Khi nào tuyển sinh lớp 1?
Tại TP.HCM, nhiều phụ huynh đã chạy đôn, chạy đáo lo các thủ tục để cho con vào học lớp 1...
KT3 vẫn được học trường công lập
Chỉ mới bước vào tháng 3 mà đã có khá nhiều phụ huynh học sinh lo lắng cho việc học lớp 1 của con em mình. Chị Hoàng Bích Ngọc, nhà ở đường Tân Lập (Q.9, TP.HCM) cho biết: "Tôi thấy mấy đồng nghiệp trong cơ quan đang chạy đôn chạy đáo đi tìm chỗ học cho con nên rất sốt ruột, không biết con gái tôi được học ở trường nào?". Còn chị Hoàng Thu Trang thì lại có mối băn khoăn khác: "Vợ chồng tôi thuê nhà ở Q.5 và mới chỉ có KT3 nên không biết việc vào học lớp 1 của cháu như thế nào, cháu có được học trường công lập không? Nếu cháu mà phải học trường dân lập thì điều kiện kinh tế gia đình trông chờ vào lương công nhân may e lo học cho cháu sẽ khó khăn"... Những băn khoăn trên không phải vô lý vì đa phần những phụ huynh học sinh này đều lần đầu tiên có con đi học.
"Phụ huynh học sinh cần chuẩn bị: Hộ khẩu thường trú hoặc KT3, giấy khai sinh, giấy mời vào học lớp 1 - nếu có" - Bà Võ Ngọc Thu - Phó trưởng phòng Giáo dục Q.5
|
|
Là một trong những quận nội thành có áp lực tuyển sinh lớn, bà Trần Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục Q.1 tư vấn: "Cha mẹ học sinh cứ yên tâm vì tất cả học sinh 6 tuổi cư trú trên địa bàn đều được UBND các phường phát giấy gọi vào học lớp 1. Những giấy gọi này căn cứ vào hộ khẩu thường trú hoặc KT3 của học sinh và đã được Ban tuyển sinh quận phân tuyến để học sinh có điều kiện học tại trường tiểu học gần nơi cư trú nhất. Thời điểm tuyển sinh lớp 1 thông thường diễn ra trong tháng 6 và được công bố rộng rãi".
3 môn ngoại ngữ ở bậc tiểu học
Năm nay, TP.HCM tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường ngoại ngữ bao gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung ở bậc tiểu học. Hiện nay tại TP.HCM có 5 trường thực hiện chương trình tăng cường tiếng Pháp theo chương trình của Bộ GD-ĐT là trường Tiểu học Kết Đoàn (Q.1), Lương Định Của (Q.3), Minh Đạo (Q.5), Trần Quốc Toản (Q.Tân Bình). Những trường này có thông báo cụ thể về kế hoạch tuyển sinh, thời gian nộp hồ sơ và học sinh sẽ thực hiện khảo sát khả năng học tiếng Pháp theo đề của Bộ quy định. Đối với các lớp tăng cường tiếng Trung chủ yếu tập trung tại các trường tiểu học ở quận Q.5, Q.6, Q.8, Q.11...
Tuy nhiên mối quan tâm của phụ huynh học sinh tập trung nhiều nhất là các lớp tăng cường tiếng Anh. Việc tổ chức khảo sát khả năng học ngoại ngữ do Phòng Giáo dục quận huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn của Sở GD-ĐT. Trở lại với phương thức tuyển sinh lớp 1 đã đề cập trong bài viết, Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường nhận học sinh trái tuyến nên khi tiến hành khảo sát khả năng học ngoại ngữ, các trường chỉ thực hiện trong phạm vi những học sinh đã có danh sách vào học tại trường. Qua quan sát những kỳ khảo sát, chúng tôi nhận thấy học sinh được khảo sát bằng các phép thử khả năng nghe, nói, phát âm qua việc cô giáo cho nghe băng một từ tiếng Anh rồi lặp lại, nghe cô đọc rồi lặp lại để kiểm tra xem phát âm có giống không, có bị ngọng không? Tiếp theo giáo viên kiểm tra khả năng phân biệt bằng cách cho học sinh chỉ ra các từ giống nhau trong số những từ gần giống nhau được đưa ra.
Khó giảm học sinh trái tuyến Tâm lý bằng mọi giá xin cho con vào học lớp 1 ở những trường danh tiếng tại Hà Nội là nguyên nhân khiến các trường này khó thoát khỏi tình trạng quá tải về sĩ số.
Tuy nhiên, ông Đỗ Vũ - Trưởng phòng GD quận Ba Đình (nơi tập trung nhiều "trường điểm" của thành phố) cho biết: dù có cố gắng thực hiện thì chủ trương "3 giảm" vẫn cứ bị "vỡ trận" ở những trường điểm. Hầu hết các trường trên địa bàn quận vẫn phải chấp nhận sĩ số trung bình khoảng 45 HS/lớp, cá biệt có những lớp lên tới trên 50 HS (trong khi quy định đối với bậc tiểu học là không quá 35 HS/lớp). Theo ông Vũ, thời điểm hiện tại, các trường đang rà soát và lên kế hoạch cho việc tuyển sinh các lớp đầu cấp cho năm học tới. Đối với lớp 1, việc phân bổ chỉ tiêu sẽ dựa trên 3 nguyên tắc: số HS tốt nghiệp lớp 5, số HS mẫu giáo lớn tại các trường mầm non; cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của mỗi trường; số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Trường Tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm) cũng luôn trong tình trạng phải đi thuê phòng học bên ngoài nhà trường vì tình trạng HS trái tuyến xin vào trường quá đông. Bà Phan Thị Thắng cho biết: hiện nay số HS trái tuyến của trường chiếm khoảng 50%, trong tổng số 1.135 HS thì chỉ có khoảng 650 HS đúng tuyến. Cũng theo bà Thắng, việc tuyển sinh HS trái tuyến vào lớp 1 của trường được chỉ đạo khá cụ thể: 50% chỉ tiêu là do UBND quận và phòng GD-ĐT quyết định, 50% còn lại là hiệu trưởng nhà trường quyết. Trong đó, ưu tiên cho con em của giáo viên trong trường, cứ cách một năm mỗi giáo viên lại có quyền nhận một "suất" học trái tuyến. Tỏ ra cương quyết hơn trong việc giảm số HS trái tuyến, bà Nguyễn Thị Liên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương cho biết: đến năm học này nhà trường có 31 lớp và số HS trái tuyến chỉ chiếm khoảng 20% HS toàn trường. Thời kỳ cao điểm nhất về số HS trái tuyến, trường Tiểu học Trưng Vương có tới hơn 40 lớp học. Theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (Q.Đống Đa) Phan Nam Phương, năm học 2008-2009 trường được phân chỉ tiêu là 10 lớp 1 với khoảng 500 HS. Trong đó, số HS đúng tuyến trên địa bàn phường Kim Liên là khoảng 300 cháu, số HS trái tuyến là khoảng 200 cháu. Tuệ Nguyễn Những trường phải thi để vào lớp 1 Hầu hết những trường tiểu học ở Hà Nội có lớp tăng cường giảng dạy ngoại ngữ cho HS từ lớp 1 đều tổ chức một cuộc khảo sát đầu vào đối với HS đăng ký dự tuyển vào lớp 1 của trường. Đây hầu hết là những trường tiểu học ngoài công lập mang danh "chất lượng cao" như: Nguyễn Siêu, Đoàn Thị Điểm, Lý Thái Tổ… T.N |
Bích Thanh
Bình luận (0)