Mời các bạn nghe toàn bộ tác phẩm
Khu tưởng niệm trồng rất nhiều hoa vạn thọ vàng và violet tím, đan thành một dải rộng quanh tượng đài hình người phụ nữ đang cúi gập, tay phải bế đứa con nhỏ ép sát vào ngực, tay trái cố với tới đứa thứ hai đang cố nép vào mẹ...
... Bà đi đến, rất chậm với những bước chân khẽ khàng nhưng quả quyết. Bà đã 86 tuổi, tóc bạc nhưng da trắng mịn và mặt không có nhiều nếp nhăn. Mắt bà to so với những người Nhật khác và trông bà có một vẻ bình yên đầy tự tại. Thật là điều kỳ diệu để biết rằng bà là một nạn nhân đã thoát khỏi cái chết mười mươi từ quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima 64 năm trước...
***
Lúc đó tôi mười ba tuổi và đang học lớp tám. Trường tôi chỉ cách nơi quả bom được thả có 1,4 km. Thành phố Hiroshima có bảy con sông chảy ngang, phía bắc là núi, phía đông là cảng, có đền Itsukushima Jinja và căn cứ quân sự lớn. Thời điểm chiến tranh 1945 ấy, người dân Nhật Bản không có lương thực. Gạo được phát bằng sổ. Hoặc chúng tôi ăn cơm độn bắp hay bã đậu, hoặc chúng tôi ăn cháo, ngô, khoai. Mỗi năm có được một áo ngoài và một áo lót phát qua sổ. Tuổi thơ chúng tôi không có vị ngọt, đường không có, còn kẹo là một thứ hoàn toàn xa xỉ.
Người Nhật Bản không nghỉ hè. Và vì thời chiến nên trên đường phố chỉ thấy toàn hố bom và hầm hào. Học sinh ngày nào cũng tập luyện. Chúng tôi không đi xe buýt hay bất cứ loại xe nào mà toàn đi bộ. Để tới trường học, tôi phải đi bộ một tiếng đồng hồ. Là thành phố có căn cứ quân sự lớn nên hầu như ngày nào Hiroshima cũng bị ném bom, và công việc chính của học sinh là dọn đường và xây dựng.
Ngày 6 tháng 8. Lúc sáng sớm, tôi còn ở chỗ công trường xây dựng. Có báo động là sẽ có bom.
8 giờ 10 phút...
Khoảng 320 học sinh đang có mặt ở sân trường cùng với 10 giáo viên, chuẩn bị làm lễ chào cờ buổi sáng.
8 giờ 15 phút...
Tôi vào trường trễ, và chỉ kịp nhìn thấy một thứ ánh sáng mà tôi chưa từng thấy bao giờ, chói lóa lên một màu cam. Ập lên toàn thân tôi là một thứ gió mạnh kỳ lạ, hất văng tôi từ phía sau lưng. Tôi không biết bao lâu sau mình mới tỉnh lại, nhưng khi tỉnh ra, tôi thấy mình đang bị đè dưới đống đổ nát, chung quanh tối đen. Không nhìn thấy ai trong số hơn 320 người từng có mặt trước đó. Có thể họ đã bị chôn vùi dưới các bức tường đổ, hoặc đã bỏ chạy, hoặc đã bị hất văng đi…
Không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng tôi cố gắng ngồi lên và lập tức bỏ chạy khỏi trường. Thế nhưng quanh tôi không còn bất cứ nhà cửa hay cây cối nào để làm mốc khiến tôi hoàn toàn mất phương hướng. Tôi rất muốn về nhà nhưng không biết đường nơi đâu, tất cả chỉ còn là gạch vụn. Vả cả thành phố quanh tôi đang cháy rừng rực... Tôi không thể về nhà...
May sao tôi còn nhìn ra được dãy núi phía sau trường nên tôi đi về phía núi, băng qua những đống gạch vụn dưới chân. Tôi vừa đi vừa nghe bao nhiêu tiếng kêu rên chung quanh: "Cứu tôi với!", "Nóng quá!"... cùng với tiếng trẻ em khóc. Nhưng tôi chỉ nghe mà không thấy gì vì tất cả đang chìm trong khói bụi mù mịt tối đen.
