Cách đây 100 năm, nhà nghiên cứu gien Clarence Cook Little (1888 - 1971), từng tốt nghiệp Đại học Harvad (Mỹ), bắt đầu tìm kiếm, thu thập những con chuột có lông dài, mềm mại và đẹp nhất giành cho nghiên cứu khoa học. Ông là người đầu tiên cho phối giống những loài chuột khỏe mạnh, có đặc điểm gien giống nhau. C. C. Little đi vào lịch sử với tên gọi "người chuột" (Mouse Man) khi vào năm 1929 ông thành lập "nhà máy chuột" - Jackson Laboratory, tại Đại học Maine. Hiện hằng năm Jackson Laboratory cung cấp cho các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới 10% trong tổng số 25 triệu con chuột để làm thí nghiệm.
Chuột có những tố chất đặc biệt để phục vụ thí nghiệm. Các nhà khoa học nói rằng, nếu như con người là chuột thì lâu nay họ sẽ không bị bệnh tật, ốm đau, kể cả bệnh ung thư và có khả năng sống thọ tới 300 năm. Và trên phương diện tình cảm vợ chồng sẽ không có chuyện... ly dị.
Nhà nghiên cứu gien Clarence Cook Little |
Chuột được các nhà khoa học cấy tế bào thần kinh của người, tạo nên những phẩm chất đặc biệt để không sợ bất cứ điều gì, kể cả mèo. Người ta cũng tạo ra giống chuột mới, có khả năng chống chọi với những căn bệnh tâm lý như tâm thần phân liệt. Giải Nobel hóa học 2008 được trao tặng cho nghiên cứu về protein phát huỳnh quang xanh lục, có thể tạo ra con chuột màu xanh phát sáng trong bóng tối. Trong một số phòng thí nghiệm còn có các cặp vợ chồng chuột suốt đời gắn bó bên nhau, nhờ chúng được cấy gien "chung thủy"...
Công bằng mà nói, nếu như không có chuột, thì rất nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực y - sinh học sẽ thất nghiệp. Và loài người sẽ còn phải đối mặt với nhiều căn bệnh tưởng như bình thường mà không chữa trị được. Về phương diện y học, chuột hoàn toàn xứng đáng được dựng tượng đài vì đã hy sinh thân mình phục vụ cho những mục đích cao cả của khoa học.
Vào cuối năm 2007, tại Đại học tổng hợp Jerusalem, dưới sự lãnh đạo của giáo sư Itai Bab, người ta đã ấn hành "Micro - atlas về cấu tạo của xương chuột", thể hiện những chi tiết nhỏ đến từng milimét. Qua công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy cấu tạo xương của chuột hầu hết đều giống với xương người. Giáo sư Itai Bab nói: "Trên nguyên tắc, cấu tạo xương chuột và xương người có nhiều điểm tương đồng. Tất nhiên chúng ta cần phải bỏ qua cấu tạo xương mặt và xương đuôi cũng như độ lớn tổng thể của bộ xương". Theo đó, các khớp xương đều như nhau; xương đòn tay và khuỷu tay có số lượng những chi tiết bằng nhau. Cả người và cả chuột đều dễ mắc chứng bệnh phong thấp (thấp khớp) và bệnh còi xương (thiếu can-xi). Theo giáo sư Itai Bab, người và chuột có tế bào xương giống nhau đến 99%. |
Bảo Quyên
(Theo Sự thật thanh niên)
Bình luận (0)