Kinh hãi thịt rừng !

11/03/2009 23:44 GMT+7

Tại TP.HCM có hàng trăm quán bằng nhiều hình thức quảng bá chuyên bán thịt thú rừng, với thực đơn từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một món. Mời nghe đọc bài

Thế nhưng, rất nhiều người khi bỏ tiền ra thưởng thức "đặc sản rừng" đã không biết rằng, họ đang bị lừa bằng thịt bò, thịt bê, thậm chí là thực phẩm ôi thối mà nếu một lần nhìn thấy sẽ tởn đến già!

Đường đi của  "đặc sản rừng" 

Qua giới thiệu của một người bạn, trưa 11.3, chúng tôi gặp Nh., một người rất am hiểu về chuyện buôn thịt thú rừng từ Lâm Đồng, Đồng Nai về TP.HCM. Nhân nhẩm tính bình quân mỗi ngày, các quán ăn tại TP.HCM tiêu thụ hàng tấn thịt động vật hoang dã và hiện nay nguồn cung cấp chủ yếu đến từ rừng Nam Cát Tiên (!). "Hằng ngày, nhiều người dân gần rừng và những tay thợ săn chuyên nghiệp vào rừng đặt bẫy hoặc tìm thú mà bắn. Đặt bẫy thì có thể bắt sống được các loài thú nhỏ như chồn, trút, gà, cheo, dúi... còn dùng súng bắn hạ được những loài thú lớn như heo rừng, nai, mễn, sơn dương... Khi đi săn, ai cũng muốn thu được "chiến lợi phẩm" thú sống vì bao giờ cũng được giá hơn thú chết, nhưng giữa muốn và thực tại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau...", Nh. kể.

Theo lời Nh., thường một chuyến đi săn, thăm bẫy chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng cũng có thể kéo dài vài ngày. Vì vậy, sau khi bắn hạ hoặc bẫy được con mồi, các nhóm thợ săn ít khi quay về ngay mà phải tiếp tục hành trình để kiếm thêm mồi hoặc đi thăm số bẫy còn lại. Thú săn bắt được, nếu là loại nhỏ như chồn, trút... và còn sống thì các thợ săn có thể mang theo. Nhưng nếu là thú lớn như heo, mễn, nai, sơn dương... thì các thợ săn cho vào bao ni lông rồi đào lỗ chôn (dân đi rừng gọi là ủ), nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng hoặc bị thú rừng ăn mất, rồi đánh dấu để khi nào quay về sẽ moi lên xử lý, róc lấy thịt gùi về. 

Việc ủ thú chết dài hay ngắn tùy theo thời gian chuyến đi săn, có khi một ngày nhưng cũng có khi vài ngày. Sau đó, thú rừng được đưa về bán cho các đầu nậu ngoài bìa rừng. Tại đây, nếu là thú còn sống thì người ta cho vào lồng, còn thịt thì cho vào tủ cấp đông, rồi vận chuyển bằng ô tô về TP.HCM hoặc các thành phố lớn bán cho các nhà hàng, quán ăn...

Nh. khẳng định chắc nịch: "Đối với thịt thú rừng, vấn đề đáng lo ngại không chỉ là hóa chất tẩm ướp mà còn là mầm bệnh hoặc vi-rút, vi trùng lạ. Do là động vật hoang dã, được săn bắt trộm, buôn lậu và được ăn lén nên nó hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng về dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm".

100% thịt ôi thối

Trước khi đưa đến quán ăn, những con thú đã chết rất lâu và được chôn dưới đất, ướp đá... hoàn toàn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM còn khẳng định: "Trong thành phố không có thịt rừng tươi, các quán nhậu rao bán thịt rừng đều là thịt ôi thối, hoặc đã được bảo quản bằng phoóc - môn!". Để minh chứng, ông Cương lục lại rất nhiều biên bản kiểm tra các nhà hàng và các tụ điểm bán "đặc sản rừng" ở thành phố, trong đó đều ghi tang vật thu được là thịt để lâu ngày và đã bốc mùi hôi thối...  "Có nhiều vụ khi mang tang vật về đến chi cục, vài tiếng đồng hồ sau là mùi từ những miếng thịt bốc lên hôi nồng. Nhiều lần anh em đưa tang vật xuống xe ô tô xong là phải chạy ra chợ mua cồn và hóa chất khử mùi về để xử lý cho hết mùi hôi thối tỏa khắp chi cục", ông Cương kể.

