Nhẹ ký, dính nhau nhiều bộ phận
Ngày 5.2 vừa qua, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) tiếp nhận một cặp song sinh dính liền nhau là con của một sản phụ người dân tộc (nhà ở tỉnh Đắk Nông). Hai bé dính liền rất phức tạp - dính kéo dài từ cổ đến rốn, gan bên trái của hai bé dính với nhau thành một khối, hai mỏm tim cũng dính nhau qua màng tim, tim của bé này lấn sang lồng ngực của bé kia; ngoài ra, cả hai còn mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật tim phức tạp; hai bé bị sinh thiếu tháng (sinh non), và cả hai chỉ nặng 3,4kg.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV Nhi đồng 1, đây là cặp song sinh dính liền nhau phức tạp nhất trong số 4 - 5 cặp song sinh dính nhau mà BV đã tiếp nhận, phẫu thuật. Do vậy, BV đã chủ động chuẩn bị hai phương án dự trù: phương án 1 áp dụng nếu diễn tiến bệnh của hai bé tốt, tiếp tục hồi sức, nuôi dưỡng đến khi hai bé có cân nặng 5kg mới mổ, vì lúc này việc tách rời sẽ thuận lợi hơn lúc bé được 2-3 tháng; phương án 2 sẽ được áp dụng trong trường hợp sức khỏe 1 trong 2 bé diễn tiến xấu, nghĩa là phải tách rời ngay để tránh tử vong cho bé. Với phương án 2, BV đã chuẩn bị sẵn sàng ê-kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức cùng trang thiết bị, thuốc men đầy đủ.
+ Theo nhận định của BV Nhi đồng 1, đây là cặp song sinh dính nhau non tháng, nhẹ cân nhất và nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật tách rời trong nước. + Mẹ của hai bé trong quá trình mang thai không đi khám, kiểm tra thai nhi. Cho đến khi sinh các bác sĩ mới phát hiện dị tật của thai nhi. |
13 ngày sau khi vào BV Nhi đồng 1, diễn biến sức khỏe cặp song sinh xấu đi, nên BV vào cuộc ngay theo phương án 2, với ê-kíp mổ gồm 11 thành viên (gồm: 2 phẫu thuật viên chuyên về sơ sinh, 2 phẫu thuật viên chuyên về mổ tim hở, 3 bác sĩ gây mê và 4 kỹ thuật viên), tất cả đều của BV Nhi đồng 1.
Những cái khó trên bàn mổ
Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, cũng là người đảm nhận vai trò Trưởng ê-kíp ca phẫu thuật tách cặp song sinh nói với các nhà báo sau khi tách thành công hai bé vào ngày 20.2: "Cái khó và đáng lo nhất của trường hợp phẫu thuật tách cặp song sinh này là gan hai bé dính nhau. Để 1 trong 2 bé không bị tử vong trên bàn mổ thì buộc không được để chảy máu trong lúc tách phần gan. Nhưng rất may, chúng tôi đã làm tròn được phần này. Thời gian tách xong phần dính gan là 1giờ. Cái khó nữa là trước khi bước vào cuộc mổ, sức khỏe hai bé rất xấu, cả hai đều suy hô hấp, bé bên trái thì tim tái, vô niệu - không có nước tiểu...".
Sau phần tách gan đến phần tách phần dính ở ngực - bụng, mất thêm 1 giờ nữa. Và, phải mất thêm 2 giờ nữa ê-kíp mổ mới hoàn thành phần làm lại thành ngực cho hai bé. Trong lúc mổ, các bác sĩ còn phát hiện bé nằm bên trái bị hoại tử ruột thừa, nên cắt bỏ luôn.
Hai ngày sau mổ, bé bị vô niệu đã có nước tiểu trở lại, và bé bên phải có dấu hiệu ruột hoạt động. Đến ngày thứ 3 thì sức khỏe cả hai diễn tiến tốt, các bác sĩ nuôi bé ăn qua ống sonde dạ dày từng tí sữa một, ban đầu chỉ 5ml sữa nhưng phải đưa vào từ từ, mất cả ngày, sau đó tăng lên 35ml, 45ml sữa, và tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe hai bé.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho rằng, ca phẫu thuật tách cặp song sinh phức tạp, nhỏ ngày tuổi này thành công là nhờ BV có trung tâm chuyên sâu về sơ sinh và có triển khai phẫu thuật tim cho bệnh nhi trong thời gian qua.
Thanh Tùng
Bình luận (0)