- Về nguyên tắc, họ tên chính thức của mỗi người cần phải được giữ ổn định, tránh sự thay đổi tùy tiện gây khó khăn cho việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự; bất cập trong công tác quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý hành chính nói chung.
Tuy nhiên, pháp luật cũng dành cho cá nhân có quyền yêu cầu được thay đổi họ, tên; nhưng không phải mọi trường hợp muốn thay đổi họ, tên đều được giải quyết. Theo Điều 27 Bộ luật Dân sự thì việc thay đổi họ, tên được giải quyết trong trường hợp: "Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó...".
Việc anh trùng tên với ông nội vợ có thể gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, như vậy anh có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thay đổi họ tên.
Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 của Chính phủ có quy định: UBND cấp xã, nơi đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho người dưới 14 tuổi; UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Trường hợp trên, anh phải liên hệ UBND cấp huyện nơi đăng ký khai sinh trước đây để làm thủ tục đăng ký thay đổi họ tên. Hồ sơ gồm: Tờ khai (theo mẫu quy định), xuất trình bản chính Giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ tên.
Luật sư Huỳnh Minh Vũ
Bình luận (0)