Bùng phát tin nhắn lừa đảo

15/03/2009 00:47 GMT+7

Thời gian gần đây, mỗi ngày, hàng trăm nghìn người sử dụng điện thoại di động đang buộc phải nhận các tin nhắn rác, tin nhắn lừa - tăng đột biến so với trước đây. Thêm vào đó, những tin nhắn kiểu này đã có những bước "tiến hóa", rất dễ khiến người nhận tin nhắn bị lừa. Nghe đọc bài

Tin nhắn lừa không chừa ai

Anh Nguyễn Quang Tiến - chủ số thuê bao 09393xxx69 gọi điện đến Báo Thanh Niên phản ánh việc anh liên tục nhận được các tin nhắn mời chào việc nhắn tin để nhận miễn phí nhạc chuông hot, sưu tập ảnh của các hotgirl...; rồi thì các tin nhắn mời nhận kết quả xổ số, bói toán...

Anh cho biết: "Rất nhiều lần tôi đang đi trên đường thì có tin nhắn, cứ tưởng là ai nhắn việc gì, dừng lại thì hóa ra lại là tin nhắn từ một số ĐTDĐ không quen mời dùng dịch vụ giá trị gia tăng. Tôi tức mình gọi lại rất nhiều lần thì máy kia đều không trả lời". "Mấy lần, tôi suýt nổi điên vì các tin nhắn này gửi vào gần nửa đêm khi tôi chuẩn bị đi ngủ", anh Tiến bức xúc.

Ngoài việc được gửi đi từ một số ĐTDĐ, các tin nhắn rác, tin nhắn lừa còn được "tiến hóa" ở mức rất cao với nội dung gửi khá hấp dẫn và... mời gọi. Trần Văn Quang, chủ của số thuê bao 09135xxx3 cho biết, anh thường xuyên nhận được các tin nhắn với nội dung "tặng" bộ sưu tập

hotgirl như: "Chào bạn. Tặng bạn bộ hình nền bikini chân dài gợi cảm cực hot. tải về soạn APT 10 8741, Album hotgirl nóng bỏng quyến rũ soạn APT 87 gửi 8741". Nếu nhắn tin theo lời mời gọi "miễn phí" hoặc "tặng" này thì tất cả các bộ sưu tập hotgirl, nhạc chuông hot... đều bị tính phí 15.000 đồng/tin nhắn.

 Phó giám đốc một công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động còn cho biết, chồng của cô này còn nhận được một tin nhắn với nội dung: "Có một hotgirl rất hâm mộ bạn, mời bạn nhắn tin tới tổng đài... để biết thêm thông tin về hotgirl này và giao lưu với cô ấy".

Vị phó giám đốc này tiết lộ, một số nhà cung cấp dịch vụ nội dung đã đầu tư rất công phu, kỹ lưỡng cho việc viết các cú pháp nhắn tin quảng cáo với nội dung dễ gây hiểu lầm, nhằm kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng như tải nhạc chuông, hình nền, dịch vụ chat... của người sử dụng ĐTDĐ.

 Chính một lãnh đạo cấp cao của Viettel - người có thể đưa ra các quyết định ảnh hưởng lập tức đến hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên ĐTDĐ (những công ty bị nghi là gây ra các tin nhắn lừa đảo nêu trên), cũng thường xuyên bị nhận các tin nhắn rác kiểu này. Ông này cho biết: "Có khi một ngày, tôi nhận được mấy cái tin nhắn “giả vờ bị lạc” kiểu: Tớ sắp đi nước ngoài, vừa tải được mấy hình ảnh rất hay. Nếu cậu thích thì nhắn tin đến... để tải về máy nhé".

 Ngoài các trường hợp nêu ở trên, có nhiều tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo xuất phát từ một số di động cụ thể còn táo tợn hơn với các nội dung mời gọi sử dụng dịch vụ chat trên ĐTDĐ để "cùng người đẹp online sáng đêm"...

