Chuyện đời danh hài: Minh Vượng - Tuổi thơ bụi bặm

26/02/2009 23:38 GMT+7

Minh Phượng mới là tên cúng cơm của chị, nhưng bởi lo cho cái tên có vẻ quá “yểu điệu thục nữ” ấy, chị đã đổi Phượng thành Vượng. Chẳng rõ cái tên mới có làm nên số phận mới không, nhưng rõ ràng chị đã... vượng hẳn lên. Chẳng phải vượng tiền, vượng quyền, mà vượng bạn bè, vượng người quý trọng...

“Con Phượng thò lò” mê sân khấu

Là con thứ hai trong một gia đình có sáu con tại khu lao động nghèo Lương Yên (Hà Nội), mới lên ba, Minh Phượng đã cảm nhận được các mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em và người chung quanh.

Mẹ chị là người đàn bà tần tảo, chịu thương chịu khó, thân cò lặn lội nuôi chồng nuôi con. Ngày ngày, bà đi dọc sông Cái, thầu những bè rau non: xà lách, su hào, và nhiều nhất là rau muống. Đến khi rau tới kỳ thu hoạch, bà mang rau giao đến tay người tiêu dùng.

Nhờ vào tiền buôn rau, mỗi tuần một lần, bà mẹ lại cho ba đứa con (Phượng ba tuổi, anh trai hơn mười tuổi và đứa em mới lên một) một hào để vào bãi chiếu bóng Lương Yên xem phim. Trẻ con, cứ hễ có tiền là mua kem. Một hào được hai chiếc, ba anh em chia nhau. Ăn hết tiền rồi nhưng phim thì vẫn muốn xem, thế là vạch rào, luồn lách, chui qua háng người lớn... Không xem được mặt trước thì ra xem phía sau màn ảnh, kết quả là ba anh em bị cận “lòi” cho đến tận giờ. Sau một đêm chiếu phim, sáng hôm sau cả bãi chiếu bóng đầy những hố nhỏ sâm sấp nước. Lý  do là lũ trẻ con xem phim thường mắc tè nhưng không muốn rời khỏi chỗ ngồi, nên cứ lấy con dao bài cùn, khoét thành lỗ dưới bãi để... giải quyết. Trong số các hố be bé ấy, ba anh em nhà Phượng cũng có đóng góp.

Hà Nội những năm 1958 - 1959 rất nghèo, người dân lao động lại càng vất vả, cực nhọc. Không hề có bất cứ trò giải trí nào. Chiều tối, Phượng cùng anh em và đám trẻ con lấm láp chỉ chờ nghe tiếng nhạc quảng cáo để biết tối ấy chiếu phim gì. Hễ nghe tiếng nhạc, “con Phượng thò lò” (vì lúc nào cũng thò lò mũi xanh) lại thấy dâng lên trong lòng niềm sung sướng khôn tả.

Thời kỳ ấy, thường chỉ chiếu các phim thần thoại, từ Tôn Ngộ Không, Liễu Nghị truyền thư đến Hoa Mộc Lan. Xem phim nào, Phượng cũng ao ước trở thành diễn viên phim ấy. Đêm đêm, cô trằn trọc không ngủ, cứ tự phân vai cho mình và cứ nghĩ nếu được diễn, sẽ diễn ra sao. Bãi chiếu bóng Lương Yên đã trở thành nơi ấp ủ mơ ước làm diễn viên của Phượng.

Lớn thêm vài tuổi, anh trai, Phượng và đám bạn nhỏ mê sân khấu - điện ảnh đã gặp may, khi đoàn cải lương Chuông Vàng về biểu diễn trong ngày hội trường Lương Yên. Thấy lũ trẻ nghèo lem luốc cứ năn nỉ, mè nheo, người bán vé chẳng nỡ từ chối, đành cho chúng vào không vé. Cả lũ trố mắt, căng tai như uống lấy từng lời từng cảnh trong các vở Lý công, Dệt gấm, Thanh xà Bạch xà... Xem đi xem lại nhiều lần đến nỗi thuộc hết cả lời thoại, lời ca, từng chi tiết nhỏ... nhưng anh em Phượng vẫn chưa hề bỏ qua bất cứ buổi diễn nào.

Những ngày nắng ráo, cả lũ chơi đánh khăng, đánh đáo. Còn hôm nào trời sụt sùi mưa, anh em Phượng treo chăn màn quanh giường làm sân khấu. Với khán giả là lũ trẻ hàng xóm, anh em Phượng quần trễ rốn vừa quệt nước mũi vừa bò từ gầm giường lên, ca diễn.

Từ chơi gian đến đầu têu đánh lộn

Những kỷ niệm tuổi thơ của Phượng luôn gắn liền với anh trai. Trong xóm, anh trai Phượng là đại ca, nên cô em gái được đại ca cưng chiều. Là con gái nhưng Phượng rất mê đá bóng, chỉ chờ đội thiếu người là nhảy vào đá. Vị trí thường xuyên của Phượng là thủ môn. Thủ môn này chúa ăn gian, mỗi khi thấy bóng bay tới thì đẩy hai cọc gôn vào gần hoặc ra xa. Nếu bị phát hiện là Phượng chối đây đẩy. Nhờ chơi gian, bên Phượng thường hay thắng. Bên thua bị phạt bằng cách phải công kênh anh em Phượng. Lấy lá bàng kết làm mũ, Phượng thường tự nhận là công chúa, hoàng hậu, có khi làm cả Trưng Trắc - Trưng Nhị... Nhiều hôm hai đứa đi chơi bóng về, mẹ thấy con gái quần áo rách toạc, với những vết bầm đỏ, tím khắp người, đã mắng anh trai không chăm sóc em gái. Sau đó dù anh dứt khoát không cho chơi bóng, Phượng vẫn lăn xả vào, nước mắt nước mũi tèm lem khiến anh phải mềm lòng đồng ý.