Gần đến núi thì tôi bắt đầu nhìn thấy chung quanh. Những nạn nhân đầu tróc, da cháy, ruột gan rớt cả ra lòng thòng, đàn ông - đàn bà không thể phân biệt được. Những người mẹ bồng những đứa con đã cháy thành than vừa chạy vừa la khóc...
Những gì trông thấy khiến tôi bất giác nghĩ tới hình dáng mình. Sờ tay lên đầu, tôi thấy lởm chởm đầy những mảnh thủy tinh găm vào, còn sau cổ tôi thì chẳng còn da. Lưng và hai cánh tay tôi cũng chẳng còn da. Chân tôi đang mang vớ. Khi tôi lột vớ ra thì da thịt dính hết cả vào vớ. Quần tôi cũng đã cháy, da thịt tôi bị chín hết cả... Nhận ra những điều này, tôi bị sốc và ngã ra ngất xỉu luôn.
Khỉ tỉnh lại, tôi thấy lửa đang cháy về phía núi. Bụi than rơi đầy người. Vẫn còn ban ngày nhưng khói đen che hết mặt trời nên tôi cứ nghĩ trời đã tối. Rất nhiều người quanh tôi nóng quá đã nhảy xuống sông. Cái nóng hừng hực làm tôi thấy đau không chịu nổi. Tôi cũng định nhảy xuống sông nhưng rồi lại không dám. Và tôi chạy tiếp. Mọi người cũng chạy như tôi.
Tôi chạy, hai tay đưa ra phía trước giữ cho da không tiếp tục rớt hết xuống và để lấy thăng bằng, không bị té ngã ra sau. Tôi chạy lên núi... Trên núi có những đường hào có thể trốn tránh.
Những người chạy quanh tôi nhìn không còn ra hình dáng con người. Nhiều người ngũ tạng rớt hết cả ra ngoài, họ vừa lấy tay nhét vào vừa chạy tiếp. Có người thấy cả tim phòi ra, đang đập phập phồng… Tiếng kêu khóc dậy lên quanh tôi. Tôi cứ tưởng mình đang trong một cơn ác mộng nhưng khi nhìn thấy quanh mình nhiều người đến thế thì tôi hiểu ra đó là sự thật.
Tôi vừa chạy vừa đưa mắt cố tìm các bạn nhưng không thấy một ai. Cuối cùng quá đuối sức và đau đớn, tôi tìm chỗ, ngồi lại trên núi.
Chẳng biết bao lâu nữa thì quân đội đến. Chỉ những người bị thương nặng nhất mới được chăm sóc y tế.
Chúng tôi được chở đến một vùng ngoại vi thành phố, nơi có một trường tiểu học đã được trưng dụng. Chỉ đến lúc đó tôi mới gặp lại được năm bạn học và một giáo viên. Mặt mũi các bạn bị biến dạng đến mức không thể nhận ra. Họ bị cháy hết cả vú và quần áo, vì bị hơi bom ập vào từ phía trước. Tất cả thầy trò trường tôi đều đã thành nạn nhân.
Quá đông người bị thương nặng nên không ai đến khám các vết thương cho những người bị nhẹ hơn. Quân đội kêu gọi dân đến hỗ trợ chăm sóc nạn nhân nhưng vẫn không thể có đủ người để đáp ứng.
Người nằm kế tôi ban đầu kêu gào rất ghê nhưng dần dà không nghe tiếng kêu nữa. Thì ra người ấy đã chết. Những người chết được mang ra sân trường xếp chồng lên nhau thành cả một núi xác.
Chiều đó tôi được điều trị. Da thịt cháy bị cắt vứt hết đi. Tôi không còn áo xống, vừa sốt vừa lạnh, đau run cả người.
Sang ngày thứ hai, bốn người bạn tôi đều chết cả. Tôi nghĩ mình cũng sắp chết rồi, nước mắt không lúc nào ngưng rơi suốt hai ngày sau đó.
