Hai năm rồi, buổi sáng em đi bán vé số, buổi chiều thì lang thang buông diều, đá bóng, chơi game với chúng bạn cũng cùng cảnh thất học.
Khi còn ở quê Sóc Trăng, Khoa học lớp 7, nhưng từ khi chuyển lên Bình Dương cùng với bố mẹ kiếm kế sinh nhai cách đây 2 năm, Khoa "nửa đường đứt gánh" chuyện học hành. Khoa chỉ là một trong rất nhiều con em của những người nhập cư tại KCN Việt Hương cũng như ở tỉnh Bình Dương đang bị mất đi quyền cơ bản của mọi trẻ em: Quyền được đến trường.
“Ăn không đủ, lấy tiền đâu đi học?”
Khoa có gương mặt sáng. Em nói với tôi em học khá, nhưng lâu rồi không động vào con chữ, nên viết chữ bị sai nhiều lỗi chính tả. “Em vẫn còn khá hơn so với mấy đứa ở đây, có đứa viết sai chính tả tùm lum, có đứa chỉ mới biết đánh vần a,b,c thôi” - Khoa tự hào. Cuộc sống đói nghèo trần trụi đã đẩy em đi bán vé số 2 năm nay.
“Giờ làm việc” của em là từ 7 giờ sáng đến 13 giờ. Buổi trưa, em về ăn cơm cùng nhỏ út.
“Thức ăn có thịt gà, thịt kho, cá chiên. Nghe thì “oách”, nhưng mà là đồ ăn thừa mẹ em gom về từ Cty tối hôm trước đó” - Khoa dí dỏm. Bữa nào không về thì bữa trưa của Khoa là một chiếc bánh mì vài ngàn đồng.
Tôi hỏi về thu nhập, Khoa cười hồn nhiên: “Bữa bán nhiều nhất cũng chỉ được 50 tờ vé số, lãi được 25 nghìn đồng”. Những đồng tiền này được Khoa đưa bố mẹ để góp phần trang trải cho gia đình.
Lớp học tình thương dành cho trẻ lang thang tại ấp Hòa Lân 2, xã Thuận Giao, Thuận An. |
Rồi em thở dài: “Em đang học lớp 7 thì bỏ, anh ạ. Lúc đầu khi mới lên đây, em nhớ quê, nhớ trường lớp, nhớ các bạn lắm. Bây giờ thì quen rồi”.
Em khoe với tôi: “Ở đây, em có nhiều bạn cũng nghỉ học như em lắm. Dễ phải đến gần 20 đứa. Đứa thì bán vé số, đứa lượm ve chai, đứa thì đi làm ở Cty gỗ, gốm...”.
Tôi ngạc nhiên: Nhưng bọn em vẫn là trẻ em mà. Khoa cười: Thì bọn nó làm hồ sơ giả mà anh.
Tôi theo chân Khoa về phòng trọ của gia đình em. Chị Đặng Thị Kim Anh (41 tuổi) - mẹ của Khoa - đang được cháu út bóp dầu vì mệt. Cháu út Võ Kiêm Chi (12 tuổi) học dở lớp 4 thì bỏ khi lên đây cùng bố mẹ.
Mệt mỏi ngồi dậy, chị Anh kể: Gia đình chị quê ở ấp 2, thị trấn Phú Lộc, tỉnh Sóc Trăng. “Chú hỏi vì sao phải lên Bình Dương à? Tất nhiên là vì đói rồi. Ở quê hai vợ chồng buôn bán vặt vãnh, thu nhập còm cõi”. Còn vì sao mà không cho hai đứa đi học, chị lại bảo, vì thiếu tiền. Hai đứa lại không chịu ở quê học tiếp, muốn lên ở cùng với bố mẹ, vả lại anh chị cũng không yên tâm khi để con ở quê.
Hiện, chị đang làm CN tại Cty King Maker, lương 1 triệu 214 nghìn đồng/tháng. Chồng chị vẫn đi làm thuê mướn thu nhập được chăng hay chớ. Chị Anh nhẩm tính: Tiền thuê phòng, tiền điện nước khoảng 500.000đ/tháng. Tiền ăn khoảng hơn 1 triệu nữa, nên kiếm được đồng nào thì chi tiêu vun vén lắm cũng chỉ vừa khít cho sinh hoạt hàng ngày thôi, không nghĩ đến cái chữ cho con. Phải chăng, tôi nghĩ, khi cái “dạ dày” còn chưa “giải quyết” xong, thì người ta không thể nghĩ cho “cái đầu”?
Khoa nhiệt tình dẫn tôi đi gặp các bạn đồng cảnh. Quả thật, cái sự thất học của những em nhỏ phải xa quê, theo bố mẹ lên làm CN tại Bình Dương thật đáng ngại. Như gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (quê huyện Phú Tân, Cà Mau) trong khu trọ gần đó, có 3 đứa con thì cả 3 đứa - đứa 18 tuổi, đứa 16 tuổi, đứa 7 tuổi - đều bị rơi vãi con chữ khi anh chị chuyển lên đây từ năm 2005 để làm CN. Ba cháu nghỉ học và cũng chưa đi làm gì, chỉ quanh quẩn chơi ở khu trọ.
Anh Nhật bảo: “Khu nhà trọ này đầy nhóc những đứa không được đi học, vì ai cũng nghèo. Ở quê còn lo cho con học được, chứ ở đây thì tốn kém lắm. Lo cho cả ba đứa thì đóng tiền một lần hơn 1 triệu, hết tháng lương luôn”. Anh nói, một chị hàng xóm cho con đi học lớp 1, mà mỗi tháng hết 4 trăm, thêm 150.000đ xe đưa đón nữa.
