“Trong dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh dân số (PLDS) sửa đổi điều 10 của PLDS không có quy định xử phạt người dân sinh con thứ ba.
* Nhưng như ông thấy, số trẻ sinh ra là con thứ ba đã tăng vì không áp dụng các chế tài xử phạt với cặp vợ chồng vi phạm?
- Đúng là những năm 2003-2004 trở lại đây, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên tăng liên tục. Trong năm 2008, số trẻ là con thứ 3 tiếp tục tăng hơn so với năm 2007 khoảng 10%. Việc gia tăng này do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân cơ bản là người dân hiểu sai về điều 10 PLDS ban hành năm 2003: “Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con”. Chính vì vậy, cuối năm 2008 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của PLDS số 06/2003. Theo điều 10 sửa đổi: “mỗi cặp vợ chồng sinh 1-2 con”. Việc sửa đổi điều 10 nêu trên chính là nhằm thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện gia đình 1-2 con.
Hiện tại, chủ trương của Đảng và Nhà nước là kiên trì tuyên truyền vận động giáo dục để người dân tự nguyện tự giác chấp hành. Riêng với đảng viên, công chức sẽ phải chịu hình thức xử phạt, vì chính họ là những đối tượng cần phải gương mẫu trong vận động quần chúng nhân dân thực hiện chính sách DS và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
* Cụ thể, đảng viên, công chức sẽ chịu hình thức kỷ luật nào?
- Nếu là đảng viên, phải thực hiện theo quy định 94 và hướng dẫn 11 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng: đảng viên sinh con thứ 3 bị cảnh cáo; sinh con thứ 4 bị khai trừ. Đảng viên là lãnh đạo sinh con thứ 3 sẽ cách chức, không xem xét bổ nhiệm đề bạt vào chức vụ lãnh đạo. Theo Luật Công chức: sinh con thứ 3 sẽ không đề bạt bổ nhiệm; không bình xét các danh hiệu. Bộ Y tế đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt công chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ với các điều khoản chi tiết hơn nữa.
* Thưa ông, phụ nữ không kết hôn vẫn muốn sinh con đang là thực tế, vậy, có quy định về số con với trường hợp như vậy?
- Phụ nữ có quyền làm mẹ nên có quyền có một con để đảm bảo điều kiện nuôi dạy và bình đẳng với các cặp vợ chồng là mỗi người nuôi bình quân một con. Nhưng sinh lần thứ nhất mà sinh đôi hoặc hơn thì không vi phạm chính sách DS và KHHGĐ.
* Theo dự thảo nghị định: nếu đã có hai con nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận sẽ được phép sinh con thứ ba. Vậy đơn vị nào đủ điều kiện xác nhận?
- Bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên có trách nhiệm xác nhận mức độ dị tật do tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà không có khả năng tự sinh hoạt và nuôi sống bản thân trong hiện tại và tương lai của những đứa contheo yêu cầu của cặp vợ chồng muốn sinh thêm con. Bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên ngoài việc có trách nhiệm xác nhận tình trạng này còn có trách nhiệm tư vấn và kiểm tra sức khỏe di truyền cho các cặp vợ chồng bị bệnh di truyền trước khi quyết định sinh con.
Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động DS và KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản: - Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con (Theo điều 10 sửa đổi của Pháp lệnh dân số, có hiệu lực thi hành từ 1.2.2009) |
Liên Châu
(thực hiện)
Bình luận (0)