Xem video clip |
Quán cơm này tọa lạc tại đường số 3, khu cư xá Lữ Gia, quận 11, TP.HCM. Bảng hiệu cơm 2.000 đồng dành cho sinh viên nghèo, người thật sự nghèo đúng với tiêu chí mà những người chủ quán đặt ra.
Dự định ban đầu, quán chỉ phục vụ khoảng 250 suất/buổi, chủ yếu để giúp đỡ sinh viên nghèo. Tuy nhiên, khi quán mở ra, rất nhiều người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, người bán hàng rong, công nhân, phụ hồ... đến ăn khá đông nên số suất ăn cứ dần tăng lên.
Hiện nay quán cơm mở cửa bán vào các trưa thứ hai, tư và sáu trong tuần, với khả năng phục vụ mỗi bữa khoảng 500 suất.
Quán tuy đông khách nhưng luôn trật tự và vệ sinh, nhân viên của quán, từ bảo vệ đến người phục vụ lúc nào cũng ân cần, niềm nở. Nếu thấy chưa no, khách có thể lấy thêm cơm và canh miễn phí. Sau khi ăn xong, khách tự dọn dẹp, mang khay cơm đã ăn chuyển cho nhân viên đem rửa.
Sau bữa ăn, ông Nguyễn Tiến Lục, quê Quảng Ngãi vào TP.HCM bán vé số, tâm sự: "Mấy bữa quán không bán, tụi tui chỉ ăn tạm gì đó ở dọc đường chứ ít ăn cơm mấy chỗ khác, mười mấy ngàn đồng một dĩa lận. Ở đây ăn cơm nóng, thực đơn thay đổi hoài, giá hai ngàn nên tôi hay bán gần đây để ghé ăn cơm luôn".
Rất đông sinh viên và người nghèo đến với Cơm 2.000 đồng - Ảnh: Mạnh Cường |
Trao đổi với chúng tôi, Bùi Văn Tú, sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, cơm hai ngàn đồng nhưng ăn không thua cơm mười ngàn đồng ở nhiều nơi khác, mà lại có chuối tráng miệng nữa.
Ý tưởng thành lập quán Cơm 2.000 đồng xuất phát từ một cô gái trẻ đã tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2004. Từng trải qua cuộc sống khó khăn thời sinh viên, nên cô ấp ủ ước mơ sẽ làm được điều gì đó để giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Đầu năm 2008, cô bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình. Được sự hỗ trợ từ những bạn bè thân hữu, quán Cơm 2.000 đồng chính thức ra đời vào tháng 8.2008. Khi được hỏi về thông tin cá nhân, cô xin phép giấu tên để tập trung làm tròn ý tưởng đặt ra.
Bên cạnh hai nhà tài trợ chính, Cơm 2.000 đồng còn có sự góp công không nhỏ của những nhân viên tình nguyện. Có người rất bận bịu, người không có tiền nhưng vẫn muốn góp sức mình, bỏ ra một ngày để phụ nấu cơm từ thiện và xem đó là niềm hạnh phúc, niềm vui của mình.
Ông Lê Văn Hán, nhân viên phục vụ quán cơm cho biết: "Chúng tôi muốn chia sẻ một phần khó khăn của các em sinh viên và hy vọng khi tốt nghiệp, thành đạt, các em sẽ có ý thức giúp đỡ những người khó khăn khác".
Bán cơm giá 2.000 đồng thay vì miễn phí, để người đến ăn không bị mặc cảm là ăn cơm từ thiện. Đó cũng là tiêu chí của những người sáng lập và hỗ trợ quán Cơm 2.000 đồng là "giúp chứ không cho". Nhưng thực chất đã cho rất nhiều...
Không chỉ có quán Cơm 2.000 đồng, tại TP.HCM hiện nay còn nhiều quán ăn phục vụ những phần cơm mang nặng nghĩa tình cho những người lang thang, cơ nhỡ. Đó là quán cơm Thiện Tâm ở chân cầu Lê Văn Sĩ (quận 3), quán Vợ Thằng Đậu ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức), quán Bảo Hòa ở đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1) và nhiều bếp ăn từ thiện tại những bệnh viện.
Dù là từ thiện nhưng các quán ăn này luôn trật tự, ngăn nắp, bởi ai cũng đều được đối xử bình đẳng, hòa nhã, với tinh thần thiện nguyện. Đáng chú ý là ở các quán cơm này, mọi thứ đều hết sức tươm tất, sạch sẽ. Khẩu phần cơm tuy có đạm bạc về chất, nhưng rất dồi dào về lượng, đặc biệt là rất sạch sẽ và không phải vì cơm từ thiện hay giá rẻ mà những người phục vụ xem thường vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những nghĩa cử từ các quán cơm từ thiện ấy góp phần làm cho hình ảnh TP.HCM thêm thân thiện và nhân ái hơn trong lòng mỗi người. Mong sao, những quán ăn này còn mãi trong nhịp sống của thành phố lớn nhất Việt Nam này.
Hoàng Hậu
Bình luận (0)