Tất cả chúng tôi chẳng có gì để ăn. Mùi da người cháy khét, mùi máu tanh, mùi vết thương tấy lên và mùi xác chết chất đầy sân trường hợp lại thành một mùi hôi thối khủng khiếp, thu hút bao nhiêu ruồi nhặng kéo đến. Ruồi bâu đen các vết thương nhưng không ai còn sức để xua chúng. Và ruồi đẻ tràn vào các vết thương, dòi nở ra lúc nhúc, che kín hết cả vết thương.
Đau không thể tả được. Người ta cứ chết dần đi và phòng rộng dần ra khi những xác chết bị mang đi.
Rồi cũng có người đến lo cho tôi.
Một người đàn ông đến gỡ dòi trong các vết thương của tôi, rồi sát trùng vết thương bằng rượu. Người ta yêu cầu tôi cho địa chỉ nhà nhưng cũng cho biết không thể vào thành phố được vì đã cháy rụi hết. Tôi đau lắm nhưng vẫn không ngớt lo cho gia đình, chẳng biết bố mẹ và các em đã ra sao, nhưng tôi chỉ biết cầu nguyện chứ không thể làm gì khác.
Hôm sau người đàn ông lại đến, hỏi tôi có còn họ hàng nào ở nơi khác không. Tôi có một người bác ở phía bắc, rất xa, nên nghĩ rất khó để họ tìm đến chỗ bác. Thế nhưng không ngờ người đàn ông ấy đã đi bộ đến tận nhà bác tôi để báo tin và bác đã đến đón tôi.
Nhà bác tôi cũng chẳng có thuốc men gì ngoài bông băng. Vợ bác đã lấy một thứ quả cây vắt lấy nước, bôi lên những vết thương, rồi xé vải giường để băng bó cho tôi.
Tôi vừa đau vừa lo cho bố mẹ và các em suốt thời gian ấy. Rồi một hôm, họ đến đưa cho tôi một cái hộp, trong đó "có xương của mẹ con và đứa em trai ba tuổi".
Còn đứa em trai năm tuổi của tôi hôm đó đi chơi không có nhà và chẳng rõ đã như thế nào. Có thể em tôi đã chết nhưng không tìm được xác. Bố tôi đang đi khắp các trại để tìm em tôi.
Vào tháng 9, không tìm ra em tôi, bố tôi trở lại, gặp con gái. Tôi đã rụng hết tóc và hư hết móng tay, khắp người đầy những vết sẹo bỏng do da cháy làm thịt lộ hết cả ra. Bố đón tôi, rồi hai bố con ra ngoài che một túp lều để ở.
Đến tháng 11, hai bố con về lại Hiroshima. Ập vào mắt tôi là cả một thành phố đổ nát như bình địa chẳng còn gì. Bố con tôi tự hỏi từ nay rồi sẽ sống ra sao, sẽ ăn cái gì để sống.
Và rồi hai bố con tôi đã ăn cỏ cho qua cơn đói mỗi ngày, vì chung quanh chẳng còn gì, chỉ còn sót được có một ít cỏ...
***
Tôi cố gắng kiềm nước mắt. Tôi không cho phép mình khóc. Vì khi khóc, tôi sẽ mất hết sức lực và không thể lắng nghe, không thể ghi chép được.
Cụ bà người Nhật này, một nạn nhân của bom nguyên tử đang sống lại cuộc chiến tranh của bà, của dân tộc bà. Bà đang kể lại một hồi ức khủng khiếp về cuộc chiến tranh 64 năm trước, cho một người Việt Nam là tôi, cũng vừa ra khỏi cuộc chiến tranh của mình, của dân tộc mình được 34 năm. Cuộc chiến tranh của bà đang hiện ra đồng thời với cuộc chiến tranh của tôi, trong từng tế bào ghi nhớ...
