Lời hứa của 3 vị Bộ trưởng

21/03/2009 01:43 GMT+7

Trong ngày làm việc thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm qua 20.3 đã diễn ra chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh. Mời nghe đọc bài

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: “Gói kích cầu hoàn toàn có thể đạt mục tiêu”

Liên quan đến thủ tục đầu tư và hiệu quả của các dự án, nhiều ĐB băn khoăn về hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận hỏi: "Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay nên chỉ định thầu hay tổ chức đấu thầu?".

Các bộ trưởng phải triển khai khẩn trương, hiệu quả những việc chưa làm được, những việc đã hứa, để các lời hứa có thể nhanh chóng “trông thấy, sờ mó được”.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: “Tất cả kinh nghiệm trên thế giới đều cho thấy đấu thầu là tốt nhất, và thực tế như đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng), gói Km số 6 đến Km 47 qua đấu thầu giá giảm 40%, nhiều nhà máy điện cũng như vậy”. “Tuy nhiên nếu ở vùng sâu vùng xa thì đấu thầu lại là một cản trở”, Bộ trưởng Phúc nói thêm.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc - Ảnh: Ngọc Thắng

Trước những băn khoăn về gói kích cầu 1 tỉ USD, Bộ trưởng Phúc khẳng định mọi chi tiết liên quan đến gói kích cầu đều công khai, tất cả đối tượng thuộc diện đều được hưởng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu bổ sung: 1 tỉ USD (hơn 17 ngàn tỉ đồng) của gói kích cầu này là dùng để hỗ trợ lãi suất, giúp DN hạ giá thành sản phẩm, duy trì kinh doanh và tạo việc làm. "Tôi có đi kiểm tra 11 địa phương thấy gói kích cầu này thực hiện rất tốt. Hiện gói kích cầu bước đầu đã phục vụ cho việc giải ngân được hơn 144 ngàn tỉ trong số 600 ngàn tỉ dự kiến", Thống đốc Giàu nói.

Về hiệu quả của gói kích cầu, Bộ trưởng Phúc cho biết: “Cần có thời gian kiểm nghiệm thêm", nhưng ông cũng thông tin thêm rằng bằng nhiều chính sách tổng hợp của Chính phủ, tình hình hiện khả quan. “Tôi mới họp sáng nay với các bộ ngành khác để báo cáo Chính phủ, tin mừng là tăng trưởng quý I là 3,1%, thường thì quý I hằng năm tăng thấp nhất. 170 nước trên thế giới thì hiện chỉ có 12 nước tăng trưởng dương", ông Phúc kể.

Đến đây thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lên tiếng, khuyến cáo không nên chủ quan vì tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Khủng hoảng mang tính hệ thống và được xem là nghiêm trọng nhất từ sau đại suy thoái 1929-1930. Vì vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, khâu dự báo cần được làm tốt, phải thường xuyên cập nhật tình hình và triển khai gói kích cầu một cách hiệu quả, đúng mục đích, đúng mục tiêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn về khả năng hấp thụ của nền kinh tế đối với gói kích cầu và các nguồn vốn trái phiếu đang dự định phát hành. Nhưng Bộ trưởng Phúc lạc quan: "Kích cầu là hoàn toàn đúng chỗ, hấp thụ tốt”.

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: “Sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy”

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), cả nước có khoảng 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Các thành phố lớn vẫn là những "điểm nóng" có nhiều di tích bị xâm phạm.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh - Ảnh: L.Q.P

Thế nhưng, các nguyên nhân được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn ra cũng vẫn là những nguyên nhân chung chung như việc xâm lấn di tích để giải quyết nhu cầu nhà ở; việc triển khai quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở gần không tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan, dẫn tới tình trạng xây cất trái phép trong khu vực bảo vệ di tích; hoặc trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL quá lỏng lẻo khiến cho việc xử lý các vi phạm tồn đọng từ hàng chục năm trước khá chậm chạp.

ĐB Nguyễn Văn Quyết (Yên Bái) thắc mắc: “Đến bao giờ Bộ VH-TT-DL mới giải quyết được tình trạng xâm phạm di tích? Lộ trình thế nào?". Trong phần trả lời, Bộ trưởng có đề ra giải pháp phát huy vai trò giám sát của nhân dân, và ông Quyết truy tiếp: "Vậy Bộ đã nghĩ đến cơ chế nào để nhân dân tham gia vào việc giám sát hay chưa? Không thể nói chung chung như thế".

