Giao thông thủy ĐBSCL thiếu an toàn

22/03/2009 23:15 GMT+7

Vụ tai nạn giao thông thủy nghiêm trọng làm 2 người chết vừa xảy ra ngày 21.3 tại chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ như một hệ quả tất yếu của tình trạng mất an toàn giao thông thủy (ATGT) kéo dài trong thời gian qua.

Tàu du lịch “chui”

Tham quan sông nước là một thế mạnh của du lịch miền Tây. Thế nhưng, thế mạnh ấy có thể trở thành một hiểm họa thực sự đối với du khách nếu như chưa được quản lý tốt. Dọc bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ), mỗi ngày có từ vài chục đến cả trăm người dân neo tàu dọc bến sông để chèo kéo, giành giật khách. Giá cả mà họ đưa ra thường rẻ hơn so với tàu của công ty du lịch. Theo ghi nhận của chúng tôi, giá một tour tham quan chợ nổi kết hợp với vườn trái cây chỉ từ 150 - 300 ngàn đồng tùy loại tàu và tùy khả năng trả giá của du khách. Các chủ thuyền cũng sẵn sàng phá giá để giành khách.

Thế nhưng, chèo kéo khách du lịch chỉ là chuyện nhỏ so với sự bát nháo ở đây. Cách đây hơn một tháng, cũng tại khu vực bến Ninh Kiều, chúng tôi chứng kiến một đoàn du khách vừa bước ra từ khách sạn Golf đã bị hai chủ tàu chèo kéo không ngớt. Sau một hồi ngã giá, khách thấy không có áo phao và thuyền quá nhỏ, nên không chịu đi thì bị ngay một tràng chửi bới của chủ tàu.

Theo Công ty cổ phần bến xe tàu phà Cần Thơ, việc quản lý vận tải đường thủy còn nhiều bất cập. Hoạt động của tàu trên tuyến chưa được quản lý bằng sổ nhật trình, một số bến tàu không bố trí nhân sự điều hành, không tổ chức bán vé nên chủ tàu rước khách quá trọng tải cho phép, kể cả khi lưu thông rước khách trên đường. Vì vậy, tình trạng vi phạm quy chế hoạt động vận tải vẫn còn phổ biến. Nhiều đò chèo, đò máy rước khách trái phép làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.

Những người làm du lịch “chui” đã góp phần gây mất trật tự ở khu vực bến Ninh Kiều. Đa số những người sống bằng nghề này thường không có nghề nghiệp ổn định nên tranh thủ thời gian rảnh rỗi thì mang xuồng đi làm du lịch. Vì vậy, họ thường bất chấp những quy định về ATGT như không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép điều khiển phương tiện hay pháo cứu sinh... Chẳng những thế, số phương tiện này còn thường xuyên chở người vượt quá quy định.

Đò dọc, đò ngang cũng mất an toàn

Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất ATGT là phương tiện không thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định. Số liệu thống kê gần đây của Công an TP Cần Thơ cho thấy, toàn thành phố có gần 66.000 phương tiện thủy nội địa các loại. Thế nhưng số lượng đăng ký, đăng kiểm chỉ có hơn 5.500 chiếc, chiếm khoảng 13% tổng số phương tiện. Ban đăng kiểm đường sông TP Cần Thơ còn cho biết thêm: Nhiều phương tiện thủy nội địa đã được đăng kiểm, khi hết hạn chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không quay lại để kiểm tra hằng năm. Số phương tiện chấp hành đăng kiểm hằng năm chỉ chiếm 40% số phương tiện đã được đăng kiểm. Mặt khác, phần lớn những phương tiện này không có trang bị phao cứu sinh, cứu đắm... Một số có trang bị áo cứu sinh thì lại không yêu cầu du khách mặc áo cho an toàn.

Còn theo Công ty cổ phần bến xe tàu phà Cần Thơ, nhiều bến đò ngang, đò dọc phát triển một cách tự phát chưa được quản lý một cách chặt chẽ cũng là nguyên nhân gây mất ATGT. Ban ATGT TP Cần Thơ cho biết: chỉ có 86/134 bến khách ngang sông có giấy phép hoạt động. Cụ thể tại bến tàu khách Cần Thơ, nhiều đò chèo, đò máy không có bến bãi thường xuyên hoạt động; kế bên là bến tàu du lịch chiếm dụng vùng nước của bến tàu để neo đậu, ra vào bến làm cho tình hình an ninh trật tự ATGT thêm phức tạp. Tương tự, tại bến phà Xóm Chài phường Tân An (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), bến phà Thốt Nốt hiện đang tồn tại một bến đò ngang, mỗi ngày có hàng trăm đò chèo, đò máy ra vào...

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.