Chiến tranh đã thực sự ập vào tâm trí đứa bé gái thành thị là tôi khi vào một ngày trên đường đi học, tôi trông thấy một chiếc trực thăng quân sự đang đáp xuống cái sân đất của bệnh viện mới xây, và giữa bụi cát đang dậy lên mù mịt, rất nhiều nhân viên y tế trong áo bờ-lu trắng nháo nhào túa ra để rồi hối hả cáng vào vô số những thân hình đẫm máu trần truồng, cả người lớn lẫn trẻ em. Họ đều là nạn nhân vừa được bốc ra từ những vùng nông thôn chiến trận.
Như bị ám, kể từ đó tôi không thể dứt ra khỏi sức hút kỳ dị từ cái bệnh viện kinh hoàng đó. Sau khi tan học, cứ vài ngày tôi lại ghé vào bệnh viện, đi dọc dãy hành lang dài, nhìn vào các phòng bệnh: vô số những người bị cắt cụt tay chân, múc mắt, mổ bụng... nằm sắp lớp trên giường, chân tay bị treo lên, đầu cạo trọc, mặt mũi thân hình bị băng kín... Giường nối tiếp giường, phòng nối tiếp phòng, thương tích máu me kề bên thương tích máu me... Chiến tranh đã giày xéo tâm hồn tôi như thế, từ rất sớm.
Không thể nhớ hết tên các bạn tôi phải bỏ học nửa chừng, sau khi quấn lên đầu những vành khăn sô trắng để tang cho cha anh tử trận. Và trong sân trường trung học, ngày ngày tiếng loa kêu gọi nam sinh đi khai Lược giải cá nhân, thứ giấy tờ xác định độ tuổi có thể gọi đi lính, nghe như tiếng đòi nợ của máu xương. Trong khu xóm nhà tôi, những sĩ quan trẻ gốc Nam Bộ bị đổi ra Vùng I chiến thuật địa đầu ác liệt, thường xuyên chìm trong những cơn khóc lóc say mèm tuyệt vọng: nhiều bạn học hoặc bạn cùng khóa huấn luyện, cùng đơn vị với họ đã tử trận ngay từ những cuộc chạm súng đầu tiên của đời lính...
Thành phố Đà Nẵng của tôi là một căn cứ liên hợp quân sự hải lục không quân lớn của cả miền Trung. Mỗi ngày, không biết bao nhiêu lần tiếng máy bay phản lực gầm rú phóng đi ném bom các nơi. Đường sá lở lói tan hoang vì bị xe bọc thép và xe nhà binh nghiến nát. Cây cối chết trụi vì chất khai quang. Đường nào cũng đầy lính, đầy quân phục, cả Mỹ, Việt, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân... PX Mỹ, snack bar, dancing, night club, baber shop, hotel, house for rent, me Mỹ, sở Mỹ, rác Mỹ, con lai Mỹ...
Chiến tranh vây bủa úp chụp lên chúng tôi bốn phương tám hướng.
***
Sau khi Nhật Bản đầu hàng, đời sống tưởng sẽ khá lên nhưng lại tệ hơn cả thời chiến. Bố tôi bị nhiễm phóng xạ nặng không thể đi dạy lại. Còn tôi một năm sau mới trở lại trường, tiền học do bác tôi tài trợ.
Tôi gặp lại một số bạn nhưng không nhận ra được vì họ đã bị thương, biến dạng hết mặt mũi. Trong những người may mắn sống sót không ai còn toàn vẹn. Còn tôi, lâu lâu lại phát ra một chứng bệnh lạ chẳng rõ bệnh gì, khiến tôi phải nghỉ học thường xuyên.
Người Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu về ảnh hưởng của chất phóng xạ để tìm hướng điều trị cho các bệnh nhân của bom nguyên tử. Tôi thuộc diện phải được điều trị nhưng vì nhà không có tiền nên tôi không nhận bất kỳ sự điều trị nào. Vậy mà, chẳng rõ nhờ đâu, bệnh cũng dần dần đỡ.
Trường cũ đã cháy hết nên học sinh cũng chẳng học gì nhiều. Sau giờ học, tôi đi lượm sắt vụn đem bán để có tiền mua rau. Bố tôi bệnh ngày càng nặng, ngày nào bố cũng bảo mong chết đi cho xong, cho con gái khỏi phải nuôi ăn nuôi bệnh.
