Trước đó, tại cảng Sài Gòn, Tân Hồng Travel đón cùng lúc 2 du thuyền Silver Whisper và Seabourn Spirit với 700 du khách. “Mùa du lịch biển đang vào cao điểm”, ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Hồng Travel nói.
Tất bật mùa cao điểm
Tháng 3 tới, Tân Hồng Travel sẽ đón 12 du thuyền với 16.500 khách, mỗi tàu lưu lại Việt Nam 1 - 3 ngày, tính ra ngày nào công ty này cũng có khách. Đã vậy, không phải mỗi ngày 1 tàu mà có ngày đón đến 2 - 3 tàu. Ví dụ 13.3, đón 2 tàu Queen Victoria và Seven Seas Voyager 2.700 khách tại Nha Trang và Chân Mây. Ngày 17.3 đón 2 tàu Arcadia, Tahitian Princess 2.700 khách tại Phú Mỹ và Sài Gòn. Ngày 18.3 đón 3 tàu Balmoral, Diamond Princess, Seabourn Spirit 4.300 khách tại Sài Gòn, Nha Trang và Cái Lân. Từ tháng 4 đến tháng 7, Tân Hồng Travel đón tiếp 10.500 khách, trong đó, riêng tháng 4 có 8 du thuyền với 8.150 khách.
Cạnh những hãng tàu quen thuộc, năm nay Việt Nam cũng đón du thuyền Prime Rose ghé thăm. Đây là tàu biển quốc tế có hành trình dài ngày qua nhiều nước trên thế giới và lần đầu tiên ghé thăm TP Hạ Long và vịnh Hạ Long. Trên 300 du khách đã rất thích thú khi thăm vịnh Hạ Long và các điểm vui chơi khác như Công viên Quốc tế Hoàng Gia, Chợ phiên Bãi Cháy, thành phố Hạ Long... Họ hy vọng sẽ có dịp quay lại thăm nhiều nơi khác ở Việt Nam”.
Vịnh Hạ Long, điểm đến của du khách năm châu - Ảnh: Đ.N.K |
Làm gì để giữ chân du khách biển?
Với du khách châu u và châu Mỹ, mùa du lịch biển đến châu Á thường bắt đầu từ tháng 9 và sẽ kéo dài đến hết tháng 4 năm sau. Riêng từ tháng 5 đến tháng 8 do bão biển vùng tây bắc Thái Bình Dương nên thường thấp điểm. Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Tuấn, năm nay từ tháng 5 đến tháng 7, Tân Hồng Travel vẫn có khách lai rai. “Vấn đề là làm sao du khách lưu lại lâu hơn. Hiện chỉ mới có Sài Gòn, Hạ Long níu được chân du khách biển qua đêm. Các nơi khác như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang... tàu chỉ đến rồi đi trong ngày. Thật tiếc”, ông Tuấn nói.
Có nhiều lý do để tiếc. Đó là các du thuyền trên 700 khách khi đến Chân Mây (Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng) thì bị động về dịch vụ đi bờ, trong đó “xe thiếu, hướng dẫn viên yếu” là điệp khúc thường khi. Chưa kể tình trạng du khách bị đeo bám, làm phiền... như hạt sạn cộm lên trong mắt mọi người. Mới đây, TP Đà Nẵng thành lập một số quầy thông tin du lịch, xây dựng các nhóm thiện nguyện viên hỗ trợ du khách cũng như khai trương 2 phòng trưng bày Mỹ Sơn và Đồng Dương ở Bảo tàng Chăm là những nỗ lực lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, khi phố đi bộ Bạch Đằng - Lê Văn Duyệt đi vào hoạt động từ tháng 6.2009 và quy hoạch xong bến tàu du lịch đầu tiên của Việt Nam tại cảng sông Hàn thì những thành phố ở miền Trung như Đà Nẵng mới mong giữ được chân du khách.
Điều khác, du thuyền quốc tế thường có từ vài trăm đến vài ngàn khách đa quốc tịch, đa ngôn ngữ, đa sở thích. Cùng một lúc huy động cho đủ lực lượng hướng dẫn viên là bất khả. Do thiếu hướng dẫn viên, có khi khách cứ cầm tấm bản đồ, vừa đi vừa ngơ ngác nhìn như... nhà thơ thứ thiệt. Hơn một lần, tôi chứng kiến cảnh phiên dịch “bắc cầu” cho nhóm du khách Thái Lan khi họ hỏi chuyện. Người khách hỏi bằng tiếng Thái, một người Thái khác dịch sang tiếng Anh, bác tài dịch sang tiếng Việt.
Theo ông Lê Đình Tuấn, phần lớn khách du lịch tàu biển là người lớn tuổi và giàu có muốn “chu du thế giới một chuyến cuối đời” nên yếu tố an toàn trong chuyến đi luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là khách Nhật. Chỉ vài người nhưng họ yêu cầu thuê xe 14 chỗ. Vào khách sạn họ xem ngay có nước nóng hay không. Do vậy, không chỉ giỏi ngoại ngữ, rành nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn viên còn phải am hiểu về từng đối tượng du khách. Mặt khác, theo giới làm tour, “du khách đường biển rất chịu chi khi đi bờ” nhưng đến đâu hàng kỷ niệm cũng na ná nhau hoặc toàn hàng Trung Quốc nên nhiều khi họ phải mang tiền trở lại tàu, sang nước khác.
Tại các cảng Cái Lân, Hải Phòng, Chân Mây, Tiên Sa, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Sài Gòn... hai công ty Saigontourist và Tân Hồng Travel đều có đại diện của mình. Họ chiếm lĩnh phần lớn thị phần du lịch tàu biển. Năm 2008, Saigontourist đón khoảng 120.000 du khách và Tân Hồng Travel đón khoảng 30.000 khách, chiếm 150.000/ 157.000 tổng số lượt khách quốc tế đến bằng đường biển. Năm nay, tình hình tương tự dù khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Việt Nam thanh bình, thân thiện, an ninh, an toàn. Chúng tôi thật sự relax (thư giãn) khi đặt chân lên mặt đất”, không ít du khách bày tỏ với chúng tôi.
Các du thuyền thường cập nhiều cảng ở Việt Nam hơn các quốc gia trong vùng, trước khi họ bay hoặc theo tàu sang nước khác do nước ta nằm trên trục hải trình châu Á của nhiều hãng du thuyền. Ông Lê Đình Tuấn từng đề nghị một slogan du lịch mới: “Việt Nam! Cửa ngõ Đông Dương”. Đường không thì được nhưng đường biển thì... “Chúng ta đang thiếu cảng trung chuyển để nhận và trả khách. Lúc đó, mới có các khoản thu to lớn từ các dịch vụ đi bờ. Nhỏ như buồng điện thoại, quầy bưu điện được đặt trên bến cảng thôi, chúng ta sẽ thu biết bao nhiêu tiền khi họ gọi điện và gửi bưu cạc lưu niệm về nhà. Lớn như có khoảng 2.000 khách và 1.000 thuyền viên trung chuyển thì phải cần đến mấy ngàn trái dừa, chục ngàn suất ăn”, ông Tuấn nói.
Được biết, từ năm nay hãng tàu Delphin Voyager đã chọn TP.HCM là điểm chuyển đổi khách, nhưng do chưa có bến cảng du lịch nên không biết về lâu dài họ có thay đổi quyết định lịch sử này như hãng Star Cruises không?
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)