Điển hình như vụ bắt quả tang một người vận chuyển 6 chân gấu ở Tân Bình. Các chân gấu đựng trong thùng xốp, ướp lạnh, khi mở ra cứng như đá. Thế nhưng, mang về đến trụ sở Chi cục Kiểm lâm thì các chân gấu mềm dần, sau đó nhũn ra và bốc mùi hôi thối kinh khủng, buộc các cán bộ Kiểm lâm phải dùng phoóc - môn ướp lại để chờ xử lý, dùng hóa chất tẩy khắp gian phòng chứa tang vật. Lần khác, trinh sát kiểm lâm bắt hơn một tạ thịt heo rừng và thịt cheo tại một lò bán buôn thịt rừng ở quận Thủ Đức. Dù vẫn được để trong thùng bảo ôn, nhưng số thịt này đã bốc mùi hôi nồng nặc. Lãnh đạo chi cục lần đó phải xin ý kiến cấp trên xử lý tiêu hủy gấp số thịt tang vật này, không dám đưa về trụ sở! "Tại sao khi đem thịt ra bán khách hàng không thể biết là thịt hư? Vì các nhà hàng, cửa hàng... đã xử lý bằng biết bao nhiêu thứ hóa chất tẩy rửa, ướp phoóc - môn rồi!", ông Cương giải thích.

Chân gấu này bị thu giữ chỉ vài giờ là bốc mùi thối

Ăn vào... bổ ngửa!

Thịt "lừa"

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, qua nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất hàng chục nhà hàng, tụ điểm vì có tin báo bán thịt rừng, lực lượng chức năng chỉ phát hiện 17 vụ kinh doanh trái phép thịt thú rừng và thú rừng còn sống (động vật hoang dã), còn lại đa phần khi kiểm tra chỉ phát hiện toàn thịt... bê và bò, dù nhà hàng quảng bá "kinh doanh đặc sản thịt rừng". Tương tự, tại "chợ" chuyên bán thịt thú rừng trên đường Phạm Viết Chánh (Q.1), qua nhiều lần kiểm tra cũng chỉ phát hiện một vài cửa hàng có vi phạm, còn đa phần "treo thịt rừng, bán thịt bò". Gần đây nhất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đích thân dẫn đoàn kiểm tra đột xuất tại chợ này nhưng thịt rừng đâu không thấy, chỉ toàn thịt bò với bê!

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế, TP.HCM, phân tích: "Ở nhiệt độ thường, sản phẩm thịt sau khi giết mổ, không được đóng bao gói và bảo quản lạnh sẽ bị nhiễm khuẩn rất nhanh. Thời gian lâu hay mau làm cho thịt bị nhiễm khuẩn, biến chất còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố...". Cụ thể hơn, theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM: "Khi con vật đã chết hoặc qua giết mổ, nếu không được bảo quản tốt thì thông thường sau 4 giờ, thịt của chúng đã có biểu hiện ươn, từ 12 đến 24 giờ thịt bắt đầu chua, và sau 24 giờ thịt sẽ chảy nước và thối rữa. Bởi vì, khi đã chết thì cơ thể của chúng không còn khả năng đề kháng, chống cự lại các vi khuẩn, vi trùng, đồng thời các enzyme (có chức năng chuyển hóa các hoạt động của con vật) cũng bị phân hủy. Sự phân hủy của các enzyme sẽ làm cho thịt bị biến chất. Mặt khác, các vi khuẩn, vi trùng thường trú trên lông, trên da con vật và có trong môi trường sẽ bắt đầu tấn công, xâm nhập, sinh sôi nảy nở làm hư thịt. Nếu sử dụng sản phẩm thịt bị ươn, biến chất thì sẽ gây ngộ độc, tiêu chảy, hoặc tích tụ chất độc hại trong người". 

Theo chuyên gia Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm Chi cục Thú y TP.HCM, những vi sinh, vi khuẩn nhiễm vào sản phẩm thịt thường gặp chỉ sau 1 ngày giết mổ nếu không được bảo quản tốt là Salmonella (gây ngộ độc), E.coli (gây tiêu chảy)... Đáng lưu ý, chuyên gia này cũng cảnh báo: Hiện nhiều nhà hàng, quán nhậu thường dùng urê, phoóc-môn... ướp thịt để giữ thịt tươi lâu. "Đây là chất không được phép dùng vì nó rất độc cho cơ thể. Phoóc-môn có thể gây ra các triệu chứng như: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nôn ra máu, tiểu ra máu, trụy tim mạch và có thể gây tử vong; ngoài ra, thí nghiệm trên chuột, người ta nhận thấy phoóc-môn còn gây ra ung thư. Với urê, nó có thể có chứa lẫn các tạp chất kim loại như chì, asen, thủy ngân... nên có thể có thể gây ngộ độc và là tác nhân gây ung thư", ông Thọ nói. 

Hoài Nam - Thanh Tùng - Lê Anh Đủ  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.