Nghề bánh tráng trên đất võ

09/03/2009 14:42 GMT+7

(TNO) Bình Định vang danh với nhiều võ sư nổi tiếng, nhiều làng võ cổ truyền như An Thái, An Vinh, Thuận Truyền… lưu dấu đôi bờ sông Kôn. Miền đất võ cũng được du khách thập phương nhớ đến với nghề bánh tráng đặc sản. Hầu hết miền quê trong tỉnh và ngay cả ở trên địa bàn TP Quy Nhơn luôn có nhiều gia đình chuyên nghề này.


Các lò bánh tráng luôn đỏ lửa mỗi dịp đầu xuân

Các lò bánh tráng đỏ lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp và tất bật nhất vào đầu xuân và cả mùa hè, khi tiết trời ấm dần lên, nắng rọi chói chang giúp bánh nhanh khô ráo, và đặc biệt là vào thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ bánh tăng cao.


Vo gạo sạch trước khi xay thành bột nước

Nguyên liệu chế biến bánh tráng chủ yếu từ những sản vật nông nghiệp như gạo, mì (tạo độ dẻo, dai), mè, dừa, muối (tạo hương vị thơm ngon, mặn mà) do chính chủ lò làm ra. Mỗi ký gạo có thể chế biến thành hàng trăm chiếc bánh, tùy độ tráng dày hoặc mỏng.


Người thợ tráng bánh như những nghệ sĩ "múa" trên bếp lò

Người thợ tráng bánh trên lò như một nghệ sĩ: nhanh, điêu luyện nhưng không kém phần tỉ mẩn để tạo ra những chiếc bánh tròn trịa, đều tăm tắp chỉ trong vòng chưa tới 10 giây đồng hồ. Bánh thành phẩm được bán với giá từ 200 đồng đến hơn 2.000 đồng/chiếc tùy thuộc vào chất lượng của bánh.


Mỗi nơi phơi bánh một kiểu, tận dụng không gian trong sân, trên mái nhà, ngoài ngõ. Sau một ngày phơi giòn nắng, bánh sẽ đủ độ khô ráo

Bánh tráng đất võ Bình Định từ lâu đã trở thành đặc sản. Tương truyền nghĩa quân Tây Sơn ngày trước đã dùng bánh tráng làm lương khô khi hành quân. Nay đặc sản này là món ăn không thể thiếu đối với nhiều gia đình mỗi ngày…

 
Xếp bánh thành ràng chuẩn bị đưa ra chợ bán

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.