Vào một buổi sáng khi thức dậy, tôi thấy bố đã tự tử. Đó là hai năm sau ngày chúng tôi bị bom nguyên tử.
Nhưng bố tôi không phải người duy nhất tự sát. Rất nhiều người đã tự sát vì không còn hy vọng được chữa khỏi các căn bệnh hiểm nghèo, trong khi tình cảnh đang hết sức khó khăn.
Ba năm sau, tôi tốt nghiệp trung học, và bắt đầu đi tìm việc. Tay phải tôi không thể cử động được, chỉ còn có tay trái. Và những vết thương chưa lành đầy khắp người khiến tôi luôn phải mặc áo dài tay để che kín. Bác tôi gọi tôi về sống ở nhà bác nhưng tôi từ chối, tiếp tục ở trong túp lều của hai bố con như cũ.
Bảy năm sau tôi mới có được việc làm trong một tiệm bánh, nhưng cũng chỉ làm việc được có nửa năm. Vì một hôm tôi bỗng khạc ra toàn máu. Có lẽ thân thể yếu đuối luôn bị đè nén của tôi đã bị hạ gục bởi những vết thương lòng.
Mất máu quá nhiều do căn bệnh mới, tôi phải tiếp máu của nhiều người khác nhau, và vì thế, lại sinh ra những bệnh khác. Tôi luôn nghĩ mình chắc chắn sẽ chết, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn không chết mà cuối cùng lại được chữa khỏi bệnh.
Khi tôi bắt đầu khỏe lại thì cũng là lúc bác tôi chết vì bệnh. Vậy là tôi hoàn toàn không còn thân thích. Tôi chỉ còn trơ trọi một mình, bị trầm cảm nặng nên tự nhốt mình trong nhà, không ra ngoài, không giao tiếp với ai, không cả ăn uống.
Một người bạn thân thấy tình cảnh tôi như vậy đã thường xuyên đến thăm hỏi, rồi cố ép đi chơi, buộc tôi phải tiếp xúc với cuộc sống chung quanh. Nhờ đó, tôi cũng dần dà khuây khỏa.
Nhưng cuộc sống vẫn quá khó khăn đối với tôi: một cô gái không gia đình, đủ thứ bệnh hoạn, và hết sức nghèo khổ... Kèm với nỗi khổ đó, tôi còn một nỗi đau không ngớt đeo đẳng suốt bao nhiêu năm: tôi vẫn luôn hy vọng em trai năm tuổi của tôi một ngày nào đó sẽ trở về. Tôi vẫn hy vọng rằng, có thể em tôi bị lạc gia đình nhưng thoát chết, được ai đó cứu giúp và sẽ trở về tìm tôi. Tôi cũng hy vọng các bạn tôi còn sống sót cũng sẽ trở về...
Suốt hơn năm mươi năm, ngày nào tôi cũng nuôi hy vọng đó. Có lẽ chính nhờ nó mà tôi còn có lý do để sống tiếp...
***
Sau mùa hè đỏ lửa Quảng Trị, giảng đường đại học không còn là nơi trốn lính hợp pháp cho thanh niên miền Nam. Lệnh tổng động viên đã được ban hành và nỗi lo phải vào quân trường lớn đến nỗi mỗi mùa thi, danh sách nam sinh viên bị bệnh phổi được niêm yết đầy các bảng thông báo. Học để trốn lính, học để khỏi phải ra trận và chết. Và bệnh phổi dù sao cũng là một cách để khước từ cầm súng.
Buổi chiều, từ phòng thí nghiệm ra, tôi nhìn thấy những bức hình không thể nào quên ấy, trên bảng tin của sinh viên tranh đấu. Tràn ngập thây người. Người chết chồng chất lên nhau, sắp lớp trên các đường làng, dưới những hầm hào, trong nhà, ngoài vườn... Người già, người trẻ, cả con nít còn bú mẹ...