Năm 1959, gia đình Phượng chuyển về khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội vì mẹ Phượng đã ngừng buôn rau, xin vào làm công nhân. Vừa quen hơi, ấm chỗ, Phượng lập tức bày ra đủ trò tinh nghịch. Từ đổ nước lên hành lang chơi trượt băng nghệ thuật (quỳ xuống cho bạn kéo trượt trên nước đến nỗi đầu gối tím đen), chơi khăng, đánh đáo... đến cầm đầu lũ trẻ khu nhà cao tầng đánh nhau với bọn nhà cấp bốn. Có lần đánh nhau hăng máu, thằng bạn đã thua chạy vào núp dưới gầm giường, Phượng vẫn theo vào, nắm cẳng lôi xềnh xệch ra, rồi tương ngay hòn đá vào đầu. Kết quả là anh bạn ấy vẫn giữ cái sẹo kỷ niệm đến tận bây giờ, gặp Minh Vượng, anh nhắc lại chuyện cũ, chị chỉ cười lỏn lẻn.

Chẳng lưu ban nhưng không được lên lớp

Trò đầu têu đánh nhau đã theo Phượng suốt những năm tháng theo cha mẹ đi kinh tế mới ở Phú Thọ. Trong suốt ba năm 1965 - 1968, Phượng mò cua, bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ dưới trời nắng gắt, lên rừng hái măng bị ong đốt suýt ngã xuống vực, rồi cày ruộng, cấy lúa... nhưng vẫn tiếp tục dẫn “đội quân” thành phố đánh nhau với “quân” nông thôn. Hễ thấy bạn tèm lem nước mắt chạy về mách khi bị bắt nạt, là Phượng hăm hở đến tận nhà thủ phạm trả đũa. Do thành tích đó, Phượng bị dân làng rất ghét, về tội “chẳng phải việc mình mà cứ xía vào”.

Năm 1968, Phượng quay về Hà Nội, học cấp II ở trường Lương Yên B. Lại những ngày đi học, đánh nhau, quăng cả cặp mà chạy. Có người nhặt được cặp, mang đến nộp cho hiệu trưởng. Bị tra vấn, Phượng vẫn chối đây đẩy. Thế nên thầy cô đành lấy độc trị độc. Giữa lớp 5, Phượng trở thành lớp trưởng.

16 tuổi, đã có năm đứa em, thêm hai đứa cháu con anh trai, Phượng vẫn tiếp tục chia bè chia phái đánh nhau. Do nghịch ngầm, trốn học nhiều, nên dù không bị lưu ban nhưng Phượng vẫn không được lên lớp. Vừa học lại lớp 8, lớp 9, Phượng vừa làm thêm nghề phụ hồ, quét vôi, khảo sát đất (để xây nhà cao tầng), công nhân ép nhựa...

Năm 1973, Phượng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội, nhưng gia đình không đồng ý vì cho rằng  đó là bộ môn “âm lịch”. Lại thi tuyển vào múa rối, để nghe bạn bè chê “nghề gì mà suốt đời ở dưới gầm sân khấu”, thế là lại bỏ. Thi tiếp vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, lại đỗ, nhưng lại không theo vì sợ bị cắt hộ khẩu. Đến tháng 4 năm 1974, Phượng lại thi vào trường Nghệ thuật Hà Nội với bài hát Giải phóng miền Nam, nhưng vì quá run chị lại hát lộn sang lời xuyên tạc (!), phần đóng tiểu phẩm thì xuất sắc song chị cứ tưởng trượt nhưng hóa ra lại đỗ, bởi: “NSND Huỳnh Nga kiên quyết bảo vệ mình, mà khi đó mình vừa gầy vừa xấu, cao mét sáu, nặng có 43 kg”.

Từ ngày ấy, ước mơ làm diễn viên trên sân khấu thuở nhỏ của Minh Phượng đã trở thành hiện thực.

Phượng gầy gò ngày xưa đã trở thành Minh Vượng bây giờ. Ngẫm lại những trò phá phách, tinh quái thuở nhỏ, Minh Vượng rút ra điều tâm niệm: Con người sống nên dĩ hòa vi quý, tôn trọng mọi người chung quanh.

Chị bảo: “Đời mình có lúc được đi đây đi đó, lúc tiền ít tiền nhiều, lúc hạnh phúc, lúc khổ đau... nhưng nhớ nhất vẫn là quãng đời thơ ấu, sống bên cha mẹ, anh em. Nhìn lại quãng đời đã qua, mình thực sự chẳng ân hận điều gì, chỉ thấy tiếc là cuộc đời đang ngắn lại, trong khi mình còn bao nhiêu việc phải làm. Giá như có thể trẻ lại hai mươi tuổi...”.

 Chuyện đời danh hài

Trang Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.