Để tạo tiếng vang tới chính phủ, tám công đoàn lớn nhất của Pháp đã đồng loạt kêu gọi biểu tình và kết quả đúng như họ mong đợi, hàng triệu người Pháp đã cùng nhau hô khẩu hiệu trong ngày 19.3. Tuy nhiên, đối mặt với những yêu sách tăng trợ cấp, kiểm soát việc sa thải nhân công, hủy bỏ mục tiêu gia giảm công nhân viên chức (cứ hai người về hưu thì chỉ tuyển thêm một người)..., câu trả lời từ giới chức có thẩm quyền đã khiến người biểu tình thất vọng hoàn toàn.
Nếu như Bộ trưởng Lao động và Việc làm Brice Hortefeux tỏ vẻ lắng nghe nhưng "không thấy yêu cầu thay đổi nào cả" thì Thủ tướng Fracois Fillon quả quyết hơn: "Tôi hoàn toàn thông cảm với những người đã xuống đường ngày 19.3, những lo lắng của họ là chính đáng nhưng biểu tình không giải quyết được khủng hoảng. Không thể có thêm một dự án khôi phục kinh tế nào nữa khi sự thiếu hụt ngân sách đã tăng lên gấp đôi".
Có thể thấy được nguyên nhân sự cứng rắn của Thủ tướng Fillon. Cuộc biểu tình ngày 19.3 tuy đông về số người tham gia, nhưng đình công "đi kèm" như thông lệ lại giảm: chỉ 21%, giảm 4% so với đợt biểu tình, đình công toàn quốc ngày 29.1. Mặt khác, ngành có khả năng làm tê liệt nước Pháp cao nhất là đường sắt chỉ đình công 35,9% do họ tham gia chỉ vì liên đới, không bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp như vào mùa thu năm 2007. Và nguyên nhân còn lại chính là kinh tế nước Pháp đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Fillon khó có thể "rộng rãi" để thỏa mãn yêu cầu của các công đoàn.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Thống kê kinh tế quốc gia (Insee), 3 tháng đầu năm 2009, đã có 330.000 việc làm bị cắt giảm, làm tỷ lệ thất nghiệp của Pháp tăng lên 8,8%, cao hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1993 (170.000 việc làm cắt giảm sau 6 tháng đầu năm). Insee cũng dự đoán năm 2009 GDP của Pháp sẽ giảm khoảng 3%. Đây là tình hình chung của kinh tế thế giới, vì IMF đã dự đoán tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu năm 2009 sẽ dưới 0%.
Tuy nhiên, việc một số tập đoàn Pháp vẫn đạt lợi nhuận cao nhưng lại sa thải nhân viên thì lại làm người Pháp phẫn nộ. Như Tập đoàn Total công bố trong năm vừa qua đạt lợi nhuận là 14 tỉ euro, nhưng lại thông báo sắp sửa đóng cửa một cơ sở ở Pháp, đồng nghĩa với 550 người thất nghiệp.
Dầu lại được đổ thêm vào lửa khi Bộ Kinh tế đưa ra bản báo cáo về kết quả sau một năm áp dụng mức trần thuế ở tỷ lệ 50%: 850 người Pháp thu nhập cao nhất đã được hoàn bớt lại khoản thuế mà họ phải đóng trung bình là 350.000 euro, tương đương với 30 năm làm việc của những người có mức thu nhập tối thiểu.
Nếu Tổng thống Sarkozy không đưa ra được biện pháp hợp lý cho tình hình kinh tế xã hội hiện tại thì rõ ràng, sự lo ngại nguy cơ bùng nổ khủng hoảng xã hội và xuất hiện bạo lực của 71% những người được thăm dò trên nhật báo Le Figaro là hợp lý. Cuộc biểu tình ngày 19.3 cũng đã kết thúc sau khi xảy ra một số cuộc đụng độ giữa thành phần cực đoan với cảnh sát, 300 người đã bị bắt.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
(từ Paris, Pháp)
Bình luận (0)