Hàng nghìn cuộc khiếu nại mỗi ngày

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, vào thời điểm hiện nay, tất cả các mạng di động cũng thường hay nhắn tin để quảng bá về các chương trình khuyến mãi như: tặng 100% khi nạp tiền bằng thẻ trả trước, miễn phí tin nhắn, quay số trúng thưởng... Vì thế, nhiều khách hàng khi nhận được các tin nhắn mời gọi gửi tin nhắn tới tổng đài nào đó, để nhận nhạc chuông, bộ sưu tập hình ảnh hotgirl... miễn phí thì cũng tưởng đó là các thông tin khuyến mãi mình vẫn được nhận và... bị lừa. Đây là chưa kể đến nội dung thông tin của các tin nhắn này còn được viết, biên tập cực kỳ khéo léo nên người nhận tin còn dễ bị nhầm lẫn hơn.

 Thông tin từ 3 mạng di động lớn là MobiFone, Viettel, VinaPhone cho biết: hằng ngày, Call Center của các mạng di động này đều phải nhận hàng nghìn cuộc gọi khiếu nại của khách hàng về tình trạng spam tin nhắn mời sử dụng các dịch vụ gia tăng, tin nhắn lừa... Một lãnh đạo Call Center của Viettel tiết lộ, mỗi ngày, Call Center của Viettel nhận được khoảng 5.000 cuộc gọi như vậy. Vị này cũng nhận xét, con số khách hàng thực tế bị gửi tin nhắn rác, tin nhắn lừa lớn hơn gấp nhiều lần số cuộc gọi khiếu nại bởi hàng chục người bị nhận tin nhắn rác, tin nhắn lừa mới có một người gọi điện khiếu nại mà thôi.

 Các mạng di động bó tay?

Các mạng di động đều biết rất rõ hiện tượng bùng phát tin nhắn rác, tin nhắn lừa do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung gây ra. Tại sao các mạng này vẫn không tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời?

 Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của MobiFone cho biết, mạng di động này cũng nhiều lần cảnh cáo và gây sức ép đối với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung đã spam tin nhắn quảng cáo tới khách hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các tin nhắn lại xuất phát từ các số ĐTDĐ cá nhân và lại không xác định được nguồn gốc rõ ràng của các số di động này là từ các công ty kinh doanh đầu số, thì cũng khó trong việc đưa ra bằng chứng rõ ràng để xử lý. Còn một đại diện cấp cao của Viettel thì cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rõ hiện tượng này rồi nhưng cũng đang tìm biện pháp để xử lý".

 Nhận xét về những khó khăn khi quản lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa hiện đang bùng phát, ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone nói: "Thông thường các tin nhắn thường xuất phát từ một số ĐTDĐ cụ thể và là số cá nhân chứ không xuất phát từ đầu số 8xxx hoặc các số tổng đài nhắn tin của các nhà cung cấp dịch vụ. Việc này đã làm hạn chế khả năng quản lý của các nhà cung cấp dịch vụ, vì việc truy tìm ra chủ nhân của số điện thoại là khó khăn (do đây là các thuê bao trả trước và thông tin đăng ký là không chính xác - PV). Hơn thế nữa, chưa có văn bản nào quy định về việc nhắn tin giữa cá nhân với cá nhân".

 Lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên ĐTDĐ còn tiết lộ một "mánh" mà các công ty cung cấp dịch vụ nội dung thực hiện spam tin nhắn. "Mánh" này là họ dùng các sim trả trước của mạng VinaPhone nhắn sang thuê bao mạng Viettel, dùng sim Viettel nhắn sang các thuê bao mạng MobiFone...

