Năm 2004, khi nhận công tác ở Lũng Cú, chàng trai quê Ba Vì, Hà Nội thiếu úy Nguyễn Văn Nam gặp cô giáo dạy văn cấp 2 người Nam Định là Phạm Thị Tuyển. Chàng 25 tuổi, tham gia công tác Đoàn của đồn, nàng kém chàng một năm, cũng là ủy viên chấp hành chi đoàn nhà trường. Sau các buổi sinh hoạt, mọi người đùa: "Chồng bộ đội, vợ giáo viên. Gia đình hạnh phúc sướng điên cả người". Thế rồi, anh chị yêu nhau và nên vợ nên chồng một năm sau đó. Năm 2006, họ có con trai đầu lòng. Ông nội cháu bé nói, chúng mày nên vợ nên chồng ở Hà Giang, tao đặt tên cho nó là Hà Giang. "Nhưng tên là Hà Giang giống con gái quá, em đổi tên cho cháu là Nguyễn Hữu Giang", Nam nói.
Cưới nhau xong, hai vợ chồng ở nhà tập thể của trường THCS Lũng Cú. Thu nhập của hai vợ chồng tạm ổn, khoảng gần 7 triệu đồng mỗi tháng, dù giá sinh hoạt ở Lũng Cú rất đắt. Nhưng sống mãi cũng quen, xã địa đầu đã có điện, sóng điện thoại, trong trạm đã có internet tốc độ cao. Dù chưa bằng ở dưới xuôi nhưng so với vùng cao thì như thế cũng là ổn lắm.
Nam tiếp tục làm chúng tôi bất ngờ khi cho biết rằng anh không phải là người duy nhất ở trạm kết hôn với cô giáo. Người thứ hai chính là thiếu úy Quỳnh. Vợ Quỳnh là cô giáo Lương Hải Nho cũng là giáo viên ở Lũng Cú, chỉ khác là dạy tiểu học. Cặp đôi này cưới nhau năm 2006 nhưng còn đang kế hoạch, chưa sinh con. Tại đồn biên phòng Lũng Cú, còn có thêm năm đồng chí khác cũng se duyên cùng các cô giáo ở xã Ma Lé là nơi đồn đóng quân. Rồi Nam đọc tên từng đôi: Hải - Thu, Long - Mến, Mừng - Hà, Huyên - Nghiệp, Huy - Dung.
"Mỗi khi có việc gì của đồn, thì 6-7 cô dâu này đương nhiên phải đến rồi, chẳng hạn tiếp khách hay nấu cơm, rửa bát. Các bà ấy đôi khi còn hội họp với nhau để bàn xem tặng đơn vị quà gì dịp Ngày truyền thống bộ đội biên phòng (3.3) hoặc Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12). Còn tụ tập nói xấu chồng thì chắc cũng có nhưng làm sao mà chúng em biết được". Nam nói đùa trong nụ cười mãn nguyện.
Lưu Quang Phổ
Bình luận (0)