Tôn vinh những nhà văn - liệt sĩ - anh hùng

05/03/2009 22:40 GMT+7

Hôm nay, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra một cuộc hội thảo đặc biệt do Hội Nhà văn VN phối hợp với tạp chí Văn Hiến và Đài PT-TH Hà Nội tổ chức, cuộc hội thảo kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (8.3.1969 - 8.3.2009).

Thôi em nằm lại/Với đất lành Duy Xuyên” (thơ Bùi Minh Quốc), khi ấy, chị Quý vừa tròn 28 tuổi. Đó cũng là tuổi mà nữ bác sĩ - liệt sĩ - anh hùng Đặng Thùy Trâm vĩnh biệt cõi đời này. Chỉ khác, khi hy sinh, chị Trâm chưa lập gia đình, còn chị Quý đã có đứa con gái chưa đầy 5 tuổi.

Giữa những thế hệ nhà văn Việt Nam lên đường vào chiến trường chống Mỹ thì trường hợp đi chiến trường của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý thật đặc biệt. Chồng chị - nhà thơ Bùi Minh Quốc đã vào chiến trường khi chị vừa sinh con, và chị Quý lên đường vào chiến trường khu Năm khi con chưa đầy 2 tuổi, phải gửi nhờ bà ngoại nuôi giúp.

Khi người mẹ trẻ rứt ruột gửi con thơ ở lại hậu phương để tình nguyện đi chiến trường, thì sự hy sinh ấy quả là khó tưởng tượng! Nhưng cách sống, khát vọng văn học và sự xả thân vì lý tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” của thế hệ chị Dương Thị Xuân Quý ngày ấy là như vậy!

Khi chúng ta ngồi lại với nhau để tưởng nhớ 40 năm ngày chị Quý hy sinh, trùng với ngày Phụ nữ quốc tế 8.3, thì lòng biết ơn của chúng ta không chỉ dành riêng cho chị, mà dành cho tất cả những nhà văn liệt sĩ đã ngã xuống sau ba cuộc chiến tranh: chiến tranh chống Pháp, chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới.

Đã có những Trần Mai Ninh, Trần Đăng, Nam Cao, Thâm Tâm, Bùi Nguyên Khiết... Có lẽ chỉ trừ Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vệ quốc chống phát xít Đức, thì không ở đâu trên thế giới này lại có nhiều nhà văn hy sinh trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như ở Việt Nam. Khi nhà văn Nguyễn Thi vung súng ngắn hô lên: “Những ai còn sống, theo tôi!”, và lao thẳng vào trận chiến sinh tử cuối cùng năm Mậu Thân 1968 ngay trên đường phố Sài Gòn, thì nhà văn Việt Nam có thể tự hào: trong giới nhà văn của mình đã xuất hiện những anh hùng đích thực.

Là nhà văn cho hết trách nhiệm hết tài năng của mình đã là một đóng góp cho đời rồi. Nhưng là nhà văn lại là chiến sĩ và cuối cùng hy sinh như một anh hùng, như nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Dương Thị Xuân Quý... thì những đóng góp hữu hình và vô hình của họ cho đất nước cho xã hội là vô giá! Vì vậy, cuộc hội thảo kỷ niệm 40 năm ngày nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh còn là dịp để Hội Nhà văn kiến nghị với Nhà nước xét truy phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho những nhà văn - liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh qua ba cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng.

Họ đã sống như những chiến sĩ, đã làm việc và cống hiến như những nhà văn, và đã hy sinh như những anh hùng. Sự tôn vinh của người đang sống hôm nay đối với họ không chỉ đơn thuần là sự vinh danh. Nó còn là sự nhắc nhở, nhắc nhớ cho chính những người đang sống trong hòa bình, đúng như nhan đề của một tiểu thuyết chiến tranh Xô viết: “Hãy sống, và nhớ lấy!”.

Thanh Thảo

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.