Thua lỗ vì "lô cốt" - Bài 2: Bị thiệt hại, có thể kiện đòi bồi thường?

16/03/2009 23:39 GMT+7

Bị thiệt hại khi "lô cốt" dựng lên ngay trước nhà là bức xúc lâu nay của nhiều hộ kinh doanh. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu người dân có thể yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu bồi thường, nếu công trình kéo dài không đúng tiến độ? Mời nghe đọc bài >> Bài 1: Nỗi kinh hãi của hộ kinh doanh

Nhọc nhằn hành trình đòi bồi thường

Ngày 19.2.2006, ông Nguyễn Văn Lang (77 tuổi, ngụ số 12/7 Nguyễn Huy Tự, P.Đa Kao, Q.1) có đơn gửi UBND TP.HCM, Sở Giao thông-Công chính (nay là Sở Giao thông vận tải), Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM cùng nhiều ban ngành khác của thành phố.

Trong đơn, ông Lang trình bày kể từ khi công trình xây dựng tuyến bao giếng S27 kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trên đường Hoàng Sa (đoạn giữa cầu Sắt và cầu Bông) khởi công đã đẩy 15 nhân khẩu của gia đình ông vào cuộc sống bấp bênh. Trước khi thi công, một số cán bộ thi công đã chụp hình, quay phim ghi lại hiện trạng của căn nhà từ tầng trệt đến lầu 2, các bức tường nhà đều không có dấu hiệu bị nứt, hư hỏng... Sau một thời gian thi công, nhiều bức tường, dầm bê tông cốt thép bị nứt, tường bị thấm, mái dột...

Chưa hết, từ tháng 1.2005, đơn vị thi công dựng rào chắn bằng tôn sắt ngay trước cửa nhà khiến quán ăn của gia đình ông một thời nườm nượp khách buộc phải đóng cửa. Trước những thiệt hại kể trên, ông Lang đề nghị chủ đầu tư công trình bồi thường 60 triệu đồng tiền sửa chữa nhà bị hư hại và 480 triệu đồng do thiệt hại từ việc kinh doanh của quán ăn (24 tháng, mỗi tháng 20 triệu đồng).

Sau khi ông Lang gửi đơn yêu cầu bồi thường, đại diện UBND P.Đa Kao lập biên bản xác nhận sự việc và Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường hứa sẽ cho người sửa chữa. Nhưng lời hứa gió bay. Gần 6 tháng sau, ngày 4.8.2006, UBND TP.HCM có văn bản giao Giám đốc Sở Giao thông-Công chính kiểm tra, làm rõ mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền... báo cáo kết quả trình UBND thành phố sau 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo. Song, phải 2 tháng sau, Sở Giao thông - Công chính mới có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng mời ông Lang lên giải quyết.

Tại buổi làm việc với ông Lang, có sự tham dự của chủ đầu tư dự án, chính quyền địa phương... lúc đầu đại diện nhà thầu phủi trách nhiệm. Đến khi đại diện bên tư vấn thiết kế công trình cho rằng nhà thầu chưa áp dụng đầy đủ các phương pháp đảm bản an toàn trong thi công nhằm hạn chế thiệt hại cho các công trình lân cận, thì nhà thầu "xuống nước", nhưng chỉ chịu hỗ trợ thiệt hại căn nhà... 8 triệu đồng.

“Sau nhiều lần họp hành, họ yêu cầu thuê công ty kiểm định xác định nguyên nhân hư hỏng cũng như độ thiệt hại để làm căn cứ giải quyết bồi thường. Ban kiểm định xây dựng TP.HCM kiểm tra xác định mức độ thiệt hại căn nhà tôi là 31,5 triệu đồng. Mức thiệt hại này tôi còn chưa chấp nhận, huống chi họ chỉ đưa vài triệu đồng. Chưa kể, thiệt hại từ kinh doanh quán ăn của gia đình đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra giải quyết mà chỉ đùn đẩy cho nhau, dù UBND thành phố đã chỉ đạo Cục thuế, Sở Tài chính... xem xét giải quyết!”, ông Lang bức xúc.