Vụ thảm sát Mỹ Lai đã trở thành một lời thề tự nguyện, thúc giục cả thế hệ chúng tôi: phải làm gì đó, làm mọi cách để dừng cuộc chiến tranh này lại, nếu không muốn dân tộc diệt vong.
Mà không chỉ Mỹ Lai. Giữa những giờ học ở giảng đường, tiếng thầy giảng vẫn bị tiếng bom thả xuống vùng ven Sài Gòn cắt ngang, làm đau nhức trái tim chúng tôi, một thế hệ không thể chọn cửa để sinh ra.
Và còn nữa... Còn những tiếng nổ giữa lòng thành phố: những khách sạn, nhà hàng, quán xá bị gài bom, những kho xăng dầu bị đốt, lửa cháy rừng rực hàng ngày trời... Những bộ phim tài liệu chiếu trước phim chính ở rạp
xi-nê: toàn là cảnh chiến chinh với vô số người chết, Nam và Bắc, già và trẻ, lính và thường dân... Cả một dân tộc đang chảy máu...
***
Có lẽ vì bom ập đến từ phía sau lưng, nên mặt mũi tôi không bị biến dạng. Nhưng khắp người tôi là các vết sẹo, khiến tôi không bao giờ mặc được áo tắm. Và ngay trong mùa nóng tôi vẫn phải mặc áo tay dài.
Có lẽ nhờ tôi đã bỏ chạy lên núi xa, nơi ít phóng xạ hơn, nên tôi còn sống, trong khi bố tôi lặn lội khắp thành phố để tìm em tôi và vì thế đã không qua khỏi...
... Tôi đã gặp và lập gia đình với nhà tôi, cũng là một nạn nhân của bom nguyên tử. Chúng tôi có được hai con gái. Đứa đầu bị bệnh thiếu máu. Đứa thứ hai bị ung thư phải cắt bỏ buồng trứng. Và cả hai đều không thể có con nên tôi cũng không có cháu. Cả gia đình tôi vẫn tiếp tục được khám nghiệm: tôi bị các chứng viêm gan C, đau họng, mắt yếu, và xương xốp, rất dễ gãy...
Dù sao, chúng tôi vẫn là những người may mắn. Cư dân Hiroshima ngày đó, hai phần ba bị chết ngay tại chỗ, một phần ba còn lại cũng chết dần vì bệnh sau đó.
Vì không có cháu, tôi luôn cố gắng tìm cách tiếp xúc với những người trẻ. Tôi có bổn phận phải kể cho họ nghe mọi chuyện: Bom không chỉ giết con người mà còn hủy hoại cả thiên nhiên, môi trường. Dù với bất cứ lý do gì, con người cũng không được dùng vũ khí hạt nhân.
Tại sao con người có đầu óc nhưng lại nghĩ đến chuyện làm chiến tranh? Khi thế hệ chúng tôi mất hết rồi thì trái đất sẽ ra sao? Tôi rất sợ mỗi khi nghĩ đến điều đó.
Con người hãy cố gắng sống hòa thuận cùng nhau, góp phần gìn giữ một thế giới hòa bình... Mong thế hệ trẻ hãy cố gắng xây dựng một thế giới hòa bình. Tôi mong điều đó mỗi ngày...
... Sống lâu thì cũng mừng nhưng trong tôi luôn có một nỗi lo ngay ngáy: chẳng biết hôm nay rồi sẽ có xảy ra việc gì không??!! Mỗi buổi sáng không có gì xảy ra, đối với tôi là một kỳ tích...
Bởi trong tôi luôn có cơn ác mộng vẫn kéo dài cho đến tận hôm nay: Cứ hễ đẹp trời là tôi thấy bất an.
Bởi tôi vẫn không thể nào quên buổi sáng đó, buổi sáng ngày 6 tháng 8, một buổi sáng rất đẹp trời.
Phải là một buổi sáng đẹp trời để máy bay có thể hoạt động tốt, quan sát rõ và thả bom chính xác...