Điều bất cập hiện nay là có tới 2/3 số nhà hát trong cả nước không sáng đèn, tức hoạt động không hiệu quả, thế nhưng Bộ VH-TT-DL lại đề xuất xây dựng thêm một số nhà hát từ 5.000 - 7.000 chỗ ở một số tỉnh thành, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Như vậy có mâu thuẫn không?
ĐB Nguyễn Văn Quyết (Yên Bái)


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời: “Cái gì cũng phải có lộ trình, không thể ngày một ngày hai được. Các di tích cấp quốc gia chỉ được cấp ngân sách trùng tu tôn tạo, chứ không được cấp ngân sách đền bù giải tỏa.

Vì vậy, đề nghị chính quyền các cấp địa phương phải góp sức cùng Trung ương. Đến năm 2020, sẽ có khoảng vài nghìn di tích cần trùng tu, đòi hỏi một khoản ngân sách lớn. Ngoài ra, điều kiện khí hậu Việt Nam khắc nghiệt cũng khiến di tích nhanh xuống cấp”.

Cần thiết phải xây dựng thêm các nhà hát để chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài...
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Dường như phần giải thích của Bộ trưởng VH-TT-DL chưa đủ sức thuyết phục nên một số ĐB vẫn đòi hỏi Bộ phải có giải pháp cụ thể cho những vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: làm thế nào để giải quyết dứt điểm nạn “chặt”, “chém” khách mỗi mùa lễ hội; làm thế nào để tổ chức cưới xin, tang ma văn minh khi mà ngay một số cán bộ có chức có quyền và đảng viên lại chính là những người nêu gương xấu...

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh hứa sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: “Sẽ sớm có số liệu lao động tự do”

Về chuyện tiền trợ cấp Tết của người nghèo bị “xà xẻo”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: Một số địa phương còn xảy ra sai phạm, chủ yếu là ở thôn và một số ít cấp xã. Nguyên nhân là chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra các cấp chưa tốt, phó mặc cho cơ sở, thiếu trách nhiệm, làm tùy tiện, làm sai quy định, rà soát hộ nghèo còn chạy theo thành tích.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: L.Q.P

Đại biểu (ĐB) Phạm Minh Tuyên (Ninh Bình) hỏi luôn: “Bộ có tham mưu kịp thời không mà thời gian triển khai gấp rút như vậy”? Bộ trưởng Ngân nói:“Cân đối thấy người dân cần có tiền ăn Tết, tôi nghĩ tham mưu là kịp thời, kể cả triển khai”. “Trách nhiệm của Bộ đến đâu trong việc xác định đối tượng nghèo?”, ĐB hỏi tiếp và bà Ngân trả lời: “Xác định hộ nghèo, chủ yếu Bộ chỉ hướng dẫn, đưa ra tiêu chí cụ thể còn địa phương bình xét. Bộ dù tăng cường đến mấy cũng không sát sao bằng địa phương”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục truy: "Thế trách nhiệm của Bộ ở đâu? Trách nhiệm rà soát, thanh tra xử lý nghiêm là trách nhiệm cơ quan trung ương, cụ thể, kỷ luật thế nào rồi, cao nhất là cấp nào?". Bộ trưởng Ngân: “Bộ có hướng dẫn chuẩn nghèo, nông thôn, đô thị đều có, tuy nhiên sắp tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chặt chẽ”. Bộ trưởng Ngân cũng nhận trách nhiệm về việc Bộ rà soát chưa đúng, kiểm tra chưa được nhiều.

Chuyển sang vấn đề khác, Bộ trưởng Ngân cho biết, báo cáo của 40 tỉnh, thành đến hết tháng 1.2009 đã có 85 ngàn người bị mất việc, trên 40 ngàn bị cắt, giảm việc làm và trên 20 ngàn người tạm nghỉ chờ việc. Dự báo trên phạm vi toàn quốc trong năm 2009 có khoảng 300 ngàn người mất việc, số đông tập trung vào các doanh nghiệp (DN) gia công xuất khẩu, đặc biệt dệt may, linh kiện điện tử, thủ công mỹ nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai hỏi: "Còn đối tượng lao động trong các hợp tác xã, làng nghề thì sao? Bộ đã khảo cứu chưa, có đề xuất gì?". Bộ trưởng Ngân nói: cả nước có 46 triệu lao động, nhưng chỉ có thể quản lý tốt lao động DN, chưa quản lý được lao động tự do.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận không hài lòng: "Lao động DN chỉ là một kênh, tại sao lại chưa nắm các khu vực khác? Tới đây Bộ có biện pháp gì không?". Bộ trưởng Ngân hứa sẽ cố gắng hết sức, và sẽ sớm có số liệu đầy đủ để báo cáo trước Quốc hội.

 Như Nguyễn - Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.