Buồn vui, những giọt nước mắt
Lọt thỏm giữa bốn bề đồng ruộng mênh mông, nhà cửa thưa thớt, chùa Bình An - nằm trên đường Nguyễn Cửu Phú, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân (TP.HCM) - trông càng bé nhỏ, heo hút. Tuy nhiên, đến nơi mới thấy tấm lòng của những người tu hành nơi đây không nhỏ chút nào.
Chùa Bình An hiện là nơi tá túc của hơn 60 cụ già neo đơn. Mỗi người một hoàn cảnh, người thì tứ cố vô thân, người thì bị con cháu hất hủi, người bệnh tật…, nhưng tất cả họ đều được chăm sóc một cách chu đáo, với mỗi ngày 3 bữa ăn; những lúc ốm đau, bệnh tật được thuốc thang đầy đủ.
Khi chúng tôi đến cũng là lúc các sư cô trong chùa cùng với một nhóm gần chục cụ còn khỏe đang ra sức dọn dẹp phòng ốc để chuẩn bị đón thêm người mới. Nhìn các cụ làm mới thấy các cụ đã thật sự xem chùa Bình An là ngôi nhà chung của mình.
Dẫn chúng tôi thăm nhà ăn, với bếp núc sạch sẽ, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, Ni sư Thích Nữ Tùng Tính, Trụ trì chùa Bình An, tâm sự: “Chăm lo bữa ăn cho các cụ lớn tuổi phải thật kỹ càng, phải đảm bảo vệ sinh, vì bụng các cụ rất yếu. Để các cụ ăn ngon miệng, nhà chùa cố gắng thường xuyên đổi món…”.
Ni sư Tùng Tính cũng nhắc nhở, hầu hết các cụ ở đây, quanh năm chẳng khi nào thấy có người nhà đến thăm, vì vậy, nếu hỏi chuyện không khéo dễ khiến các cụ tủi thân.
Thật vậy, khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện nhà, kỷ niệm trước đây, cụ nào cũng rơm rớm nước mắt...
Cụ bà Trương Thị Bình (82 tuổi, quê ở Bến Tre) đã không giấu được xúc động, rơi nước mắt khi kể về cuộc đời của mình rồi cơ duyên đến với mái chùa này.
Cụ Bình có 3 người con, con trai cả thì mắc bệnh tâm thần, con trai út chết trong một vụ tai nạn giao thông, chỉ còn lại duy nhất người con gái giữa lên Sài Gòn làm ăn rồi lấy chồng, lập nghiệp ở xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). Năm 2003, khi thấy 2 vợ chồng cụ già yếu, không làm gì có tiền để sinh sống, người con gái năn nỉ chồng đưa cha mẹ về sống chung. Chuỗi ngày bất hạnh bắt đầu từ đây, bởi người con rể thường xuyên chửi bới, đập phá nhà cửa, hành hung vợ con và đòi tống cổ cụ ra khỏi nhà. Những lúc bị con rể xua đuổi cụ hoảng sợ chạy trốn khắp nơi.
Trong một lần “trốn chui, trốn nhủi”, cụ Bình đã được Ni sư Thích Nữ Tùng Tính dẫn về chùa nuôi. Lúc đó cụ mừng đến rơi nước mắt, không nói nên lời. Đó là thời điểm đầu năm 2006.
Cụ Bình, tâm sự: “Tui vừa được Ni sư may cho hai chiếc áo mới. Đây là những chiếc áo tươm tất tôi có sau hơn 5 năm trời lên TP.HCM”.
Dưới mái chùa Bình An còn có rất nhiều cụ có hoàn cảnh éo le như cụ Bình. Các cụ Nguyễn Thị Thậm, Lâm Thị Ênh, Lê Thị Sinh, Nguyễn Thị Huệ… đều là những người chẳng có con cháu, người thân, sống lang thang đầu đường xó chợ, được Ni sư Tùng Tính đưa về chùa phụng dưỡng.
Cụ Nguyễn Thị Thậm trong căn phòng tươm tất của mình ở chùa Bình An |
Cụ Nguyễn Thị Thậm (90 tuổi - ở chùa hơn mười năm) vui vẻ nói: “Từ lúc về đây tôi đã thực sự tìm được niềm vui của những ngày cuối đời. Vừa thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất, vừa được sống trong những căn phòng rộng rãi, tươm tất”.
“Lúc tui bệnh, các Sư cô ở đây lo cho tui như ruột thịt” - cụ Lâm Thị Ênh tâm sự. Cụ Ênh năm nay đã gần 80 tuổi, sống lang thang ở khắp các ngả đường từ Chợ Lớn cho đến Bình Tân. Năm 2004, trong một lần đói lả, cụ được một người xe ôm tốt bụng đưa về chùa Bình An xin tá túc…
Chung một tấm lòng…
Nhắc lại câu chuyện 25 năm về trước khi Ni sư Tùng Tính về ngôi chùa Bình An, nơi đây vẫn còn hoang sơ, cỏ dại mọc ùm tùm, còn chùa thì mái tranh đã mục nát, xiêu vẹo. Để khôi phục lại mái chùa, thời gian đó, Ni sư Tùng Tính cùng các đệ tử phải lao động cật lực. Từ khai phá đất trồng rau, mua bán đậu hũ đến làm bánh cam bán để tích cóp tiền xây dựng lại ngôi chánh điện.
Gần 10 năm sau, khi đã xây lại được chánh điện, các đệ tử cùng với Ni sư Tùng Tính lại thống nhất dành tiền xây hơn chục căn phòng để làm chỗ nương náu cho các cụ già neo đơn.
Ni sư Tùng Tính tâm sự: “Khi ra đường gặp những cụ già lam lũ, bán từng tờ vé số hay ngồi giữa chợ ngửa tay xin người đời bố thí miếng ăn, khiến tôi không cầm được nước mắt nên đã quyết định đưa một số cụ neo đơn, bệnh tật về chùa nuôi dưỡng”.
Nhìn ngôi chánh điện ngày càng thêm xuống cấp, mái chùa mục nát, mỗi khi mưa đến nước chảy lênh láng, một nhà thơ đã cảm thán, viết trên chánh điện chùa câu thơ: “Lá dừa chưa đủ che mưa; mà lòng thầy đã che vừa tấm thân”.
Cảnh chùa khốn khó vẫn không làm cho Ni sư Tùng Tính và các đệ tử trong chùa nản lòng, những người xuất gia nơi đây vẫn ngày đêm lăn lộn với công việc, tăng cường sản xuất bánh cam với khối lượng lớn lên đến gần cả trăm kg bột mỗi ngày; tổ chức làm bánh giò để bán, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 10 ngàn bánh... Họ cật lực không vì riêng mình.
Ni sư Thích Nữ Tùng Tính bộc bạch: “Điều ước nguyện của tôi cũng như của tất cả sư cô ở chùa Bình An là bất cứ người già nghèo khổ nào cũng được giúp đỡ, cũng có chỗ nương thân, không chỉ là một ngày, vài bữa mà là suốt quãng đời còn lại của họ…”.
Bài, ảnh: Đỗ Thông
Bình luận (0)