Trước sự việc trên, ông Lang nói sẽ kiên quyết đòi bồi thường đến cùng. “Đồng ý là công trình công cộng mang lại lợi ích dân sinh, người dân cùng chia sẻ, nhưng như thế không có nghĩa là cứ thoải mái kéo dài thi công, gây thiệt hại kinh tế của người dân", ông Lang nói lý, và khẳng định nếu các cơ quan chức năng không giải quyết thỏa đáng thì ông sẽ khởi kiện ra tòa.

Có quyền khởi kiện

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng dựa vào quy định của Bộ luật Dân sự thì ông Lang có thể yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại do thi công làm hư hỏng căn nhà, nếu ông có căn cứ chứng minh rằng căn nhà bị hư hỏng là do ảnh hưởng bởi quá trình thi công xây dựng tuyến bao giếng S27.

 Theo luật sư Hậu, quy định trong luật nêu rất rõ: Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định. Trong trường hợp công trình có nguy cơ đe dọa sự an toàn cho bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.

 
Hết đường làm ăn vì.... "lô cốt"  - Ảnh: D.Đ.M

Luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM cũng cho rằng, dù là những dự án công cộng, nhưng trong trường hợp nhà thầu có lỗi thi công chậm trễ so với tiến độ, lắp dựng rào chắn không đúng vị trí... gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của cá nhân, tổ chức đã kinh doanh thì các cá nhân, tổ chức này có quyền khởi kiện nhà thầu để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Tòa dân sự TAND TP.HCM cho biết: “Đến nay chưa có trường hợp nào người dân khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường do “lô cốt” gây ra. Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị quyết 03 ngày 8.7.2006 của Hội đồng thẩm phán, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện nếu có thiệt hại do tài sản bị xâm phạm như bị mất; bị hủy hoại; hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị xâm phạm. Thẩm quyền thụ lý thuộc về TAND quận, huyện với thời hiệu khởi kiện là 2 năm kể từ ngày hành vi gây thiệt hại xảy ra”.

Cụ thể hơn trong trường hợp "lô cốt" gây thiệt hại kinh tế của dân, vị cán bộ này nói: “Việc xây dựng rào chắn thi công công trình, xét về mặt xã hội là vì lợi ích công cộng của 8 triệu dân, trong đó có cả lợi ích của cá nhân người bị thiệt hại. Vì vậy, nếu việc thi công chậm trễ do yếu tố khách quan thì người dân cũng nên thông cảm, chia sẻ. Tuy nhiên, với những lỗi nghiêm trọng thì người bị thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để răn đe những trường hợp nhân danh lợi ích công cộng gây thiệt hại cho người dân. Ví dụ như trường hợp thi công làm sập, hư hỏng nhà cửa, rào chắn không đảm bảo kỹ thuật gây tai nạn cho người đi đường...”.

Cần có biện pháp giảm thiệt hại của người dân

“Khi triển khai thực hiện các dự án, ngay cả những dự án công cộng, các cơ quan chức năng nên thông báo trước cho các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh tại khu vực chịu ảnh hưởng một khoảng thời gian hợp lý. Việc làm này giúp đơn vị thi công có trách nhiệm hơn trong việc thi công và để các hộ kinh doanh chủ động sắp xếp kế hoạch, có phương án kinh doanh hợp lý nhằm giảm bớt thiệt hại do việc thi công ảnh hưởng.

Trường hợp lắp đặt các "lô cốt" trong thời gian dài, thi công không đúng tiến độ gây ảnh hưởng đến các hộ dân, các cơ quan có thẩm quyền nên tập hợp, xem xét, nghiên cứu có những chính sách hỗ trợ người dân trong thời gian thi công công trình để giảm phần nào thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.

Bên cạnh đó, trong hợp đồng thi công phải quy định những hình thức xử phạt, bồi thường chặt chẽ hơn khi nhà thầu thi công chậm trễ, lắp dựng rào chắn không đúng thiết kế, không đúng vị trí...”, luật sư Phạm Đình Sơn, Đoàn luật sư TP.HCM.

Lê Nga - Đàm Huy - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.