Chống thư rác: Cần xử lý cứng rắn trò kinh doanh bẩn

18/03/2009 23:23 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên sáng 18.3, ông Vũ Quốc Khánh - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho biết: rất ít nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên điện thoại di động (gọi tắt là CP) tìm hiểu kỹ về Nghị định chống thư rác (có hiệu lực từ 9.2.2009).

Phối hợp tìm bằng chứng

Ông Khánh cho biết, trong cuộc họp của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) với các CP tuần trước, khi được hỏi về Nghị định chống thư rác, chỉ có 2 - 3 đại diện trên tổng số hơn 40 đại diện CP có mặt là thể hiện mình đã đọc qua. Trả lời câu hỏi của Thanh Niên: "Đây có phải là lý do khiến cho các CP tiến hành spam tin nhắn quảng cáo, tin nhắn lừa tới máy di động của khách hàng?", ông Khánh nói đó chỉ là một lý do.

Cũng theo đại diện của VNCERT: Có thể có những CP đã nghiên cứu các quy định về chống thư rác nhưng họ cho rằng dùng sim trả trước để spam tin nhắn thì khó tìm ra bằng chứng để xử phạt nên vẫn làm. Tuy nhiên, ông Khánh khẳng định: "Vẫn có thể tìm ra bằng chứng rõ ràng để xử phạt thật nghiêm nếu có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý, các mạng di động cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật".

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, vào thời điểm hiện tại, nếu phát hiện được các thuê bao di động trả trước nào đang spam tin nhắn, bộ phận kỹ thuật của các mạng di động có thể xác định ngay vị trí của các thuê bao đó. Nếu phối hợp với các cơ quan quản lý về viễn thông, cơ quan bảo vệ pháp luật tìm được người đã spam tin nhắn thì cũng sẽ tìm được các chủ mưu đứng đằng sau.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, các mạng di động đều có các quy định về chống spam tin nhắn như việc cấm gửi 3 tin nhắn giống nhau đến cùng 1 số máy trong 5 phút, dưới 50 tin nhắn trong vòng 10 phút... Tuy nhiên, việc xác định thế nào là tin nhắn giống nhau là chưa thể làm được tự động do các mạng di động không được quyền kiểm soát nội dung bản tin. "Hiện nay, chưa có quy định nào cụ thể về việc các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động được quyền kiểm soát thông tin trên bản tin SMS gửi đi của khách hàng. Ngoài ra, việc xem trộm nội dung thông tin của các bản tin SMS đó, còn có thể nói là vi phạm quyền cá nhân", ông Hồ Công Việt - Trưởng phòng Kinh doanh VinaPhone cho biết.

Một biện pháp khác cũng giúp giảm nạn tin nhắn lừa là siết chặt quản lý các thuê bao trả trước. "Nếu việc quản lý được thực hiện nghiêm thì hiện tượng tin nhắn rác sẽ giảm đáng kể" - ông Khánh nói.

Các mạng di động loay hoay

Trong khi các cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn tin nhắn lừa, tin nhắn rác, các mạng di động cũng ở trong tình trạng loay hoay. Một nguồn tin từ VinaPhone cho biết, khi làm việc với các CP để cảnh cáo về việc không được gửi tin nhắn rác tới khách hàng, các CP đều chối. Có CP còn nói rằng: "Đó là do "đòn bẩn" của các CP khác muốn hại bọn em".

Các mạng di động khác như MobiFone, Viettel chủ yếu cũng chỉ cảnh cáo và dọa cắt hợp đồng hợp tác. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa thấy CP nào bị cắt hợp đồng. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngoài việc các mạng di động không tỏ ra cứng rắn, một nguyên nhân khác gây ra nạn bùng phát tin nhắn rác là các CP lại cho các đơn vị nhỏ hơn thuê lại đầu số để kinh doanh. Rất nhiều CP chỉ quản tiền chứ chẳng quan tâm việc kinh doanh nội dung trên đầu số đó ra sao (do cho thuê lại). "Các đơn vị thuê lại thì tìm đủ mọi cách để có được doanh thu nên họ sẵn sàng làm tất cả các biện pháp chưa bị tuýt còi để kinh doanh, việc spam tin nhắn lừa là một hệ quả" - lãnh đạo một CP nói.

"Phải mất một thời gian để các mạng di động loại bớt các CP "bẩn", còn các CP thì loại bớt các đơn vị thuê lại làm ăn không tử tế thì mọi việc mới đi vào quỹ đạo được", vị này nhận xét.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.