn hay thử thách cũng cố gắng vượt qua tất cả, không bao giờ lùi bước”, Nguyễn Thanh Thúy tâm sự. 

Trên đây chỉ là vài trường hợp trong những đối tượng được dự án Bình Minh giúp đỡ. Dự án thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ quản lý, do tổ chức Dynamo hỗ trợ thông qua Hội bảo trợ trẻ em TP.HCM. 

Tâm sự của những giáo dục viên

Năm 2006, dự án được triển khai trên địa bàn phường Xuân Khánh (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đến nay địa bàn hoạt động của dự án đã lan ra các phường Cái Khế, An Cư, An Lạc. Đã có 178 trẻ được tiếp nhận và hưởng dịch vụ của dự án. Các dịch vụ của dự án gồm: học chữ, học nghề, tìm việc làm, làm giấy tờ tùy thân, tập huấn kỹ năng sống, vui chơi giải trí. Trong đó, tập huấn kỹ năng sống gồm các tiêu chí: kỹ năng giao tiếp, tự nhận thức bản thân, ra quyết định, kiên định, quản lý chi tiêu, quản lý thời gian. Đến nay đã có 22 trẻ đạt các chuẩn quy định của chương trình...

Có lần tôi đến thăm văn phòng của dự án Bình Minh. Trong lúc các giáo dục viên và tôi đang trò chuyện thì một cô bé chạy đến. Cô bé nhỏ hơn cái tuổi 13 khá nhiều, nước da đen và mái tóc vàng hoe, nhưng lại có nụ cười rất tươi. Cô bé cầm tay từng giáo dục viên lôi đi và nói với giọng đầy hãnh diện: “Cô ơi! Thầy ơi! Tới đây em cho coi cái này hay lắm”. Thì ra đó là căn phòng vệ sinh vừa được cô bé lau chùi sạch bong.  

Cô Danh Thị Ngọc Lợi cho biết cô bé tên Bùi Thị Ngọc Châu, là trẻ của dự án. Cô bé rất ngoan, đang theo học uốn tóc với em Nguyễn Thanh Thúy, em cũng học chữ rất giỏi. Cô Lợi còn khá trẻ và mới tham gia dự án gần nửa năm. Cô nói: “Nếu trước kia mà có dự án này thì chắc em cũng là trẻ của dự án. Ngày xưa gia đình rất khó khăn, nhưng may mắn là mình không bị sa ngã. Bây giờ có cơ hội làm được gì cho các em thì mình cố gắng làm, vì hoàn cảnh của mấy em ở đây rất đáng thương”.  

Còn với anh Trương Thái Hưng, điều phối viên của dự án, thì công tác xã hội là “duyên số”. Trước kia anh tham gia công tác Đoàn ở địa phương, rồi giữ chức Bí thư Đoàn phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều). Anh kể có lần đang đi vận động phong trào thanh niên thì gặp chị Nga (Võ Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ) rủ tham gia thực hiện dự án. Vậy là lòng yêu trẻ, “máu” làm công tác xã hội của anh được dịp phát huy. Anh tâm sự, một trong những hoạt động của dự án là làm giấy tờ tùy thân cho trẻ. Nhiều trường hợp, để làm được một cái giấy chứng minh nhân dân cho trẻ, thì gần như phải làm hết các loại giấy tờ của gia đình. Có lần người ta còn hiểu lầm, tưởng mình là “cò” nữa. Trẻ em đường phố, thường bản tính rất ngang bướng nên rất khó tiếp cận. Tuổi các em còn nhỏ nên không có lập trường ổn định. Giọng buồn buồn, anh Hưng kể: “Ở đây, có trường hợp bé Na bị “gãy” đến hai lần. Hai lần chúng tôi giới thiệu học nghề nhưng đều bỏ giữa chừng. Con bé bỏ chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi, động viên em”.  

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.