Những người can đảm đứng ra điều trần trước QH đều không phải là "người chủ chốt" trong quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo.
Bây giờ, nghe lại những doanh thu vượt mức của các Cty và TCty lương thực của Nhà nước trong năm qua, chúng ta càng thấy tội nghiệp cho nông dân trồng lúa, không được chút lợi nào từ khối tiền lời kếch sù do chênh lệch giá đó. Sự kiện này xảy ra ngay sau khi VN vừa có được Nghị quyết T.Ư 7 về tam nông.
Đây là một minh chứng quá rõ ràng, để từ các nhà làm chính sách nông nghiệp cho đến người sản xuất nông sản thấy rõ sự yếu kém của hệ thống chính sách của chúng ta đối với nông dân và nông thôn. Nếu có một chính sách hợp lý trong bối cảnh hiện tại, người nông dân sản xuất sẽ không bị mất mát quá nhiều mỗi khi có chênh lệch giá.
Cũng may là Nhà nước đã có chủ trương hợp lý trước Tết Kỷ Sửu vài ngày, biếu cho các hộ nghèo ở nông thôn một ít tiền để mua sắm tết, nên đã có tác dụng kích cầu nền kinh tế thật sự. Nhưng ngân sách đâu có đủ để tiếp tục phát tiền cho dân nghèo như thế được. Cái gốc của vấn đề là làm sao chúng ta đổi mới nông thôn VN để không còn người nông dân nào nghèo nữa, để cho họ tự đi mua sắm bằng tiền của chính họ làm ra. Nhưng thế nào là nông thôn kiểu mới của VN?
"Số phận" nương nhờ thương lái
Một vấn đề quan trọng đối với người nông dân là có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: TTXVN |
Nhưng nỗi bức xúc lớn nhất là thiếu thị trường. Tình trạng thiếu đầu ra ổn định cho hàng hóa của nông thôn làm cho nông dân nghèo, nông thôn đơn sơ và nông nghiệp lạc hậu. Người nông dân trồng lúa, nuôi cá, v.v... không biết sẽ bán cho ai, giá bao nhiêu, hàng ngày cứ phải phập phồng lo lắng.
Trong thực tế, số phận của nông dân đều phó thác cho thương lái - những người dám đứng ra để chịu mọi sự may rủi giữa nông dân và các đại gia phân phối trong nước và xuất khẩu. Qua cuộc khủng hoảng giả tạo về lương thực trong năm qua, trong sự may rủi đó thì nông dân lãnh phần rủi và các đại gia hưởng phần may với thương lái.
Nghị quyết T.Ư 7 về tam nông đã có rồi, chúng ta không thể để tình trạng chia sẻ may rủi kiểu này kéo dài mãi được. Để thực hiện Nghị quyết T.Ư 7, chúng ta cần thay đổi tư duy về phát triển nông nghiệp bằng những chính sách nông thôn phù hợp hơn.
Thay đổi như thế nào?
Trước tiên, phải giải quyết vấn đề công ăn việc làm ở nông thôn, nếu không thì cái túi rỗng của họ sẽ gây ra những bất an trong nông thôn rất phổ biến hiện nay. Người dân nông thôn vẫn còn rất rảnh rỗi - ngay đối với những người có đất đai canh tác, thời gian nông nhàn còn nhiều.
Các nước phát triển thường tạo thêm công ăn việc làm cho dân bằng cách đầu tư vào xây dựng các công trình công cộng, nhất là cầu đường để kích cầu nền kinh tế. Ngay Tổng thống B.Obama vừa nhậm chức của Hoa Kỳ cũng chủ trương đầu tư tiếp tục sửa sang, hoặc xây dựng thêm hệ thống giao thông - vốn được xem là tốt có hạng trên thế giới.
Giao thông là huyết mạch của nông thôn, có thể biến nông thôn sâu thành đô thị nếu được xây dựng tốt. Nhưng theo tư duy cũ của Nhà nước thì đó là việc của dân tự làm, cần hơn nữa thì cũng là "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Dân đã nghèo, không đủ tiền sinh hoạt, lấy sức được bao nhiêu để xây đường khang trang và xóa hết cầu khỉ?
Tư duy cũ đó đã kéo dài tình trạng nông thôn lạc hậu của ta, tiếp tục làm cho nông thôn vĩnh viễn là vùng sâu, vùng xa. Cần có chính sách kiểu mới về đầu tư giao thông nông thôn. Nhà nước cần đưa đầy đủ kinh phí xây dựng đường làng, thay cầu khỉ, xây bến bãi đúng quy cách.
Đây là cách kích cầu trực tiếp và hữu hiệu nhất, vì dân nông thôn sẽ có việc làm - họ vừa làm cho các công trình của chính nông thôn họ, vừa có thu nhập để tiêu dùng, chấm dứt tình trạng nông nhàn không việc làm. Chỉ một chính sách kích cầu như thế mà Đảng và Nhà nước có thể tháo gỡ hai bức xúc lớn của nông thôn: Công ăn việc làm có thu nhập và giao thông.
Hai bức xúc quan trọng còn lại: Đào tạo tay nghề và thị trường đầu ra, có thể được giải quyết bằng một chính sách khuyến khích nông dân gắn kết với nhau thành những tập đoàn sản xuất (TĐSX) hoặc hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và gắn những TĐSX hoặc HTXNN ấy với doanh nghiệp chế biến, phân phối, xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu làm ra từ vùng nguyên liệu do nông dân sản xuất.
Nông dân sẽ không còn phập phồng khi sản xuất, vì biết chắc sẽ bán sản phẩm nguyên liệu cho ai với giá cả phải chăng. Toàn thể nông dân trong TĐSX hoặc HTXNN sẽ được đào tạo đến nơi đến chốn, để sản xuất loại cây trồng hoặc vật nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế mà doanh nghiệp cần mua. Nông dân bây giờ đã trở nên nông dân kiểu mới, với kiến thức và tay nghề hiện đại nhất về ngành hàng của mình.
Họ có thể biết thêm kiến thức bảo vệ môi trường và nhất là phụ nữ nông thôn sẽ được trang bị kiến thức vệ sinh cá nhân và gia đình, dinh dưỡng thể lực con cái, sớm chấm dứt tình trạng suy thoái thể lực của dân nông thôn hiện nay.
Bốn khó khăn nổi cộm nhất của nông thôn trên đây xem ra không có gì mới, ai cũng biết cả rồi. Nhưng những khó khăn ấy đến giờ vẫn tồn tại. Chúng ta cần một quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa của Đảng và Nhà nước để có những quyết sách kiểu mới như đã đề nghị trên đây. Chúng tôi tin rằng, "giặc nghèo" và lạc hậu trong nông dân VN sẽ sớm bị tiêu diệt, khi chúng ta thật sự quan tâm đầu tư tạo nên tầng lớp nông dân kiểu mới, sống trong những nông thôn kiểu mới để sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân / Lao Động
Bình luận (0)