Còn nhiều lắm những đứa trẻ đang bị đánh rơi chữ mà tôi gặp. Đó là Đức, cậu chỉ nhớ tên mình chứ không biết họ, 12 tuổi mà nhỏ loắt choắt, đen nhẻm như một dấu chấm than và cũng đi bán vé số. Đức học dở dang lớp 1 thì lên Bình Dương.
Tôi bị ám ảnh bởi câu nói của Đức khi tôi hỏi về chuyện học của các em: “Chúng nó học trong tiệm net, chú à”. Nhiều em đã nhịn ăn sáng để chơi game và tôi đã thấy nhiều em với làn da cháy nắng, nhưng vẫn chọc bida vẻ rất sành điệu ở một quán trong KCN.
Cần giúp các em “nhặt chữ”!
Trao đổi với tôi, bà Trương Thị Anh Đào - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bình Dương - cho hay: Ở Bình Dương có nhiều “trẻ em lang thang cùng gia đình” nghĩa là trẻ vẫn ở cùng bố mẹ, nhưng ngày thì đi lang thang ngoài đường phố bán vé số, lượm ve chai... kiếm sống. Rất nhiều trong số các em là con của những gia đình CN.
Bà Đào lo lắng: Những nơi các em này sống là những nơi dân tứ xứ, tình hình an ninh phức tạp, nên các em có thể bị rơi vào tệ nạn xã hội, bị dụ dỗ, lôi kéo vào những hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật. Bà vẫn còn day dứt mãi với mong muốn của một em trong diễn đàn dành cho trẻ em lang thang được tổ chức năm 2005: “Con mong muốn tìm thấy được em con”. Đó là câu chuyện của 2 anh em trai đều bán vé số, nhưng vào một ngày, người em đi bán vé số và không trở về.
Còn tôi thì nhớ đến câu chuyện mà Khoa kể, kể tỉnh bơ mà tôi phải rùng mình, sởn gai ốc: “Có hai cậu nhóc mới 11 tuổi thôi, chơi ở cái bãi hoang thấy một cái kim tiêm của bọn nghiện dùng xong vứt lại. Một đứa thách đứa kia lấy kim... chọc vào tay. Cậu bé này hồn nhiên làm theo lời thách đố”.
Khoa còn hồn nhiên trả lời khi tôi hỏi ở đây có gì hay: “Ở đây thì chỉ có đánh nhau là hay thôi”(?!). Các em như những chồi non tơ mà đã sớm phải đối diện với những gai góc của cuộc đời.
Tôi bỗng thầm nghĩ đến cái vòng luẩn quẩn: Cha mẹ đói nghèo, con thất học, rồi thất học lại đẻ ra đói nghèo. Với hành trang là thất học, những trải nghiệm quá sớm về cuộc sống đường phố, các em sẽ sống ra sao trong cuộc sống hiện đại sau này?
Bà Trương Thị Anh Đào cho biết thêm: Sau khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em vào đầu năm 2008, công tác khảo sát, chăm sóc tình hình trẻ em nói chung và những em “lang thang cùng gia đình” nói riêng gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tỉnh không có đợt khảo sát nào về những đối tượng này. Số liệu khảo sát gần đây nhất về “trẻ em lang thang cùng gia đình” là năm 2007.
Theo sở, hiện nay, nếu địa phương tập hợp được số trẻ em thất học thuộc diện gia đình khó khăn, thì sở sẽ hỗ trợ kinh phí để mở những lớp học tình thương theo thông tư liên tịch số 86 giữa Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (tại ấp Hòa Lân 2, xã Thuận Giao, Thuận An hiện đang có lớp tình thương dạy cho 29 em). Các em được hỗ trợ kinh phí học văn hóa, học nghề nếu đủ tuổi và mong muốn. Em nào đến học tại trường sẽ được hỗ trợ mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập...
Tuy nhiên, việc thực hiện khá khó khăn bởi bộ phận này thường xuyên biến động: Vào thời điểm tháng 5.2007, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (trước đây) phát hiện được 338 em lang thang, nhưng chỉ có 60 em được lập hồ sơ từ tháng 9.2005, còn lại 278 em mới phát hiện năm 2007.
Điều đáng chú ý là những trẻ em này thường đến từ các tỉnh miền Tây, như theo khảo sát vào năm 2007, số trẻ em đến từ miền Tây chiếm tới 73,67%. Bà Trương Thị Anh Đào nhận định, có thể do người dân nơi đây chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành cho con.
Tôi cũng được biết, Sở LĐTBXH vừa tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất chủ trương khảo sát tình hình trẻ em trong toàn tỉnh (trong đó có những trẻ em là đối tượng trong bài viết này), tiến hành từ đầu tháng tư tới (cùng với đợt tổng điều tra dân số toàn quốc) để xử lý dữ liệu khảo sát, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp đối với trẻ em lang thang. “Phải có khảo sát cụ thể thì mới có những biện pháp hiệu quả để giúp đỡ các em, ví như các em muốn học những nghề gì thì sở sẽ phối hợp với các trường nghề để dạy” - bà Đào nói.
* * *
Tôi trở lại bãi đất hoang nơi vui chơi của các em. Cánh diều “tự chế” của Khoa vẫn cứ chực lao xuống đất, thật lạc lõng giữa hàng chục chiếc diều đủ màu sắc, bay rất cao của những đứa trẻ mặc những bộ quần áo đẹp đang có bố mẹ chơi cùng bên cạnh. Tôi biết, em đang mong có được những cánh diều mới như chúng bạn lắm lắm.
Tôi thầm mong các em sẽ lại được xúng xính trong bộ quần áo mới để đến trường, như muôn ngàn những trẻ em bình thường khác.
Theo Đoàn Tất Thảo / Lao Động
Bình luận (0)