Cũng vì lý do này, nếu muốn khiếu nại, các thuê bao mạng MobiFone phải đi khiếu nại với Viettel trong khi họ chỉ có quyền khiếu nại với MobiFone. Còn MobiFone thì cũng không có quyền cắt dịch vụ của thuê bao gửi tin nhắn spam (thuê bao Viettel) mà phải đề nghị Viettel phối hợp xử lý. Nhưng khi chưa kịp đề nghị thì thuê bao này đã hết tiền và... ò í e rồi.

 
Các sim khuyến mãi trả trước thường được những người nhắn tin quảng cáo và tin nhắn lừa sử dụng - Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Hồ Công Việt (VinaPhone) thừa nhận: "Việc ban hành các chế tài xử phạt tin nhắn spam đã có (theo Nghị định 90/CP ngày 13.8.2008). Nhưng hiện tại, việc các công ty cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động dùng thuê bao ĐTDĐ để nhắn tin quảng cáo thì chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các mạng để cung cấp thông tin cho nhau nên chưa có các biện pháp cùng phối hợp giải quyết và ngăn chặn, xử lý".

Chưa hết, theo tìm hiểu của Thanh Niên, khi các mạng di động họp với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung yêu cầu chấm dứt tình trạng spam tin nhắn quảng cáo, tin nhắn có nội dung dễ gây hiểu lầm (tin nhắn lừa - PV) tới các khách hàng sử dụng di động thì các công ty này đều "chối bay chối biến" (lời lãnh đạo Viettel).

Trao đổi với Báo Thanh Niên, một đại diện có trách nhiệm của Công ty cổ phần truyền thông Phong Thủy - công ty hiện đang kinh doanh đầu số 8741 (đầu số được rất nhiều tin nhắn spam quảng cáo, giới thiệu) cũng cho biết là: "Không gửi các tin nhắn spam" và "không biết, cũng không bình luận gì về việc ai là người gửi các tin nhắn này".

Giải pháp trước mắt của các mạng di động

Trả lời Thanh Niên, đại diện của 3 mạng di động lớn đều cho biết: chưa tìm ra giải pháp nào khiến những người "ném đá giấu tay" (những công ty đứng đằng sau việc gửi tin nhắn lừa, tin nhắn rác) phải "tâm phục, khẩu phục".

Trước mắt, VinaPhone đưa ra 3 biện pháp nhằm hạn chế tình trạng khách hàng bị lừa. Thứ nhất, gửi tin nhắn từ VinaPhone đến khách hàng khuyến cáo khách hàng khi nhận được tin nhắn không phải từ các đầu số 8xxx hoặc từ hệ thống nhắn tin của VinaPhone 18001091, mà đặc biệt là các tin nhắn từ các số điện thoại thông báo trúng thưởng xổ số, giới thiệu dịch vụ xem bói,... thì không nên thực hiện nhắn tin lại.

Thứ hai, đăng tải thông tin trên các phương tiện truyền thông của VinaPhone: VinaPortal, hệ thống trả lời 18001091. Thứ ba, ban hành công văn đề nghị các đơn vị phối hợp cung cấp nội dung với VinaPhone qua các đầu số 8xxx không sử dụng các hình thức nhắn tin quảng cáo dịch vụ 8xxx cho các thuê bao VinaPhone.

Còn Viettel thì dự kiến sẽ áp dụng các biện pháp mạnh do tình trạng khẩn cấp. Theo đó, nếu Viettel cứ nhận được từ 100 khiếu nại trở lên về việc tin nhắn spam quảng cáo cho một đầu số nào đó thì công ty đang kinh doanh đầu số đó sẽ bị Viettel phạt hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế, thậm chí có thể bị cắt hợp đồng kinh doanh với Viettel.

Nguồn tin này cũng cho biết, sau khi họp với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung, thông báo về biện pháp khẩn cấp này, các khiếu nại về tin nhắn lừa, tin nhắn rác tới Viettel giảm từ hơn 5.000 khiếu nại/ngày xuống còn khoảng 1.200 khiếu nại/ngày.

H.L

 Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.