Tháng thanh niên 2009: Vốn vay cho thanh niên

22/03/2009 11:58 GMT+7

Từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội và T.Ư Đoàn đã ký chương trình liên tịch về việc tổ chức ủy thác cho thanh niên vay vốn. Đã có rất nhiều thanh niên thoát nghèo thậm chí làm giàu được từ nguồn vốn vay này. Nhưng thực tế cũng cho thấy còn rất nhiều bạn trẻ khó khăn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Bài 1: Làm giàu từ vốn vay của Đoàn

Trở về quê sau hơn hai năm theo học Trung cấp Nông lâm nghiệp Yên Bái, chàng trai trẻ La Văn Chính (sinh năm 1981) loay hoay không biết bắt đầu khởi nghiệp như thế nào.

Dám liều từ kiến thức chuyên môn

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Liêm Phú - một xã nghèo huyện Văn Bàn (Lào Cai), nên Chính và gia đình cũng không tránh khỏi cái nghèo luẩn quẩn. Chỉ có chuyên môn về thú y, còn vốn liếng chẳng có gì, nhiều đêm Chính trằn trọc không ngủ vì thấy tiếc công sức học hành, sự nuôi dưỡng của cha mẹ.

Năm 2006, khi Chính vừa lấy vợ để có “thêm người làm” thì tỉnh và huyện đoàn triển khai chương trình vốn vay cho TN nghèo. Là bí thư đoàn xã, Chính “ngấm” chủ trương này rất nhanh. Sau nhiều đêm bàn tính, Chính quyết định lập dự án trồng cây thảo quả để khởi nghiệp, cũng vừa là “đi đầu” cho TN nghèo trong xã làm theo.

Chính vay được 10 triệu đồng, mua lại nương thảo quả hết gần 7 triệu đồng, còn lại đầu tư phân bón, chăm sóc. Năm đó, hầu như suốt ngày Chính cùng vợ trên nương thảo quả, vận dụng hết kiến thức học được trên trường dồn vào cây - quả.

Ngay năm đầu tiên nương thảo quả mang lại cho anh 15 triệu đồng. Thấy xã chưa có đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi và phân bón, Chính đem toàn bộ 15 triệu đồng thu từ bán thảo quả lên tỉnh làm việc với công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi và phân bón “đặt cọc” để được làm đại lý, với phương thức ký gửi. Thế là Chính có cửa hàng đặt ngay tại nhà mình. Dân nghèo, không vốn nên đa số mua hàng trả chậm, thành ra Chính cũng phải “nợ gối” công ty. Là bí thư đoàn kiêm chân thú y xã, có điều kiện “thuộc lòng” từng đàn lợn, nương lúa của bà con, Chính không ngại lắm.

Sau ba năm, Chính gom góp được trên 200 triệu đồng. Giữa năm 2008, anh liều lần thứ ba khi vay thêm tiền ngân hàng mua ôtô tải trên 300 triệu đồng để tự mình chuyên chở và buôn bán vật liệu xây dựng...

Anh Ngô Hoàng Hiệp, bí thư T.Ư Đoàn: Việc giúp TN vay vốn, tổ chức Đoàn có “năm cái được”. Đầu tiên là TN nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo. Thứ hai, tổ chức Đoàn có thêm kinh phí để tổ chức phong trào TN do nhận được tiền phí ủy thác.

Tiếp nữa là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi trong tuổi trẻ được tiếp thêm nguồn lực. Qua đó vai trò, ảnh hưởng của Đoàn trong TN và xã hội được nâng lên. Cuối cùng, qua việc ủy thác cho TN vay vốn, đội ngũ cán bộ Đoàn có thêm kiến thức và kinh nghiệm quản lý kinh tế - tài chính.

Tất cả là nhờ quyết tâm làm giàu, máu liều dám nghĩ dám làm của TN cộng với nguồn vốn vay của Đoàn...

Chuyển “liều” cho bạn bè

Từ vụ thu hoạch thảo quả đầu tiên khá phấn khởi, Chính vẽ đường bày cách cho các đoàn viên, TN trong bản, trong xã: “Nếu mình có vốn, quyết tâm làm và làm thật cần mẫn, chăm chỉ thì trời chẳng phụ công”.

Tìm hiểu và thấy cách làm của Chính hiệu quả rõ rệt, nhiều đoàn viên, TN trong xã cũng làm theo. Đầu tiên là La Văn Mấn, một đoàn viên khó khăn ở cùng bản. Thấy Mấn nhiệt tình, cũng có chí tự thân thoát nghèo như mình, Chính cho Mấn vay ít vốn, bán chịu cây giống cho Mấn trồng. Tích cóp dần dần, sau hai năm Mấn cũng mua được một nương thảo quả khác gần nương thảo quả của Chính.

Cùng với Mấn, năm 2007 Chính mày mò ươm thành công 10.000 gốc thảo quả. Chỉ dùng 4.000 gốc, còn lại 6.000 gốc Chính vận động, khuyến khích nhiều bạn trẻ trong xã đến trang trại của mình lấy về trồng mà không đòi hỏi tiền giống. Năm đó, TN cả xã Liêm Phú hăm hở trồng thảo quả theo cách làm của Chính, Mấn với 10.000 gốc thảo quả được TN trồng thêm khắp xã.

Cũng như cây thảo quả, nhiều gia đình trẻ, nhiều TN nghèo thiếu vốn không đủ tiền mua thức ăn chăn nuôi, phân bón, Chính đứng ra bán chịu cho bạn bè, cuối vụ anh mới thu lại để trả công ty. Chính chân thành: “Mình nghèo nên biết TN nghèo thiếu vốn cũng khó làm ăn lắm. Nay mình có vốn, có kinh nghiệm, giúp anh em cũng như trước đây mình được mọi người giúp thôi”.

Với những TN chưa có điều kiện, Chính tập hợp gần 20 bạn trẻ nhận vào làm trên nương thảo quả của mình. Thậm chí có bạn nghèo khó quá, Chính còn tặng hẳn mấy chục gốc thảo quả để tự chăm sóc gây dựng vốn...

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, bí thư T.Ư Đoàn, cho biết các mô hình TN giúp nhau lập nghiệp như của Chính - Mấn đang nở rộ, lan rộng ở hầu hết các tỉnh thành đoàn khác, chứ không riêng Lào Cai, Hải Dương, Bắc Kạn.

Theo Đức Bình - Hồ Văn / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.