Chúng tôi tiếp em H.V.S. trong trạng thái gần như hoảng loạn, phải sau 10 phút em mới bình tĩnh lại và bộc bạch: “Cả gia đình, họ hàng nội ngoại đều bắt em phải vào bằng được đại học. Em chỉ muốn được học nghề nhưng mọi người phản đối và ra điều kiện: nếu không đỗ đại học thì mang vali lên thành phố ôn sang năm thi tiếp, khi nào thi đỗ đại học mới được trở về nhà”.
Hiện nay không ít học sinh cuối cấp lúng túng khi chọn nghề, trong đó một số bị cha mẹ ép buộc đến mức không còn cách lựa chọn nào khác dẫn đến những hậu quả xấu về sức khỏe tinh thần. Hiện tượng đãng trí, sa sút học tập, chán nản bỏ mặc, ít tiếp xúc với người thân trong gia đình, xa lánh chính cha mẹ... tất cả sẽ tác động xấu đến các em khi mùa thi đã cận kề. Để giúp các em ổn định sức khỏe tinh thần, cha mẹ nên chú ý đến một số vấn đề trong việc chọn trường:
- Cha mẹ tìm hiểu hứng thú, nguyện vọng, nhu cầu của con mình. Phân tích cụ thể để thấy việc định hướng chọn trường có sự tham gia của gia đình là đúng đắn. Nếu cha mẹ nhận thấy con mình chọn trường theo sở thích cảm tính thì chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn để giúp các em có sự lựa chọn phù hợp nhất.
- Cha mẹ không áp đặt theo cách lựa chọn của riêng mình mà đồng hành cùng các em để bàn bạc đưa ra quyết định. Việc lựa chọn nghề nghiệp do chính các em quyết định, cha mẹ chỉ làm nhiệm vụ nhà hướng nghiệp.
- Chú trọng hơn việc đảm bảo sức khỏe, duy trì tốt chế độ dinh dưỡng hằng ngày, có thể cùng các em đi tham quan, giải trí vào những ngày nghỉ, qua đó giúp các em cân bằng tâm sinh lý, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách sắp tới.
Ngoài ra, cha mẹ căn cứ vào sức khỏe, khả năng, sở trường, năng khiếu của các em và phối hợp với giáo viên, các tổ chức xã hội giúp các em có cách lựa chọn phù hợp.
Theo Lê Phạm Phương Lan / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)