***
Khi phải nói lời chia tay với bà Matsumoto Tomiko, nước mắt tôi đã trào ra không cách gì ngăn được. Thật khó hy vọng sẽ còn gặp lại bà. Bà đã 86 tuổi, cùng với bao bệnh tật trong người. Bà, chứng nhân của một cuộc chiến tranh mà về sau cả nhân loại đã phải hối tiếc.
Mấy tuần trước cuộc gặp của tôi và bà, một đoàn du khách Nhật là nạn nhân bom nguyên tử đã ghé đến thành phố Đà Nẵng của tôi, gặp gỡ những thanh thiếu niên là nạn nhân của chất độc da cam. Họ đã ôm lấy những trẻ em Việt Nam và khóc rất nhiều, có lẽ họ khóc cho cả hai thế hệ, hai dân tộc và hai cuộc chiến tranh...
Nhưng dẫu sao, đối với người Nhật Bản, chiến tranh cũng đã thuộc về quá khứ. Cho dù Nhật Bản phải ký hiệp ước đầu hàng sau hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, thì chỉ sau ba mươi năm, kể từ thập niên 1970, kinh tế Nhật Bản đã ở vào thời hoàng kim.
Nhưng người Nhật vẫn không bao giờ quên bài học chiến tranh. Họ luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về những thất bại của dân tộc mình. Trong chương trình phổ thông, bắt buộc tất cả học sinh đều phải đến một số địa điểm tiêu biểu cho văn hóa - lịch sử Nhật, trong đó có Hiroshima.
Trong Bảo tàng Hiroshima, người ta có thể thấy được toàn cảnh một cuộc ném bom nguyên tử... Chiếc đồng hồ lớn dừng lại ở 8 giờ 15 phút sáng. Mái vòm Genbaku (phần khung sắt còn lại của Sảnh đường Xúc tiến Công nghiệp, biểu tượng cho sự tàn phá), những bức ảnh lớn chiếm trọn các bức tường, những sa bàn chi tiết mô tả thành phố, những hiện vật (quần áo cháy - rách tan tành của nạn nhân, đồ dùng vỡ vụn, tượng Phật sứt sẹo...), cảnh các nạn nhân tơi tả thân thể tràn ngập khắp các ngả đường...
Tất cả khách tham quan già trẻ đều cúi đầu, nặng trĩu những trầm tư... Học sinh tản khắp các phòng, chú mục quan sát và ghi chép. Rồi có tiếng hét kinh hãi vang lên: vài học sinh quá khiếp sợ trước gian phòng tái hiện ánh sáng cam ma quái của bom nguyên tử và những nạn nhân với bề ngoài khủng khiếp đang quờ quạng bước đi trong thứ ánh sáng rùng rợn đó...
Nước Nhật đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, nhưng họ luôn nhắc đi nhắc lại cho thế hệ trẻ của Nhật và của cả thế giới một điều: Hãy tránh xa chiến tranh, giữ lấy hòa bình. Hiến pháp của Nhật hiện thời là một hiến pháp không chiến tranh...
... Còn tôi, một người Việt Nam, qua tất cả những gì tai nghe mắt thấy, càng nhớ một cách đinh ninh về cuộc chiến của dân tộc mình. Sau hòa bình 1975, tôi đã đi khắp đất nước mình và nhận ra, hòa bình không chỉ đem đến niềm vui. Một vết thương vô hình vẫn đang nấu nung trong lòng mỗi người Việt. Quá khứ nhiều đau thương còn tương lai thì đầy gian khó.
34 năm rồi và mọi chuyện vẫn đang rất ngổn ngang.
Để có thể tỏa bóng, một cái cây cần đến nhiều chục năm, thậm chí nhiều trăm năm. Nhưng để chặt cây đi, chỉ cần có mấy phút.
Cuộc chiến tự bảo vệ mình và đi tới trong thế kỷ 21 không hề là chuyện dễ dàng đơn giản cho cả dân tộc Việt Nam.
Những buổi sáng đẹp trời dễ khiến người ta hớn hở. Nhưng có những buổi sáng đẹp trời đã đem tới những tai ương ghê gớm chẳng thể nào hình dung nổi...
Bút ký của Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)